Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Góp phần bảo vệ môi trường từ mô hình phân loại rác tại nguồn

Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Linh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, việc xây dựng các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình” được xem là cách làm đã phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng.

Ra mắt vào cuối tháng 3/2024, mô hình thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn ở khóm 1, thị trấn Bến Quan, là mô hình thứ 106 do Hội LHPN huyện Vĩnh Linh quản lý và đi vào hoạt động. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức cũng như hành động bảo vệ môi trường từ việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn của chị em hội viên phụ nữ thị trấn Bến Quan đã có chuyển biến tích cực. Mỗi hộ đã tự nguyện mua sắm ít nhất 2 thùng đựng rác để tự phân loại rác tại nhà; góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy quá trình xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn.

Chị Lý Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bến Quan, cho biết: “Trước đây, nhiều gia đình thường gom tất cả rác thải sinh hoạt vào túi nilon rồi bỏ hết lên xe chở rác chứ chưa hề nghĩ đến chuyện phân tách ra từng loại. Từ ngày được các cấp hội phụ nữ tuyên truyền, vận động, chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn thị trấn mới hiểu ra và thấy việc làm này thực sự không hề khó mà lại mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ môi trường. Việc thành lập mô hình thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn ở khóm 1 càng trở nên ý nghĩa, nhằm động viên, khuyến khích chị em tiếp tục tích cực tham gia, góp phần xây dựng cảnh quan thị trấn ngày càng sạch đẹp, tiến tới xây dựng đô thị văn minh”.

Cùng với việc thành lập mô hình, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh quan tâm đến việc thông tin về thực trạng vấn đề môi trường trên địa bàn hiện nay; trang bị cho hội viên các kiến thức về bảo vệ môi trường, trong đó hướng dẫn cụ thể cho chị em cách thức phân loại rác thải từ gia đình; cách ủ rác hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học, tạo nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng. Từ những lợi ích thiết thực đem lại, mô hình đã thu hút đông đảo hội viên, cũng như cơ sở hội tham gia.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Từ thực trạng nhiều cán bộ hội viên và người dân trên địa bàn huyện chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều trong khi công tác thu gom, phân loại xử lý còn hạn chế và đặc biệt là phải trả chi phí không nhỏ trong công tác vận chuyển, xử lý. Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên phụ nữ về công tác bảo vệ môi trường, thu gom phân loại và xử lý rác tại nguồn.  

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh môi trường được Hội LHPN cơ sở quan tâm, triển khai thực hiện gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động bằng những việc làm cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường với những hình thức phong phú; tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải tại nơi công cộng, tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, tổng dọn vệ sinh các tuyến đường khu dân cư vào thứ bảy hàng tuần; thu gom phân loại rác thải tại hộ gia đình...”

Nhờ các cấp Hội chủ động sáng tạo trong công tác truyên truyền vận động và hiệu quả mà mô hình mang lại đã ngày càng thu hút đông đảo cán bộ hội viên tham gia. Thông qua mô hình “Phân loại xử lý rác tại hộ gia đình” đã từng bước thay đổi nhận thức, tạo thói quen về thực hiện thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình của cán bộ, hội viên vì vậy lượng rác thải hữu cơ đưa ra môi trường được giảm thiểu đáng kể. Đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 106 mô hình phân loại xử lý rác thải tại nguồn với hàng ngàn thành viên là hội viên phụ nữ tham gia.

Theo thống kê, những năm gần đây tổng chất thải trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đạt khoảng 60 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ rác hữu cơ chiếm 60%, tỷ lệ rác vô cơ có thể tái chế chiếm 10% và 30% tỷ lệ rác không thể thu hồi, tái chế. Do vậy, việc xây dựng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ giảm tải được áp lực chi phí trong thu gom, vận hành xử lý rác thải; mà còn giảm được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xây dựng lối sống xanh bền vững. Từ những hiệu quả đạt được, các cấp Hội LHPN Vĩnh Linh tiếp tục nhân rộng mô hình tại các đơn vị còn lại, góp phần thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các địa phương.

                                                                                    Mỹ Hằng

Bài viết liên quan