Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hơn 10 năm phát triển mô hình trồng hoa Tết ở vùng miền núi

Chủ động vượt khó trong sản xuất ở khu vực miền núi huyện Vĩnh Linh, ngày càng nhiều hộ dân đã thử nghiệm thành công những đối tượng cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế. Như mô hình trồng hoa Tết thương phẩm đầu tiên của hộ anh Lê Quang Linh (sinh năm 1986), thôn Công Ba, xã Vĩnh Hà. Hơn 10 năm triển khai, gia đình anh Linh có thêm nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng/vụ hoa 6 tháng.

Tuy không gặp thuận lợi suốt những vụ trồng hoa bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2018, do chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, thế nhưng anh Lê Quang Linh vẫn kiên trì với nghề, vừa làm vừa học hỏi. Anh đầu tư gần 70 triệu đồng lắp đặt đầy đủ hệ thống điện, nước, lót bạt nền đất hạn chế cỏ dại cho vườn hoa. Từ trồng một số loại cây hoa như: hoa cúc, hoa ly, hoa ngọc thảo…, anh Linh dần chuyển sang chuyên trồng cây hoa cúc. Anh Linh chia sẻ: “Qua mô hình của gia đình thì tôi thấy trồng cây hoa cúc không quá khó. Nhưng quan trọng nhất phải chú ý khâu phòng trừ dịch bệnh. Cây hoa cúc thường bị các loài sâu, bọ trĩ, rệp làm hại thân, lá theo từng giai đoạn. Khi thời tiết thay đổi thì bệnh hại phát sinh mạnh. Lúc phát hiện ra bệnh rất khó xử lý triệt để vì thân, lá cây đã bị tổn thương. Vì vậy phải thường xuyên kiểm tra cây trồng; bón phân đúng thời điểm, kịp thời sử dụng những loại thuốc sinh học bảo vệ thực vật theo từng thời kỳ nhằm tăng sức đề kháng cho cây hoa cúc, hạn chế sâu bệnh”.

Áp dụng tốt kĩ thuật trồng, chăm sóc, từ năm 2019 đến nay, vườn hoa rộng hơn 3.000m2 với 300 chậu hoa cúc và 5.000 cây hoa trồng đất của gia đình anh Linh sinh trưởng, phát triển ổn định. Mỗi vụ hoa chỉ cần tập trung thời gian trong khoảng 6 tháng, hoàn tất công đoạn làm đất, xuống giống vào tháng 7 âm lịch và đến tháng 12 âm lịch sẽ xuất bán. Số lượng hoa hàng năm từ vườn hoa của gia đình anh Linh đều được các cơ quan, hộ dân trong xã và những địa phương lân cận đặt mua, phục vụ trang trí dịp Tết. Có cơ sở sản xuất hoa Tết ngay trên địa bàn đã góp phần cung ứng nguồn hoa tại chỗ ở khu vực miền núi, giảm được phần nào chi phí so với khi mua hoa từ trung tâm huyện Vĩnh Linh cách 15 - 30 km.

Tùy theo thị trường hoa cúc mỗi năm, anh Linh điều chỉnh giá thành phù hợp, bình quân khoảng 350 ngàn đồng/chậu hoa vừa; 750 ngàn đồng/chậu hoa lớn; cây hoa trồng đất từ 7 - 10 ngàn đồng/cây. Anh Linh cho biết: “Vụ hoa năm 2024 này, với 300 chậu hoa và 5.000 cây hoa trồng đất, nếu tính theo giá bán mọi năm, gia đình tôi thu về khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí: vật liệu đúc chậu, giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, điện, nước, nhân công… thì có thêm riêng nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng”.

Đánh giá về mô hình trồng hoa của hộ anh Lê Quang Linh, Phó Chủ tịch UBND Vĩnh Hà Trần Thị Quế cho biết thêm: “Xã miền núi Vĩnh Hà chủ yếu phát triển các loại cây công nghiệp, cây cao su, cây tràm. Mô hình trồng hoa của hộ anh Lê Quang Linh là một đối tượng cây trồng mới. Đặc biệt qua nhiều năm triển khai đã cho thấy hiệu quả kinh tế khả quan, đầu ra tiêu thụ sản phẩm, giá cả hoa thương phẩm hầu hết các năm đều thuận lợi. Đối với những mô hình triển vọng như trồng hoa quy mô hàng hóa này, UBND xã Vĩnh Hà chỉ đạo Hội Nông dân tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích để hướng đến nhân rộng mô hình, thúc đẩy chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.

Với những ưu điểm, kết quả của mô hình trồng hoa cung ứng dịp Tết, gia đình anh Linh dự kiến thời gian tới sẽ tận dụng tối đa qũy đất, mở rộng diện tích trồng hoa lên khoảng 7.000 m2. Từ đó vừa tăng nguồn thu, vừa góp phần hỗ trợ các hộ muốn học hỏi để cùng phát triển nghề trồng hoa, tạo thêm việc làm ổn định tại vùng miền núi.

 

Nguyễn Trang

More