Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
35 năm văn học nghệ thuật Bến Hải - Vĩnh Linh
- 03-04-2022
- 1427 lượt xem
Cách đây 35 năm, trong không khí đầy sôi động và phấn khởi, tự hào của Đảng bộ, quân và dân huyện Bến Hải lúc bấy giờ đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tổ chức Lễ hội thống nhất non sông lần thứ nhất tại cầu Hiền Lương lịch sử vào dịp 30/4/1985. Một sự kiện văn hóa lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã diễn ra đối với giới văn nghệ sỹ huyện Bến Hải. Đó là việc Thường vụ Huyện ủy với sự đồng ý của Ban Thường vụ hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên đã cho phép thành lập Chi hội VHNT Bến Hải và xuất bản đặc san mang tên Bến Hải vào dịp lễ kỷ niệm 30/4. Đặc san do anh em văn nghệ sỹ Bến Hải sáng tác, biên tập, xuất bản đã trở thành món quà tinh thần đầy ý nghĩa, làm quà tặng cho đại biểu tỏa đi bốn phương đã chuyển tải một hình ảnh khá toàn diện về mãnh đất con người Bên Hải - Hiền Lương với truyền thống cách mạng hào hùng và khát vọng vươn lên trong hòa bình, xây dựng.
Cách đây 35 năm, trong không khí đầy sôi động và phấn khởi, tự hào của Đảng bộ, quân và dân huyện Bến Hải lúc bấy giờ đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tổ chức Lễ hội thống nhất non sông lần thứ nhất tại cầu Hiền Lương lịch sử vào dịp 30/4/1985. Một sự kiện văn hóa lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã diễn ra đối với giới văn nghệ sỹ huyện Bến Hải. Đó là việc Thường vụ Huyện ủy với sự đồng ý của Ban Thường vụ hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên đã cho phép thành lập Chi hội VHNT Bến Hải và xuất bản đặc san mang tên Bến Hải vào dịp lễ kỷ niệm 30/4. Đặc san do anh em văn nghệ sỹ Bến Hải sáng tác, biên tập, xuất bản đã trở thành món quà tinh thần đầy ý nghĩa, làm quà tặng cho đại biểu tỏa đi bốn phương đã chuyển tải một hình ảnh khá toàn diện về mãnh đất con người Bên Hải - Hiền Lương với truyền thống cách mạng hào hùng và khát vọng vươn lên trong hòa bình, xây dựng.
Chi hội Văn nghệ Bến Hải thành lập đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4.
Ngày 17/3/1977, Chính phủ quyết định sáp nhập hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và 8 xã thuộc huyện Cam Lộ thành huyện Bến Hải. Năm 1983, 8 xã Cam Lộ được tách riêng nhập vào thị xã Đông Hà, Bến Hải còn lại hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, do ông Cao Văn Đàn nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh làm Bí thư. Năm 1984 ông Cao Văn Đàn được Trung ương điều động tăng cường cho đoàn cán bộ chuyên gia Việt Nam sang Campuchia giúp bạn xây dựng lại đất nước, sau họa diệt chủng của Khơme đỏ. Ông Phan Chung được tỉnh ủy Bình Trị Thiên điều ra làm Bí thư Huyện ủy Bến Hải.
Với một huyện bị chiến tranh tàn phá mang tính hủy diệt, xuất phát điểm gần như 2 bàn tay trắng. Nguồn sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, lại thường xuyên chịu sự khắc nghiệt của thiên tai. Do vậy đời sống nhân dân, bộ đội, cán bộ công chức Nhà nước cực kỳ khó khăn. Ông Phan Chung nêu vấn đề: “Phải biết khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng thế mạnh cả tinh thần lẫn vật chất của vùng đất có tính đặc thù này vào công cuộc tái thiết xây dựng”. Ông cho mời ông Ngô Phước Lan - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, ông Hoàng Văn Hiến và Hoàng Ngọc Lân - Trưởng và Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy đến cùng bàn thảo, tìm một hướng đi mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác văn hóa tư tưởng. Ông bộc bạch: “Trong chống Mỹ cứu nước, Bến Hải mình ở hai bờ con sông Hiền Lương, từ mỗi cán bộ đến mỗi người dân khi nghe đến danh hiệu “Vĩnh Linh lũy thép”; “Gio Linh anh hùng kiên cường” là quên hết mọi gian khổ hy sinh, sẵn sàng bám trụ, lập công xuất sắc”. Ngày nay xây dựng CNXH, muốn đẩy lùi những khó khăn thách thức thì phải vừa biết cách tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, vừa coi trọng công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, văn hóa văn nghệ, phát huy truyền thống anh hùng trong quá khứ, khơi dậy niềm tự hào quê hương, làm động lực thúc đẩy mọi mặt cuộc sống”.
Từ suy nghĩ này của ông mà ở Bến Hải lúc bấy giờ, từ Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa - Thông tin đến Đài Truyền thanh đều có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý trong mọi hoạt động. Là một địa phương có đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo được tôi luyện, trưởng thành từ trong chiến tranh. Nhiều tác giả văn học, âm nhạc đã có tác phẩm. Việc tập hợp đội ngũ đông đảo này để tiếp tục nhiệm vụ mới trong hòa bình xây dựng cũng như xuất bản một ấn phẩm là rất cần thiết. Nhờ vậy mà một loạt các ấn phẩm như “Vĩ tuyến lửa”, “Đất biên cương” những mẫu chuyện “Đôi bờ”; “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”, “Bến Hải miền đất dân ca” lần lượt ra đời, thực sự làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cán bộ nhân dân, có tác dụng to lớn, cổ vũ khích lệ quần chúng trong các phong trào cách mạng. Ông khẳng định: “Văn hóa văn nghệ đích thực là một thế mạnh, nếu biết kết hợp tốt, sẽ trở thành sức mạnh vật chất, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, để tiếp tục đi lên phía trước. Chẳng phải trong chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Linh từng nêu cao khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng” đó sao?”.
Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất huyện, khi biết Bến Hải có đội ngũ sáng tác và biểu diễn nghiệp dư 3,4 chục người, ông đã nghĩ ngay đến việc phải tập hợp lực lượng này lại, để biến nó thành công cụ đắc lực, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Ông đem ý tưởng đó trực tiếp trao đổi với các anh ở Hội Văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên, được Ban Thường vụ Hội Văn nghệ tỉnh tán thành và khích lệ. Ông liền đưa vấn đề này ra bàn thảo tại hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy. Nhờ đó mà Huyện ủy Bến Hải có nghị quyết chuyên đề về công tác văn hóa, văn nghệ, thông tin báo chí trong tình hình mới. Chi hội Văn nghệ Bến Hải và tổ cộng tác viên báo đài Bình Trị Thiên của Bến Hải khẩn trương thành lập.
Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Bến Hải là một sự kiện văn hóa lớn, một dấu ấn lịch sử không thể phai mờ trong đời sống văn hóa, văn nghệ của mãnh đất đôi bờ Hiền Lương lịch sử đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan ban ngành trong huyện. Không một đại diện của ban ngành nào trong huyện vắng mặt. Nhưng đông đảo nhất vẫn là anh chị em văn nghệ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên cùng tập thể Ban Thường vụ Hội và các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ lớn của dãi đất miền Trung đều có mặt như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Hồng Nhu, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Hà Khánh Linh, nhạc sỹ Lê Anh... Lãnh đạo huyện có ông Phan Chung - Bí thư Huyện ủy, ông Trần Đắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Tại đại hội, một Ban Chấp hành có 4 người đã được bầu ra, gồm các ông Hoàng Văn Hiến, Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Phước Lan và Vũ Mạnh Thi. Ông Hoàng Văn Hiến - Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy được Thường vụ Huyện ủy cử sang làm Chi hội trưởng và ông Vũ Mạnh Thi được bầu làm Chi hội phó Hội Văn nghệ Bến Hải. Ông Vũ Mạnh Thi sau đó còn được bổ nhiệm thêm chức vụ Tổng Biên tập Tập san Văn nghệ Bến Hải cho đến ngày chia tách huyện.
Chi hội Văn nghệ Bến Hải vừa thành lập đã có ngay một lực lượng hội viên khá đông đảo. Họ phần lớn là những người đang công tác tại các cơ quan, trường học, địa phương, ít nhiều đã tham gia hoạt động và sáng tác trong các lĩnh vực văn học - nghệ thuật trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh. Nhiều người trước đó đã được kết nạp vào Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và đã từng có tác phẩm in trên tờ văn nghệ của hội là tờ văn nghệ Bình Trị Thiên như về văn học có Hải Hiền, Hồng Khánh, Văn Tuyên, Lê Mậu Đạt, Hoài Quang Phương, Nguyễn Hữu Thắng, Thanh Bình,..; về âm nhạc có Võ Đình Hùng, Hoàng Hữu Lộc,...; về sân khấu có Công Bảy, Văn Đản, Cao Hạnh, Vũ Mạnh Thi,...; về hội họa, nhiếp ảnh có Lê Văn Tống, Lê Đức Ngạn, Cao Hạnh, Võ Đình Hùng.
Những số đầu Tập san Văn nghệ huyện Bến Hải.
Có thể nói vào những năm 80, phong trào văn nghệ địa phương ở Vĩnh Linh, Gio Linh,... hoạt động rất hiệu quả. Nhiều xã trong huyện phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rất mạnh và đã giành được nhiều Huy chương vàng, Huy chương bạc ở các kỳ hội diễn, trở thành những địa chỉ được cả huyện, cả tỉnh biết đến. Như tiếng chim gọi đàn, việc ra đời Chi hội Văn nghệ Bến Hải không chỉ tập hợp, quy tụ, cổ vũ đội ngũ văn nghệ sĩ đang có mặt tại địa phương mà còn là tiếng gọi thiết tha đối với các anh, các chị văn nghệ sĩ là con em quê hương đang sống, công tác ở khắp nơi trong tỉnh Bình Trị Thiên và trong cả nước hướng về góp mặt, góp tác phẩm tham gia cùng Chi hội. Nhà văn Xuân Đức, lúc bấy giờ đang ở Tổng cục Chính trị, nhưng mỗi lần đi công tác ghé qua, hoặc về phép đều đến Chi hội để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và gửi bài vỡ cho tạp chí. Những tác phẩm của anh như: Đây Tam Kỳ quê hương của muôn quê; Nghĩ về nhân dân,... đã gây tiếng vang lớn trong lòng bạn đọc. Đặc biệt anh còn dành nhiều buổi để lên lớp tập huấn phương pháp sáng tác cho các hội viên huyện nhà. Kế đến là các cây bút Trần Biên, Xuân Phùng, Nguyễn Văn Dùng, Quang Thông, Nguyễn Trung Hữu, Tống Phước Trị, Nguyễn Ngọc Chiến, Nguyễn Linh Ngọc, Đinh Ngọc Du, Hữu Đạt, Văn Bốn, Vĩnh Trà, Khánh Vầy, Hồng Vinh, Hồng Thắm, Nguyễn Thị Sĩ, Nguyễn Xuân Trưởng,... cùng nhiều bạn viết khác đã hướng về quây quần bên Chi hội, có những đóng góp tích cực cho phong trào sáng tác về đề tài quê hương.
Có những tác giả viết sung sức như chiếc máy gặt công suất lớn chạy phăm phăm trên cánh đồng chữ nghĩa như Hoài Quang Phương, Nguyễn Văn Dùng, Nguyễn Ngọc Chiến, Lê Nguyên Hồng, Nguyễn Xuân Phùng, Nguyễn Hữu Thắng... hầu như năm nào cũng có tác phẩm được xuất bản, công bố. Đến nay không thể kiểm đếm được bao nhiêu tác phẩm văn học đã được sáng tác, nhưng có thể khẳng định đó là một khối lượng đồ sộ với hàng trăm đầu sách, hàng ngàn bài thơ, truyện, ký, phản ánh về người và đất quê hương. Có nhiều tác phẩm đã trở thành thương hiệu sống mãi trong lòng bạn đọc.
Để có một Chi hội Văn nghệ Bến Hải ra đời, một Tạp chí Văn nghệ Bến Hải với hàng chục số, in ấn hàng vạn bản đến với bạn đọc trong cả nước; lưu giữ nhiều tác phẩm văn học có giá trị, mà đến nay nhắc lại nhiều bạn đọc còn thuộc lòng. Chi hội biết ơn các đồng chí lãnh đạo huyện Bến Hải lúc bấy giờ, huyện Vĩnh Linh sau này đã luôn quan tâm, biết sử dụng đội ngũ văn nghệ sỹ và lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí như một binh chủng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa đầy hiệu quả của địa phương, quảng bá hình ảnh, mãnh đất con người Bến Hải - Vĩnh Linh bằng văn học đến với bạn bè gần xa.
Ban Biên tập Tập san Văn nghệ huyện Bến Hải ban đầu chỉ có Vũ Mạnh Thi và Thái Văn Tuyên, khi ra số đặc biệt thì tăng cường thêm Nguyễn Hữu Thắng và Hoàng Văn Hiến. Tập san ra số đầu tiên với số lượng phát hành trên 1.500 cuốn. Tập san số 1 ra đời vào dịp 30/4/1985 nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất non sông. Đang chuẩn bị bài vỡ cho số cuối năm, thì cơn bão số 8 năm ấy ập đến. Đúng là một cơn bão mạnh chưa từng có, huyện Bến Hải lại là tâm của bão. Sức tàn phá của nó đã làm tan hoang và đảo lộn tất cả. Biết bao nhà cửa, vườn tược, cây cối, hoa màu của nhân dân đã bị bão phá hoại. Gần một trăm người chết và bị thương, cả nước bàng hoàng, xúc động hướng về Bến Hải. Số tập san mới chuẩn bị chào đời ấy thế là phải thay đổi toàn bộ gần như là vệ nội dung. Thường vụ Huyện ủy Bến Hải chỉ đạo cho Hội Văn nghệ và Ban Biên tập là phải ra ngay số tập san đặc biệt để nêu cho được một cách toàn diện những thiệt hại do bão số 8 gây ra để nhân dân cả huyện, cả tỉnh cùng biết. Số tập san ấy chỉ sau một thời gian ngắn phát động hội viên và cộng tác viên khẩn trương viết bài về bão cũng đã ra mắt bạn đọc. Tập san cũng có thơ, có bút ký, ghi chép, truyện ngắn, tấu hài. Nhiều bài viết trong số tập san ấy được các tác giả tường thuật lại một cách chân thật về những mất mát, thương đau do bão gây ra, khiến người đọc xúc động, không cầm được nước mắt.
Trước những khó khăn chung của cả huyện, cả tỉnh, nhất là những thiệt hại to lớn sau cơn bão số 8, Tập san Văn nghệ Bến Hải sau đó mỗi năm chỉ phát hành được hai số. Từ năm 1987, Huyện ủy đã cố gắng sắp xếp cho Ban Biên tập ra thêm một số báo Xuân vào dịp Tết Nguyên Đán nữa. Nhưng để ra được hai số tập san và một số báo uân trong một năm thôi cũng đã là một sự cố gắng của huyện về ngân sách đầu tư. Cái khó khăn hàng đầu là kinh phí để in ấn. Mỗi số tập san thường in từ 1.500 đến 2.000 bản và có độ dày trung bình từ 70 đến 100 trang. Mọi việc, từ vẽ bìa, trang trí, minh họa,... đều do nhà in làm. Tập san sau khi in xong ở Huế thì được gửi ra Hồ Xá bằng xe đò chở khách, phát hành tập san cho tất cả các cơ quan, ban ngành, đến UBND các xã, các lâm, nông trường, các trường học... trong huyện.
Trải qua gần 5 năm tồn tại, từ 1985-1989, Chi hội Văn nghệ Bến Hải đã làm được nhiều việc có ích, để đến bây giờ, sau hơn 35 năm ngoảnh nhìn lại, anh chị em văn nghệ hồi ấy vẫn còn thấy rất tự hào. Đó là một thời kỳ đẹp! Một thời kỳ bao cấp ngặt nghèo, khó khăn trăm bề, tưởng như không có lối thoát. Một thời kỳ mà cái ăn cái mặc còn là chuyện mà ai ai cũng phải lo lắng, nghĩ tới. Nhưng cái tình người ở thời ấy thì quả là cao đẹp biết bao nhiêu! Con người sống với nhau có tình có nghĩa, có trước có sau, tình thương yêu và sự đùm bọc, giúp đỡ nhau luôn luôn được xem trọng. Anh chị em làm văn nghệ Bến Hải hồi ấy cũng đã sống với nhau như thế.
Sau ngày chia tách tỉnh, một số hội viên như Cao Hạnh, Hoài Quang Phương, Lê Mậu Đạt đã chuyển vào Đông Hà. Số ở lại cùng các anh Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Nguyên Phước, Lê Nguyên Hồng, Văn Tuyên, Lê Đức Ngạn, Hải Hiền, Văn Đản, Lê Văn Tống, Hoàng Hữu Lộc, Võ Đình Hùng, Nguyễn Xuân Phùng, Tống Phước Trị, Nguyễn Ngọc Chiến, Trần Biên, Đinh Ngọc Du là những người có đóng góp tích cực cho phong trào văn học địa phương hiện nay. Những năm gần đây đã xuất hiện thêm một số tác giả mới, tuy ít nhưng đầy đủ tài năng và triển vọng như Ngô Thị Diệu Hằng, Trần Thanh Hải, Nguyễn Ngọc Thành. Một đóng góp không nhỏ khác của các nhà văn, nhà báo Bến Hải đối với quê hương đó là việc biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương cho huyện, xã và các ngành. Hàng chục đầu sách lịch sử Đảng bộ, lịch sử ngành cấp huyện, xã đã được xuất bản bằng sự tích cực sưu tầm, biên soạn của anh em văn nghệ sỹ huyện nhà như Nguyễn Hữu Thắng, Văn Tuyên, Tống Phước Trị, Trần Thanh Hải, Nguyễn Thi Sỹ,... Vĩnh Linh là địa phương có phong trào viết lịch sử, truyền thống Đảng bộ và địa phương tốt nhất tỉnh Quảng Trị.
Sau khi chia tách huyện, Tập san Văn nghệ Bến Hải tuy không hoạt động nữa, nhưng đội ngũ văn nghệ sỹ Bến Hải vẫn tích cực sáng tác cần mẫn, lặng thầm cho ra đời hàng ngàn tác phẩm văn thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Tác phẩm của họ được gửi đăng trên tạp chí Cửa Việt, báo Quảng Trị. Các tập san chuyên ngành của Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Thể thao văn hóa tỉnh, Nhà báo và Quê hương và rất nhiều báo chí ở Trung ương và các tỉnh bạn. Nổi bật trong số này có Nguyễn Ngọc Chiến, Nguyễn Văn Dũng, Hoài Quang Phương, Tống Phước Trị, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Nguyên Hồng, Đinh Ngọc Du, Trần Thanh Hải,... Một số cây bút thường xuyên được các tờ báo lớn ở tỉnh và các địa phương mời tham gia sáng tác và đặt hàng. Trở thành những tác giả có tên tuổi trong giới văn học hiện nay.
Gặp mặt kỷ niệm 35 năm thành lập Chi hội Văn nghệ Bến Hải. Sự kiện tổ chức vào ngày 2/10/2020.
Trong kho tàng đồ sộ của văn học nghệ thuật Bến Hải có một gia tài giàu có và quý giá, không thể không nhắc đến, đó là lĩnh vực sáng tác, bảo tồn và biểu diễn văn nghệ. Vốn là một mãnh đất giàu truyền thống văn nghệ, đam mê và có phong trào mạnh từ xa xưa với những tên đất, tên người nổi tiếng. Đặc biệt là làng Tùng Luật ở cuối nguồn sông Bến Hải. Truyền thống ấy đã được phát huy cao độ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước với khẩu hiệu “tiếng hát át tiếng bom, tiếng loa hòa tiếng súng” nổi tiếng một thời. Hòa bình lập lại, đời sống tinh thần phong phú hơn, với nhiều kênh thông tin, nhiều món ăn tinh thần hấp dẫn khác. Tuy nhiên, không có gì có thể thay thế được một lực lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc, tổ chức biểu diễn văn nghệ về đề tài quê hương do chính những con người quê hương sáng tác và quần chúng nhân dân là người biểu diễn và thưởng thức.
Những nghệ sỹ, ca sỹ, nghệ nhân tài ba của quê hương như Kim Quý, Sỹ Cừ, Kim Phụng, Thế Hùng, Ái Chủng, Bích Nồng, Đình Sồ, Lê Văn Trọng, Đức Trí, Tiến Hải, Xuân Hải, Thanh Sắc, Hải Phới, Hồng Em cùng rất nhiều các anh chị là hạt nhân văn nghệ tiêu biểu ở các địa phương trong huyện. Các kịch bản sân khấu, hoạt cảnh, tổ khúc dân ca, thơ, vè của Công Bảy, Đình Dúng, Văn Đản, Vũ Mạnh Thi, Văn Tuyên,... đã làm sống động các sàn diễn. Có tác dụng tích cực đến phong trào văn nghệ quần chúng của huyện nhà. Nhờ vậy, 35 năm qua, văn nghệ quần chúng huyện Vĩnh Linh là đơn vị giữ được phong trào liên tục và trở thành một trong những đơn vị mạnh nhất của Bình Trị Thiên trước đây và Quảng Trị hiện nay. Những nghệ sỹ là con em quê hương như Lê Anh, Văn Báu, Võ Đình Hùng, Hoàng Hữu Lộc, Thanh Liêm và thế hệ trưởng thành sau này như Xuân Vũ, Tiến Hải, Võ Đình long đã luôn lấy quê hương làm nguồn cảm hứng sáng tác và để lại cho mãnh đất này những ca khúc bất hủ. Trở thành huyện ca, xã ca thấm đẫm tình quê hương xứ sở.
Đặc biệt gần đây, thực hiện Nghị quyết 33 của TW Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy những giá trị tài sản văn hóa phi vật thể của quê hương. Câu lạc bộ Dân ca Sông Hiền đã được thành lập vào tháng 5/2019 quy tụ 30 nghệ nhân, nhạc sỹ, nhạc công và hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của huyện. Điều đặc biệt đây là một câu lạc bộ văn nghệ tự nguyện, lấy tâm huyết, trách nhiệm và nhiệt tình cùng với sự say mê, yêu thích dân ca làm tiêu chí để sinh hoạt và phục vụ quần chúng nhân dân.
Câu lạc bộ được các anh Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Thanh Liêm, Văn Tuyên và Lê Văn Trọng làm cố vấn đã dàn dựng hàng chục chương trình, tiết mục, biểu diễn hàng chục buổi phục vụ các địa phương nhân dịp lễ, tết, ngày truyền thống. Đã giao lưu với CLB Dân ca Hiền Lương của thành phố Hồ Chí Minh; CLB Dân ca huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và ra phục vụ cán bộ, chiến sỹ huyện đảo Cồn Cỏ. Gần đây khi bài chòi trở thành di sản văn hóa đại diện cho nhân loại, CLB đã tự đóng góp tiền sắm trang phục, đạo cụ, dựng chòi để luyện tập, nhằm bảo tồn di sản. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở VH-TT&DL và sự theo dõi của Phòng VHTT, Trung tâm VH-TT&TDTT huyện, CLB Dân ca Sông Hiền - Vĩnh Linh dù hoạt động không kinh phí, không lương đang trở thành một điểm sáng của phong trào văn hóa văn nghệ huyện nhà.
35 năm đã trôi qua, thế hệ văn học nghệ thuật Bến Hải ngày ấy có người đã vĩnh viễn đi xa. Phần lớn còn lại hôm nay đã thuộc lớp người xưa nay hiếm. Nhưng một thế hệ mới đã và đang trưởng thành. Tự hào về văn học nghệ thuật Bến Hải xưa, hy vọng vào một sự phát triển mới của văn học nghệ thuật Vĩnh Linh hôm nay, đội ngũ văn nghệ sỹ trên địa bàn nguyện vọng có một Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Vĩnh Linh. Đây một việc làm ý nghĩa và cần thiết, xin chuyển nguyện vọng này đến các cơ quan có thẩm quyền là Hội VHNT tỉnh, Sở VH-TT&DL tỉnh và lãnh đạo huyện xem xét để có được một mái nhà chung của văn nghệ sỹ Vĩnh Linh trong giai đoạn mới.
BBT
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh - Điện thoại: (0233).3820491; Fax: (0233).3820787
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ