Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
70 năm lực lượng bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời 25/8 (1954- 2024)
- 06-08-2024
- 75 lượt xem
Sau thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo Hiệp định, vĩ tuyến 17, sông Bến Hải - Hiền Lương là giới tuyến quân sự tạm thời, chờ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7/1956. Nhưng với dã tâm của kẻ xâm lược, âm mưu phá hoại chia cắt lâu dài đất nước ta, ngăn chặn sự phát triển và đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và trên thế giới, Mỹ đã nhanh chóng hất chân thực dân Pháp để ráo riết thực hiện việc thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân mới với lời tuyên bố trắng trợn “Mỹ không bị nội dung Hiệp định này ràng buộc”.
Đoán trước được chiều hướng của tình hình, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhắc nhở đồng bào, chiến sỹ cả nước “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”. Từ đặc điểm tình hình và nhiệm vụ chính trị bảo vệ giới tuyến hết sức khẩn cấp, chỉ 15 ngày sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ có hiệu lực, đầu tháng 8/1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 ra quyết định thành lập Đại đội Công an bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh với 100 cán bộ, chiến sỹ được lựa chọn từ các đại đội 340, 348, 354 của bộ đội địa phương thuộc 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, do đồng chí Trần Tình huyện đội trưởng Cam Lộ làm đội trưởng; đồng chí Lê Văn Bản - Thường vụ Huyện uỷ Vĩnh Linh làm Chính trị viên; đồng chí Mai Lãnh (Phùng Huấn) trưởng Công an huyện Gio Linh làm chính trị viên phó; đồng chí Lê Chính cán bộ Công an tỉnh Quảng Trị làm đại đội phó. Đại đội được biên chế thành 2 trung đội: Trung đội 1 triển khai các đồn Hiền Lương, Chòi, Phước Lý, Tùng Luật, Cửa Tùng và 3 trạm dọc sông Bến Hải lùi vào đất liền mỗi bên 5 km là vùng đệm Khu phi quân sự; các trạm Mũi Si, Dốc Miếu, Cầu Tràn nằm trên trục quốc lộ 1A. Trung đội 2 triển khai các đồn: Huỳnh Hạ, Huỳnh Thượng, Tiên An và Minh Hương.
Ngày 07/11/1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 ra Quyết định số 112/BTL-QK4 thành lập thêm Đại đội 2 Công an giới tuyến, trên 100 cán bộ chiến sĩ Đại đội 2 được chọn lựa từ Trung đoàn 269 và 271 và các đơn vị cảnh vệ quân của tỉnh đội Quảng Trị, Thừa Thiên. Đồng chí Nguyễn Bang được giao nhiệm vụ giữ chức Đại đội trưởng; đồng chí Trần Hữu Thạnh - Trưởng Ban Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Thừa Thiên giữ chức chính trị viên.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, tháng 5/1955 Tổng Quân ủy quyết định tăng quân số, tăng trang bị vũ khí, khí tài, cán bộ chỉ huy và thành lập tiểu đoàn công an giới tuyến với phiên hiệu d25, trên cơ sở Đại đội 1, Đại đội 2 đã có và tổ chức thêm Đại đội 3 từ quân số của Đại đội 354 Vĩnh Linh, được giao nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến phía Tây và biên giới Việt - Lào; Đại đội 4 được giao nhiệm vụ bảo vệ Đảng ủy, UBND, Ngân hàng, Đài Phát thanh Vĩnh Linh và Tổ Quốc tế tại Vĩnh Linh. Đồng chí Vân Hùng - Tỉnh đội Phó tỉnh đội Quảng Trị giữ chức Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Lưu Quý Ngữ - giữ chức Chính trị viên.
Tháng 7/1956, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm trắng trợn chà đạp lên Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ chối hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước biến giới tuyến quân sự tạm thời thành ranh giới chia cắt lãnh thổ, chia cắt tình cảm ruột thịt gia đình, vợ chồng ly gián, chúng hô hào “Lấp sông Bến Hải, Bắc tiến”, “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Chúng đã ngang nhiên cho cảnh sát các đồn phía Nam bắn nhiều loạt đạn tiểu liên, súng cối qua đồn công an bờ Bắc, bắn chết người dân đánh cá trên sông Bến Hải. Nghiêm trọng hơn chúng cho cảnh sát đồn Cát Sơn phá nhà làm việc Liên hợp, phá nhà nghĩ của công an ta… Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 25 được tăng thêm quân số, trang bị vũ khí và đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 41(d41). Cho đến lúc này Tiểu đoàn 41 chịu sự chỉ đạo của Khu ủy Vĩnh Linh, Liên khu 4 và Công an Vĩnh Linh, do vậy chưa phát huy được hiệu quả trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ.
Cuối năm 1957, địch hoạt động ráo riết hơn, gây tình hình căng thẳng ở biên giới Việt - Lào và giới tuyến cũng như nội địa. Phía nam giới tuyến Mỹ, ngụy cho tay chân hiên ngang đốt chợ Bạn (Trung Giang), nổ súng khiêu khích công an bờ bắc, bắn bị thương và chết dân làm ăn trên sông Bến Hải, tung gián điệp, tình báo qua giới tuyến vào Vĩnh Linh, đi sâu vào Quảng Bình chắp nối cơ sở tình báo, gián điệp do Pháp cài lại, kích động ngầm, phá hoại công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc. Ở biên giới Việt - Lào bọn phản động “Đảng cù xuân” ngóc đầu dậy cùng phản động Lào phá hoại biên giới, đánh vào lực lượng Phathét - Lào.
Để tạo thành sức mạnh tổng họp góp phần bảo vệ và xây dựng miền Bắc XHCN làm hậu thuẫn tích cực, chỗ dựa vững chắc cho nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của lực lượng bảo vệ biên giới, giới tuyến và hải đảo, ngày 19/11/1958 Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 58/NQ-TW về xây dựng lực lượng cảnh vệ và biên cương, nêu rõ: “Để tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ công cuộc xây dựng miền Bắc, bảo vệ tốt biên giới, giới tuyến, bờ biển, thực sự phân công hợp lý giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an - Bộ Chính trị quyết định thống nhất các đơn vị bộ đội của Bộ Quốc phòng đang đảm nhiệm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến, bờ biển và các lực lượng Công an biên phòng xây dựng thành lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng, giao cho ngành Công an trực tiếp chỉ đạo lấy tên là lực lượng cảnh vệ”.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an Nhân dân vũ trang, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”. Từ đó ngày 03/3 hàng năm trở thành ngày kỷ niệm truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang trước đây, nay là Bộ đội Biên phòng.
19 giờ, ngày 28/3/1959 Lễ thành lập lực lượng Công an Nhân dân vũ trang được tổ chức tại Câu lạc bộ quân nhân Hà Nội. Hơn 600 đại biểu thay mặt cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang đang công tác, chiến đấu trên khắp các tuyến biên giới, giới tuyến, bờ biển, hải đảo và nội địa đã về dự. Buổi lễ đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu: “Thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang là một thành công về đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa Bộ đội và Công an... Công an và Bộ đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của chuyên chính vô sản. Vì vậy càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau giúp đỡ lẫn nhau”.
Bác phân tích tình hình, nhiệm vụ của cách mạng giai đoạn mới và căn dặn: “... Công an và Bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài. Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của Quân đội, của Công an nói riêng và của toàn dân nói chung, là nhiệm vụ mà Quân đội và Công an phải dựa vào dân mới làm tốt. Ví dụ: Một vạn Công an chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay, chân... Ở những nơi đồng bào thiểu sổ phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, mến phục cán bộ thì đồng bào hết sức giúp đỡ có khi hy sinh cả cho ta. Đối với những đơn vị biên thùy hay ở các đảo, việc ấy phải hết sức chú ý. Phải giúp đỡ dân, ngày thường tìm mọi cách giúp đỡ họ, tổ chức họ. Muốn làm như thế thì phải nắm vững chính sách đối với đồng bào thiểu số, điều đó là rất cần thiết”.
Kết luận tại buổi nói chuyện, Bác khái quát lời huấn thị cho cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân vũ trang bằng tám câu thơ: “Đoàn kết, cảnh giác- Liêm, chính, kiệm, cần- Hoàn thành nhiệm vụ- Khắc phục khó khăn- Vì nước quên thân- Trung thành với Đảng- Tận tụy với dân”.
Ngày 26/4/1959, Khu Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh được thành lập. Thiếu tá Vân Hùng - Chính ủy; Đại úy Trương Khắc Thành - Chỉ huy trưởng; Đại úy Nguyễn Xuân Thông - Phó Chính ủy; Đại úy Trần Thí - Chỉ huy phó. Tiểu đoàn 41 được nâng cấp thành Trung đoàn với 1.050 cán bộ chiến sỹ, các đại đội 1, 2, 3, được tăng quân số, trang bị và xây dựng thành tiểu khu 11, 12, 13, doanh trại của Tiểu đoàn 41 được chọn làm Cơ quan chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh; cơ quan sở chỉ huy được thành lập các ban: Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần và các đại đội, trung đội thông tin, công binh, vận tải, trạm xá trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chỉ huy xây dựng và tác chiến.
Để tập trung sự lãnh đạo, chỉ huy bảo vệ, chiến đấu của các Đại đội 1, 2, 3 được nâng lên cấp thành tiểu khu, một số đồn, trạm được củng cố lại:
- Tiểu khu 11 (Đại đội 1, có ba đồn và tiểu khu bộ gồm 140 cán bộ, chiến sỹ); Thượng úy Trịnh Đình Văn - Tiểu khu trưởng; Thượng úy Nguyễn Bá Liêm - Chính trị viên.
+ Đồn Cửa Tùng đổi phiên hiệu Đồn 52 (có Mũi Si trực thuộc).
+ Đồn Tùng Luật đổi phiên hiệu Đồn 53 (có hai trạm Chòi, Phước Lý trực thuộc).
+ Đồn Hiền Lương đổi phiên hiệu Đồn 54 (có hai trạm Cầu Trìa, Dốc Miếu trực thuộc).
- Tiểu khu 12 (Đại đội 2, có ba đồn và tiểu khu bộ gồm 127 cán bộ, chiến sỹ); Thượng úy Nguyễn Khắc Hoàn - Tiểu khu trưởng; Đại úy Nguyễn Quang Đồng - Chính trị viên.
+ Đồn Huỳnh Thượng đổi phiên hiệu Đồn 55 (có hai trạm Huỳnh Hạ, Tiên An trực thuộc).
+ Đồn Hải Cụ đổi phiên hiệu Đồn 56 (có hai trạm Phát Lát, Bến Tắt trực thuộc).
+ Đồn Khe Thị đổi phiên hiệu Đồn 57 (có hai trạm Gia Vòng, Khe Cau trực thuộc).
- Tiểu khu 13 (Đại đội 3, có 4 đồn và tiểu khu bộ gồm 109 cán bộ, chiến sỹ); Thượng úy Hồ Sỹ Thí - Tiểu khu trưởng, Thượng úy Bùi Doãn Thanh - Chính trị viên. Các đồn trực thuộc tiểu khu: Cu Rừng, Xà Lỳ, Ta Rúa, Ra Doai.
Các đại đội 4, 5, 6, 7 giữ nguyên phiên hiệu, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động.
Các tiểu khu, đại đội, đồn, trạm được tổ chức đội công tác vận động quần chúng, trinh sát, vũ trang và kiểm soát hành chính để phục vụ công tác nắm, đánh địch bảo vệ biên giới, giới tuyến, bờ biển.
Ngoài các đơn vị đã có, Khu Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh thành lập thêm Đại đội 1 Cơ động trực thuộc cơ quan chỉ huy, sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Như vậy, đến giữa năm 1959, Khu Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh có 3 tiểu khu, 5 đại đội, 4 ban trực thuộc cùng các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ khác, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong phạm vi phụ trách: 24 km bờ biển, 102 km giới tuyến, 25 km biên giới Việt - Lào và quản lý 12 xã trong khu vực biên phòng.
Hệ thống tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên được thành lập: Đảng bộ Công an Nhân dân vũ trang dặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy Vĩnh Linh, các tiểu khu có Đảng ủy cơ sở, đại đội, đồn có Chi bộ. Ban Chấp hành đoàn Khu Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh trực thuộc Khu đoàn Vĩnh Linh, các tiểu khu, đại đội, đồn có Liên chi đoàn và Chi đoàn.
Từ ngày 1/7/1959, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang đã tổ chức hội nghị bàn giao quân số, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của Khu Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh, từ đó quan hệ giữa Quân đội và Công an Nhân dân vũ trang trên địa bàn là quan hệ phối hợp.
Vừa tổ chức bảo vệ biên giới, giới tuyến, bờ biển, nội địa vừa phải xây dựng đơn vị, vừa phải tìm dân, tìm đất xây dựng địa bàn hoạt động. Những năm tháng đầu tiên ấy, Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh gặp không ít khó khăn, nhất là các đơn vị miền núi phải hành quân bộ hàng chục ngày đường đi tìm dân, tìm đất trên các vùng rừng núi biên cương hẻo lánh “Lam sơn chướng khí, ăn uống kham khổ, ốm đau bệnh tật”. Nhưng cán bộ, chiến sỹ đoàn kết một lòng, thương yêu giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn thiếu thốn, xây dựng nhà cửa, đồn, trạm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm sinh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong bối cảnh một đơn vị có nhiều lực lượng tập hợp lại, hoạt động trên diện rộng, trải dài từ bờ biển, giới tuyến, biên giới, tình hình diễn biến hết sức phức tạp, năng lực trình độ cán bộ, chiến sỹ bước đầu có hạn chế, nhất là công tác chính trị tư tưởng chưa được nâng cao nên cũng có những biểu hiện chưa thông suốt nhiệm vụ. Trước tình hình đó, Đảng ủy Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh quyết định triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ nhất ngày 12/3/1959 để kiện toàn cấp ủy và nâng cao sức mạnh lãnh đạo cho các tổ chức đảng cơ sở. Tháng 7/1959 mở đợt chỉnh huấn toàn đơn vị để quán triệt Nghị quyết hội nghị chính trị của lực lượng lần thứ nhất (18/5/1959). Qua chỉnh huấn, tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ chuyển biến tốt, ý thức về vinh dự và trách nhiệm của người cán bộ, chiến sỹ bảo vệ giới tuyến đã được nâng cao. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đã thôi thúc cán bộ, chiến sỹ bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cam go, thử thách đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong thế đối diện trực tiếp với kẻ thù; nhanh chóng củng cố sự gắn bó, đoàn kết giữa cán bộ và chiến sỹ.
I. ĐẤU TRANH BẢO VỆ GIỚI TUYẾN
Cuộc đấu tranh bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời ngày càng cam go, gay gắt và quyết liệt. Cuối năm 1959, đầu năm 1960 đế quốc Mỹ thực hiện chính sách xâm lược thực dân mới không đưa lại kết quả nên đã chuyển sang thực hiện chiến lược mới “dùng chiến tranh bạo lực quân sự để thực hiện mục tiêu xâm lược”. Mỹ - Diệm đã chọn Khu phi quân sự để thực hiện Kế hoạch Stalay- Taylo, biến phía nam Khu phi quân sự thành vành đai an toàn, dọc theo giới tuyến từ Đông sang Tây, chúng tăng cường lực lượng quân sự, đẩy mạnh xây dựng các ấp chiến lược kiểu mẫu, thực hiện kế hoạch bình định đặc biệt và nhiều kế hoạch tình báo nhằm ý đồ “tách cá khỏi nước” làm cho các lực lượng của ta không có nơi nương tựa trong lòng dân.
Đầu năm 1961, Đại đội 10 cảnh sát Ngụy phía Nam vĩ tuyến 17 được tăng cường quân số, trang bị và đổi tên thành “Biệt đội Cảnh sát cộng hòa” với quân số 250 tên, biên chế 7 trung đội cùng một hệ thống dày đặc mật vụ, quân báo, trinh sát biệt kích đóng trà trộn trong các thôn, xóm dọc giới tuyến. Để thực hiện kế hoạch của Mỹ, ngày 16/2/1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra tận Cát Sơn để thị sát tình hình giới tuyến, có một tiểu đoàn chính quy hộ tống, hai tiểu đoàn khác càn quét lùng sục các cao điểm 84, 39 ở phía Tây Khu phi quân sự.
Tính từ tháng 7/1954 đến tháng 6/1962, Mỹ - Diệm đã vi phạm quy chế Khu phi quân sự một cách có hệ thống: 240 lần cho lực lượng vũ trang xâm nhập trái phép, 551 vụ nổ súng khiêu khích, 5.976 lượt quân nhân ngụy (trong đó có 177 tên Mỹ) vào khu phi quân sự, 99 lần tàu thuyền xâm phạm hải phận, 39 lần máy bay xâm phạm vùng trời phía bắc giới tuyến.
Năm 1962, địch chủ trương biến phía nam Khu phi quân sự thành vùng “Trắng cơ sở” với thủ đoạn “Tống triệt” chúng đẩy đuổi hàng ngàn người dân phía nam giới tuyến mà chúng nghi có liên quan với cách mạng ra Vĩnh Linh qua đường Gia Vòng, Hiền Lương và lợi dụng cài cắm nhiều tên gián điệp tung ra miền Bắc bằng đường công khai, hợp pháp.
Địch dùng các hệ thống loa phóng thanh cực mạnh dọc phía nam tuyến hô hào chống cộng, xuyên tạc, chia rẽ hai miền Nam - Bắc. Ta chủ trương bảo vệ hòa bình, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ quy chế Khu phi quân sự nên đấu tranh chính trị với địch là một phương thức được đặc biệt coi trọng. Cuộc đấu tranh này (địch gọi là cuộc chiến tranh cân não) diễn ra hàng ngày, hàng giờ đầy gay go, quyết liệt. Địch càng xảo quyệt, hung hãn, điên cuồng bao nhiêu, chiến sỹ giới tuyến càng đoàn kết mưu trí, sáng suốt và dũng cảm bấy nhiêu. Ta luôn kết hợp tấn công chính trị với thuyết phục và vận dụng các cơ sở pháp lý để buộc chúng phải chấm dứt các hành động vi phạm hiệp định.
Ngày 24/4/1962, 4 linh mục và 150 đồng bào theo đạo Thiên chúa (phần lớn là người Bắc di cư vào Nam) đến Cát Sơn để tổ chức mít tinh xuyên tạc tố cáo miền Bắc. Hai chiến sỹ Phan Đá, Nguyễn Hữu Triều đang làm nhiệm vụ liên hợp ở bờ Nam thì bọn cảnh sát và một số tên phản động lôi kéo đồng bào đến vây quanh đồng chí Đá chất vấn, khiêu khích xuyên tạc chế độ ta. Chúng hy vọng chiến sĩ ta sẽ mất bình tĩnh không tự kiềm chế được để kiếm cớ hành hung. Nhận rõ âm mưu địch, đồng chí Đá và đồng chí Triều bình tĩnh nói chuyện thân mật với bà con, kể về chuyện thay đổi to lớn ở xóm đạo Di Loan, An Ninh, Phước Sơn, chuyện xây dựng phát triển ở miền Bắc, chính sách đúng đắn của Nhà nước ta bảo vệ tài sản của người di cư...; vạch mặt Mỹ - Diệm chia cắt đất nước, làm ly tán, tan nát nhiều gia đình. Thấy kéo dài cuộc tiếp xúc sẽ bị dồn vào thế bí, tên đồn trưởng Cảnh sát ngụy vội vàng giải tán cuộc tiếp xúc.
11 giờ 30 ngày 28/4/1962, địch dùng 13 xe chở 60 tên tướng tá Mỹ - Ngụy, do tên trung tướng Trần Văn Đôn - Bộ trưởng Công dân vụ, Ngô Trọng Hiếu - Bộ trưởng Chiến tranh tâm lý cầm đầu đến phía nam cầu Hiền Lương quay phim chụp ảnh, cơ sở quần chúng của ta ở phía nam giới tuyến nhanh chóng phát hiện và báo cho Đồn Hiền Lương. Nhận được tin, đồng chí Lê Thế Tri - Đồn Hiền Lương dẫn một tổ sang bờ nam đấu tranh với địch. Do nắm chắc lai lịch của từng tên, các chiến sỹ ta đã vạch mặt chỉ tên, chứng minh ý đồ và hành động lén lút, hành vi vi phạm giới tuyến của chúng. Trước những chứng cứ rõ ràng, thái độ đấu tranh mềm dẻo nhưng kiên quyết của chiến sỹ ta, quân địch lặng lẽ rút lui. Tên Đồn trưởng Đồn Xuân Hòa buộc phải ký vào biên bản thừa nhận chúng đã vi phạm Quy chế Khu phi quân sự.
12 giờ cùng ngày, địch lại ngoan cố kéo đến Đồn Cát Sơn định quay phim, chụp ảnh. Thượng sỹ Nguyễn Xuân Dưỡng và binh nhất Nguyễn Trọng Vinh - Đồn Cửa Tùng đang làm nhiệm vụ liên hợp phía nam đã kịch liệt đấu tranh chống hành động xâm nhập trái phép của chúng, buộc chúng phải rời khỏi Cát Sơn. Sau vụ này, Đại đội Cảnh sát ngụy ở Bến Hải bị khiển trách, 30 tên Cảnh sát ngụy Đồn Cát Sơn phải chuyển đi với lý do “làm mất thể diện quốc gia”.
9 giờ 45 phút ngày 12/5/1962, một phái đoàn Anh - Mỹ gồm 49 tên, trong đó có Tổng chỉ huy Lục quân Anh ở Viễn Đông; tên đại sứ Anh ở miền Nam và tùy viên quân sự Mỹ ở Sài Gòn, do tên Trung tướng Trần Văn Đôn và Ngô Đình Cẩn cầm đầu đã xâm nhập trái phép Khu phi quân sự và bước lên cầu Hiền Lương. Các chiến sĩ Đồn Hiền Lương đã chặn chúng giữa cầu, tố cáo hành động vi phạm, nhắc nhở giải thích cho chúng biết: Quy chế Khu phi quân sự chỉ có nhân viên Công an và hai nhân viên chuyển bưu kiện của hai bên mới được vào khu vực giữa cầu. Bọn địch ngoan cố nhưng vì đuối lý đành phải rời khỏi cầu.
Những lần tiếp xúc, địch không thể đấu trí được với ta, nên chúng cay cú chuyển sang phá hoại Đồn Liên hợp Nam Cát Sơn (một địa điểm làm việc của hai bên theo quy định và thỏa thuận giữa ta và địch, đã được xây dựng và đã hoạt động được 8 năm). Nắm được ý đồ khiêu khích của địch và theo chỉ đạo của trên, tiểu đội liên hợp của ta vẫn tiếp tục sang bờ Nam làm việc. Không nhà, không giường nhưng các đồng chí Hậu, Dưỡng, Đá, Thức, Vinh... đã bất chấp mưa, nắng kiên trì bám vị trí làm nhiệm vụ, đấu tranh với địch. Sau ba tháng kiên trì đấu tranh bằng những lý lẽ đầy sức thuyết phục, đúng pháp lý của chiến sỹ ta và phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hợp Khu phi quân sự, cuối cùng Cảnh sát ngụy quyền Sài Gòn phải làm lại một ngôi nhà riêng biệt, làm nhà gác liên hợp đúng quy chế tổ chức của Đồn Liên hợp Cửa Tùng. Mọi việc kiểm soát và ghi sổ đổi bờ được duy trì trở lại.
Với những thành tích đấu tranh bảo vệ giới tuyến, ngày 2/9/1962, hai đồn Công an Nhân dân vũ trang Hiền Lương, Cửa Tùng và hai đồng chí Nguyễn Xuân Dưỡng, Lê Thế Tri được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; đồng chí Nguyễn Trọng Vinh được Bác Hồ tặng Bằng khen.
Những hành động vi phạm quy chế khu phi quân sự, phá hoại giới tuyến của địch đều được Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh tổng hợp báo cáo lên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang và được sự chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ. Đồng thời, đã chuẩn bị và đấu tranh trực diện với mọi âm mưu hành động khiêu khích mới của địch, hạn chế được sự căng thẳng ở giới tuyến.
Bước sang năm 1963, Mỹ - Diệm đã đẩy các hoạt động khiêu khích vũ trang ở giới tuyến ngày càng phiêu lưu, điên cuồng hơn. Cảnh sát ngụy đã ngang nhiên bắn súng vào thuyền của dân đi lại trên sồng Bến Hải, nổ súng sang các thôn xóm bờ bắc.
- 9 giờ 45 phút ngày 05/10/1963, cảnh sát Đồn Xuân Mỵ dùng tiểu liên bắn hai thuyền đánh cá của đồng bào thôn Tùng Luật đang làm ăn trên sông Bến Hải.
- 12 giờ 30 phút cùng ngày, cảnh sát Đồn Xuân Hòa nổ súng bắn thủng một thuyền của dân đi lại trên sông.
- 9 giờ 15 phút ngày 06/10/1963, cảnh sát Đồn Xuân Hòa dùng súng ngắn đe dọa chiến sĩ ta đang làm nhiệm vụ trên cầu Hiền Lương.
- 14 giờ 15 phút cùng ngày, cảnh sát Đồn Xuân Long chĩa súng sang đồn Công an Nhân dân vũ trang Phước Lý khiêu khích. 18 giờ Cảnh sát Ngụy ở Cẩm Sơn bắn nhiều loạt đạn qua thôn Gia Vòng (Vĩnh Trường).
Địch âm mưu dồn dân, lập vành đai trắng dọc phía nam Khu phi quân sự, chúng định lấy các thôn Kinh Thị, Võ Xá, Xuân Hòa, Xuân Long, Xuân Mỵ làm thí điểm và đã di chuyển 56 gia đình đi nơi khác. Cũng trong thời gian đó, trên biển có 41 lần tàu thuyền của địch xâm phạm vùng biển, có lần đuổi bắt thuyền đánh cá của đồng bào ta.
Trước những tình hình xảy ra ngày càng căng thẳng ở giới tuyến, ngày 8/10/1963, Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang đã vào Vĩnh Linh trực tiếp kiểm tra tình hình và truyền đạt phương châm đối sách của Trung ương: “Lấy chính nghĩa để thuyết phục địch, lấy pháp lý để đấu tranh, thái độ phải dũng cảm, mưu trí, bình tĩnh, ôn hòa... địch muốn đẩy tình hình tới chỗ căng thẳng, ta phải làm cho tình hình trở bình thường”. Yêu cầu đặt ra đối với chiến sỹ giới tuyến lúc này là phải hết sức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh giữ vững ổn định tình hình, tránh mọi sự khiêu khích của địch, vừa đấu tranh trực diện với địch, vừa tích cực, chủ động chuẩn bị kế hoạch đối phó với khả năng phát triển xấu hơn.
Ngày 20/7/1964, ở dọc bờ bắc sông Bến Hải ta tổ chức cho Nhân dân kỷ niệm 10 năm ngày đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1964). Để đối phó với ta, địch tập trung một số dân các thôn xóm phía nam sông đến nam cầu Hiền Lương (có hàng trăm tên tay sai mật vụ làm nòng cốt) để tổ chức cái gọi là lễ “Quốc hận”; tên Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi cùng một số viên chức ngụy đến dự.
Để phản công địch, bảo vệ quy chế Khu phi quân sự, Trung úy Phạm Hám - Chính trị viên đồn Hiền Lương dẫn một tổ sang bờ Nam gặp gỡ, tranh thủ quần chúng đấu tranh với địch. Anh em ôn tồn tuyên truyền chính sách cách mạng, vạch rõ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm. Địch lồng lộn cho tay sai bao vây, khiêu khích thô bạo đối với các chiến sỹ ta, nhưng Phạm Hám cùng đồng đội luôn giữ bình tĩnh, không mắc mưu địch, tiếp tục trò chuyện trong sự mến mộ và che chở của bà con bờ Nam.
Trong lúc đó ở bờ Bắc cuộc mít tinh diễn ra trọng thể, bà con bờ Nam đổ dồn về phía bờ sông ngắm nhìn những lá cờ thân yêu và bà con ruột thịt của mình, bất chấp sự cản ngăn đe dọa của cảnh sát, mật vụ. Lễ “Quốc hận” của địch biến thành cuộc mít tinh kỷ niệm 10 năm ngày đấu tranh thống nhất đất nước của Nhân dân hai bờ Nam - Bắc giới tuyến.
Cuối năm 1964, tình hình giới tuyến ngày càng diễn ra căng thẳng, các đồn Cảnh sát ngụy bờ Nam liên tục khiêu khích, bắn súng vào dân thường làm ăn, sản xuất bên bờ Bắc, bắn vào thuyền của dân đánh cá trên sông Bến Hải. Sau ngày đế quốc Mỹ công khai đánh phá miền Bắc (5/8/1964), bọn cảnh sát ngụy bờ Nam hoạt động càng điên cuồng hơn. Chỉ tính 5 tháng cuối năm 1964, địch đã bắn sang bờ Bắc, bắn thuyền dân đi lại làm ăn trên sông 51 lần, làm bị thương 4 người dân và 1 nhân viên tổ liên hợp, hỏng 4 thuyền, vỡ nhiều cửa kính của trường cấp 2 Vĩnh Sơn.
Trước tình hình địch ngày càng tăng cường nổ súng, khiêu khích bờ Bắc, ngày 13/12/1964, Đảng ủy khu Vĩnh Linh triệu tập Hội nghị liên tịch các lực lượng vũ trang để bàn chủ trương đối phó. Hội nghị thống nhất lấy đấu tranh chính trị làm chính, kiên quyết vạch mặt tố cáo hành động tội ác của địch, dùng lực lượng quần chúng làm áp lực đấu tranh, khi thật cần thiết mới sử dụng biện pháp quân sự. Hội nghị đã thống nhất chủ trương: “Nếu địch cứ tiếp tục khiêu khích bắn vào thuyền, bắn chết người thì Công an nhân dân vũ trang phải lập tức bắn trả để tự vệ cho Nhân dân”.
Để đánh địch từ xa, bảo vệ được giới tuyến, đồng thời cảnh cáo những hành động vô nhân đạo của địch, ngày 07/01/1965, Đội trinh sát Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã tổ chức phục kích phía nam giới tuyến, chặn đánh đoàn xe chở bọn sĩ quan, cảnh sát, mật vụ xâm nhập Khu phi quân sự, diệt 8 tên (trong đó có tên Đại đội trưởng Cảnh sát Bến Hải).
Trước những cuộc đấu tranh liên tục, kiên trì và khôn khéo của chiến sỹ và đồng bào hai bờ Nam - Bắc giới tuyến, tình hình đã chuyển biến từ căng thẳng sang lắng dịu và ổn định dần. Đồng bào ta càng tin tưởng vào các chủ trương đúng đắn của trên, tích cực lao động sản xuất, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan những âm mưu, thủ đoạn mới của địch ở giới tuyến.
II. CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
1. Tuyến biến giới đất liền:
Nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia cũng vô cùng gian khổ và quyết liệt. Đoạn biên giới Việt - Lào thuộc huyện Vĩnh Linh dài 25km, sau Hiệp định Giơ-nevơ, ở biên giới chưa có lực lượng vũ trang đóng giữ. Đầu năm 1955, Mỹ - Diệm đưa quân đến Cu Rừng (Hướng Lập) và trắng trợn tuyên bố “Từ Cu Rừng đến Cù Bai là đất của chính quyền Ngô Đình Diệm”.
Tháng 6/1955, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh cử một trung đội của Đại đội 354 cùng đoàn cán bộ Bộ Công an lên Hướng Lập khảo sát nghiên cứu tình hình, tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch tranh chấp biên giới, lấn chiếm đất đai. Sau hàng chục lần lấn chiếm đất đai thất bại, cuối năm 1958, Mỹ - Diệm xúi giục bọn phản động phái hữu Vương quốc Lào đưa quân ra áp sát biên giới với mưu đồ lấn chiếm đất, giành dân, lấy xã Hướng Lập về với Lào và chúng đã đóng chốt một số đồn bốt: Ra Mai, Chiềng Túp, Vàng Rớ, A Ròng, Ra Cồ... nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam qua đường Tây Trường Sơn. Trước tình hình khó khăn của Nhân dân xã Hướng Lập, Giáp tết nguyên đán năm 1959, huyện Lệ Thủy - Quảng Bình và Khu Vĩnh Linh đã cho 3.000 dân công đi ròng rã 20 ngày đường đưa vào cho Hướng Lập 60 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men... để quân, dân Hướng Lập đủ điều kiện trấn giữ biên cương.
Sau khi Đại đội 3 lên Hướng Lập đã triển khai xuống địa bàn, tổ chức lực lượng quần chúng sẵn sàng đối phó với âm mưu lấn chiếm đất đai, tranh chấp biên giới, đồng thời triển khai các đồn: Cu Rừng, Xà Lỳ, Cù Bai, Ta Rúa, Ra Doai để bảo vệ biên giới, tình hình đỡ căng thẳng hơn.
Tháng 12/1959, một số đồng chí lãnh đạo của Pa Thét - Lào vượt vòng vây của địch đến đồn Cù Bai đề nghị Việt Nam giúp sức. Sau khi xin ý kiến của Ban Bí thư, Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang, đồng chí Hồ Sĩ Thản - Bí thư Khu ủy và đồng chí Vân Hùng - Chính ủy Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh lên Hướng Lập tổ chức vận động bà con Vân Kiều đoàn kết cảnh giác, bảo vệ bản làng, bảo vệ biên giới; đồng thời làm việc với Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325 chuẩn bị giải phóng hành lang biên giới. Tiểu khu 13 được giao nhiệm vụ tổ chức một trung đội phối hợp, trong đó có tổ trinh sát của Ban 8 do đồng chí Hồ Ai phụ trách.
Đêm 07/3/1960, trung đội tăng cường của Tiểu khu 13, tổ trinh sát Ban 8 phối hợp với Trung đoàn 101 tấn công tiêu diệt 4 đồn Chiềng Túp, Ra Mai, Bản Na, Ra Cồ và bức rút một số đồn khác dọc biên giới, mở rộng vùng giải phóng, mở rộng hành lang chiến lược từ Bắc vào Nam, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam phát triển.
2. Tuyến bờ biển
Bờ biển Vĩnh Linh tuy ngắn nhưng kẻ địch luôn chú ý lợi dụng những sơ hở về công tác quản lý của ta, móc nối cơ sở trong số ngư dân làm ăn trên biển để tung gián diệp, biệt kích xâm nhập, thực hiện các hoạt động phá hoại. Các làng xã ven biển là địa bàn bàn đạp để địch xâm nhập sâu vào nội địa ta, nếu chúng xây dựng được cơ sở trong số ngư dân ở dọc bờ biển để làm đường dây cung cấp tin tức, đưa đón và bao che bọn gián điệp, tình báo, biệt kích thì việc xâm nhập phá hoại miền Bắc của chúng sẽ thuận lợi. Vì vậy địch rất chú ý lợi dụng địa bàn này.
Xuất phát từ tính chất, đặc điểm của bờ biển và quán triệt chỉ thị, nghị quyết của trên, Đại đội 6 - Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh khẩn trương triển khai hai đồn Tân Thuận, Vĩnh Mốc, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác như tuần tra vũ trang, kiểm soát hành chính nhằm phát hiện tình hình trên biển. Xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức vận động quần chúng phát hiện mọi hiện tượng di, biến động của kẻ địch, hoạt động của các phần tử xấu, quản lý, bảo vệ địa bàn trên cả hai phương diện bí mật và công khai.
Các đồn biên phòng tuyến biển đã tổ chức xây dựng các phương án chống địch xâm nhập bảo vệ bờ biển, chú ý các khu vực trọng điểm như: Mũi Si, Xóm Sẻ, Mạch Nước. Các đồn, trạm đã khắc phục khó khăn, thiếu thốn ban đầu, tổ chức kiểm soát cửa sông, cửa lạch, nắm chắc được phương tiện ra biển, phân vùng đánh bắt của từng địa phương theo ngư trường, tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát quản lý. Quy định bến bãi neo đậu tàu thuyền ở các cửa lạch và bãi ngang, đưa công tác quản lý phương tiện đi vào nề nếp.
Năm 1959, cùng với phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã ngư nghiệp lần lượt hình thành, công tác quản lý phương tiện, địa bàn thuận lợi hơn. Thời gian này, Ban Chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã trực tiếp chỉ đạo các đồn “khoanh vùng trấn phản”, sưu tra các loại đối tượng, đưa ra đấu tranh vạch mặt những đối tượng nguy hiểm trước quần chúng, đập tan âm mưu hoạt động phá hoại của địch.
Từ năm 1961 đến 1963, đã phân hệ, phân loại hồ sơ chính trị, làm xong binh yếu địa chí 12 xã trong tuyến biên phòng (biển, giới tuyến, biên giới); lập danh sách đề nghị tập trung cải tạo những đối tượng nguy hiểm, chuẩn bị phương án bóc bắt, đẩy đuổi ra khỏi khu vực biên phòng khi có chiến sự.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ bản đã xây dựng được mạng lưới bí mật, bố trí khép kín trên ba tuyến khơi, lộng, bờ phát huy được hiệu quả quản lý đối tượng, địa bàn và quản lý trên vùng biển.
Đại đội 6 vừa tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh tuyến biển, vừa phải đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng được Bộ Tư lệnh và Khu ủy Vĩnh Linh giao: Tổ chức Đội thuyền B6 hình thành đường dây trên biển, tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực, tài liệu cho lãnh đạo các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, đưa đón cán bộ ra vào hoạt động với hàng trăm chuyến thuyền, đảm bảo bí mật an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
III. CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ MỤC TIÊU
Công tác bảo vệ mục tiêu nội địa hết sức quan trọng, do tính chất trọng yếu của các mục tiêu cần phải bảo vệ, tuy lực lượng phân tán bảo vệ nhiều mục tiêu, nhưng cán bộ, chiến sỹ Đại đội 4 vẫn kiên trì, bền bỉ, xác định rõ vị trí nhiệm vụ chính trị, bảo vệ an toàn tuyệt đối hàng chục mục tiêu, hàng trăm đoàn khách Trung ương và Quốc tế đến công tác; quản lý chặt chẽ các trại giam, không có một sự cố nào về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các mục tiêu bảo vệ.
Từ ngày có giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 thì lá cờ Tổ quốc xuất hiện và tung bay trên đỉnh cột cờ phía bắc cầu Hiền Lương. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên bầu trời miền Bắc, đầu cầu giới tuyến trở thành điểm hội tụ sức mạnh tinh thần, niềm tin son sắt, tình cảm sâu lắng, thiết tha của đồng bào miền Nam hướng về miền Bắc. Ban đầu cột cờ của ta là một cây phi lao cao 12 mét được dựng lên, sau ngày 20/7/1954, bọn ngụy cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Lúc bấy giờ việc đi lại trên cầu Hiền Lương còn tự do, đồng bào bờ Nam sang bờ Bắc trực tiếp yêu cầu các chiến sỹ ta treo cờ Tổ quốc cao hơn cờ của ngụy.
Để đáp ứng yêu cầu chính đáng của đồng bào miền Nam là: Lá cờ của ta phải cao hơn, đẹp hơn cờ ngụy ở phía nam. Các chiến sỹ của ta phải vượt suối, băng rừng lặn lội lên miền Tây lấy được một cây gỗ làm cột cờ cao 18m. Niềm vui của đồng bào hai miền Nam - Bắc khi cột cờ ta nâng cao chưa được bao lâu thì chính quyền Diệm chở vật liệu từ Sài Gòn ra dựng một cột cờ phía nam cầu Hiền Lương cao 25m. Đồng bào miền Nam nhắn sang yêu cầu nâng cao cột cờ và đề nghị được góp tiền xây cột cờ ở bờ Bắc.
Ngày 19/7/1957, thực hiện chỉ thị của Khu ủy Vĩnh Linh, ta đã xây dựng cột cờ phía bắc cầu Hiền Lương cao 34,5m, sơn màu trắng, trên đỉnh có ngôi sao. Qua mấy lần thay đổi cột cờ và nâng chiều cao đỉnh cột, cờ ta bay cao hơn cờ ngụy quyền Sài Gòn, chỉ một điều ấy cũng làm vui lòng đồng bào bờ Nam. Nhưng chỉ ít lâu sau, bọn ngụy lại nâng đỉnh cột cờ của chúng lên cao 35m.
Để đáp ứng nguyện vọng, tình cảm, niềm yêu thương của đồng bào bờ Nam, hàng ngày các chiến sĩ Đồn Hiền Lương đã kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ muộn hơn để bà con đi làm ăn trên nương, dưới ruộng có thể chào cờ mà không bị cảnh sát phát hiện. Năm 1962, Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang điều một đơn vị xây dựng và chở vật liệu từ Hà Nội vào xây lại một trụ cờ mới cao 38,6m, lá cờ rộng 96m2 kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột. Đồng bào các thôn Kinh Môn, Ba Dốc ở xa 3 - 4 km, ban ngày vẫn thấy cờ đỏ sao vàng, ban đêm nhìn thấy ngôi sao lấp lánh ánh điện sáng rực bầu trời giới tuyến.
Lá cờ Tổ quốc ở đầu cầu giới tuyến mang sức mạnh cổ vũ đồng bào miền Nam vững lòng đấu tranh chống chế độ độc tài của Mỹ - Diệm. Thông thường mỗi tháng thay một lá cờ, nhưng vá cờ phải 5 - 7 lần, trọng lượng lá cờ có kích thước lớn, xếp lại rất cồng kềnh phải chở bằng ô tô từ Hồ Xá vào, mỗi buổi sáng kéo cờ phải huy động một tiểu đội, vất vả nhất là lúc cờ chưa lên đỉnh cột lại quấn vào dây chằng. Trường hợp đó phải cử người leo lên tháo gỡ, phải vừa khéo tay vừa dũng cảm, vì nhiều lần gió bung đuôi cờ có thể quật ngã người tháo gỡ. Từ thực tế trên, năm 1962 trụ cờ mới được thiết kế thêm cái mâm ở đốt cuối cùng, lá cờ gói gọn được kéo lên và chỉ cần hai chiến sỹ là kéo được cờ lên đỉnh dễ dàng.
Không nâng được độ cao của cột cờ phía Nam, bọn Mỹ - Ngụy rất cay cú, cột cờ Hiền Lương trở thành mục tiêu số một để chúng trút bom, đạn phá hoại. Ngày 17/9/1965, 6 chiếc máy bay AD6 từ miền Nam ra ném bom cột cờ Hiền Lương, nhưng vấp phải hỏa lực của đồn Công an Nhân dân vũ trang Hiền Lương và dân quân xã Vĩnh Thành, chúng hoảng loạn ném chệch mục tiêu, bom rơi xuống sông có một loạt rơi xuống đồn cảnh sát Xuân Hòa và khu gia binh của ngụy, làm chết và bị thương 52 tên, trong đó có 28 tên cảnh sát.
Từ cuối năm 1965 đến năm 1967, máy bay, pháo binh của Mỹ ngụy đánh phá ác liệt vào cột cờ, nhưng cán bộ chiến sỹ đồn Hiền Lương quyết giương cao lá cờ Tổ quốc trên tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với diện tích chưa đầy 1ha chúng đã thực hiện 192 lần ném bom, có 6 lần B52 với 7.000 tấn bom các loại, chưa kể đến các loại đạn đại bác ở căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn phá cột cờ. Đến ngày 02/8/1967, Mỹ - ngụy huy động tối đa máy bay, pháo binh bắn phá mới bẻ gãy cột cờ của ta. Ngay đêm đó một tổ trinh sát của Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã xâm nhập đồn cảnh sát Xuân Hòa, dùng bộc phá đánh sập cột cờ của ngụy.
Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng đối với đồng bào chiến sỹ ta ở bờ Nam, cột cờ này gãy thì chiến sỹ ta lại dựng lên cột cờ khác bằng cây phi lao, cây tre. Lá cờ bị bom đạn xé rách thì có những bà mẹ, như mẹ Diệm ở thôn Hiền Lương không đi sơ tán tự nguyện ở lại bám trụ với chiến sỹ ta để vá lại cờ. Hình ảnh của mẹ mãi mãi trở thành tấm gương chói lọi trong lịch sử dân tộc, một “Bà mẹ giới tuyến” tóc bạc, lưng còng đêm đêm bên ngọn đèn dưới hầm phòng không, miệt mài vá cờ, để cho chiến sỹ ta luôn đủ cờ kéo lên đỉnh cột.
Từ cuối năm 1967, cuộc chiến tranh bước vào thời kỳ quyết liệt nhất, đã đặt giới tuyến và Vĩnh Linh vào vị trí đứng mũi chịu sào trước cuộc chiến đấu mới. Với ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần ngoan cường dũng cảm bảo vệ cờ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Hiền Lương, của đồng bào ở đầu cầu giới tuyến được Đảng và Nhân dân cả nước cảm phục, đã tác động trực tiếp cổ vũ mạnh mẽ cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở chiến trường Trị Thiên và miền Nam trong những tháng năm thử thách gian khổ, ác liệt.
Năm 1972, theo chủ trương của Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh và Bộ Chỉ huy Mặt trận B5, trong thời gian ta mở chiến dịch tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1972 ở Quảng Trị, đồn Hiền Lương có nhiệm vụ treo cờ và thắp sáng một ngọn đèn trên đỉnh cột cờ Lá cờ và ngọn đèn thắp sáng sẽ giúp đồng bào ta ở Quảng Trị xác định được phương hướng sơ tán ra miền Bắc, chiến sỹ ta bị lạc trong chiến đấu dễ dàng tìm về đơn vị.
Hai lần đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cột cờ giới tuyến 11 lần bị bom đạn địch đánh gãy, 11 lần chiến sỹ ta dựng lại, gần 2.000 lần lá cờ Tổ quốc bị bom đạn địch và gió bão xé rách. Nhưng chưa một ngày nào chiến sỹ ta để lá cờ ngừng bay trên đỉnh cột, chưa một lần vắng bóng cờ Tổ quốc ở đầu cầu giới tuyến.
Hành động kiên cường, dũng cảm bảo vệ cờ, bảo vệ giới tuyến, xây dựng thế trận an ninh chống gián điệp, biệt kích, chống chiến tranh phá hoại của Công an Nhân dân vũ trang đồn Hiền Lương được cả nước khâm phục, được Tổ quốc ghi nhận, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân ngày 25/8/1970.
Mùa xuân 1972, Quảng Trị được giải phóng 2/3 đất đai, 13 vạn dân. Bị mất đất, mất dân, địch tập trung đánh phá vùng giải phóng. Trung ương chủ trương đưa dân sơ tán ra phía Bắc (Kế hoạch 15 - K15), địch lợi dụng dân sơ tán cài cắm người ra hậu phương ta. Đồn Hiền Lương và Cửa Tùng đã tổ chức kiểm soát thành ba tuyến để giản dân, phòng tránh địch đánh phá, hạn chế thương vong, kết hợp tiến hành công tác nghiệp vụ.
Tuyến một: Kiểm tra người và hàng;
Tuyến hai: Đăng ký danh sách, quê quán;
Tuyến ba: Bố trí nơi ăn, ở.
Tuy thiếu người, tăng giờ làm trong điều kiện địch đánh phá liên miên nhưng trong hai tháng 5 và 6/1972, 18.988 đồng bào K15 đã được đón tiếp chu đáo, an toàn. Trong đó có 1.436 người được bố trí ở lại khu vực Hiền Lương, Cửa Tùng. Thông qua biện pháp nghiệp vụ hai Đồn Hiền Lương và Cửa Tùng đã điều tra phát hiện 30 tên ngụy, gián điệp trà trộn trong số đồng bào sơ tán, góp phần làm thất bại ý đồ hậu chiến của địch.
Trải qua 21 năm xây dựng, chiến đấu, Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu, mềm dẻo, linh hoạt trong thực hiện các nguyên tắc, phương châm, đối sách, mưu trí, bền bỉ trong đấu tranh chính trị với kẻ thù và các loại đối tượng, bám trụ kiên cường trên mảnh đất “Vĩnh Linh lũy thép”, gắn bó máu thịt với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Xây dựng phòng tuyến Nhân dân vững chắc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giới tuyến, bờ biển, nội địa, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, xây dựng mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào trọn vẹn, thủy chung. Trong chiến tranh phá hoại, Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã độc lập và phối hợp bắn rơi, bắn cháy 70 máy bay Mỹ, riêng Đồn Cù Bai bắn rơi 7 chiếc, dẫn đầu thành tích bắn hạ máy bay Mỹ. Hàng ngàn lượt cán bộ chiến sỹ Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không tiếc máu xương, người này ngã xuống, người khác xông lên, chiến đấu oanh liệt, lập công xuất sắc trên trận tuyến an ninh, đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình qua các thời kỳ chiến tranh cách mạng, góp phần cùng quân dân Quảng Trị và cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với những thành tích trong xây dựng, công tác và chiến đấu Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy chương Hòa bình thế giới, được trao tặng vĩnh viễn lá cờ thi đua của toàn quân. Ba năm liền (1962 - 1964) được giữ lá cờ luân lưu “Đơn vị thi đua khá nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều bằng khen, giấy khen và phần thưởng cao quý khác được trao tặng cho các tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ.
Tháng 5/1976, Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh kết thúc nhiệm vụ lịch sử trên giới tuyến; cán bộ, chiến sỹ lần lượt lên đường bổ sung cho lực lượng Công an Nhân dân vũ trang các tỉnh phía Nam và trở về với đội hình Công an Nhân dân vũ trang của tỉnh Bình Trị Thiên để đón nhận nhiệm vụ mới, của thời kỳ lịch sử mới.
Kỷ niệm “70 năm lực lượng trực tiếp bảo vệ giới tuyến” nhưng thực chất là 21 năm cùng Nhân dân cả nước chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh, nơi tuyến đầu chống Mỹ. Trong 21 năm ấy, lực lượng bảo vệ giới tuyến từ cấp đại đội đã được xây dựng lớn mạnh có biên chế tổ chức và quân số tương đương cấp trung đoàn. Từ nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, đấu tranh với địch, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ chuyển thành vừa đấu tranh chính trị, ngoại giao gắn với chiến đấu vũ trang chống gián điệp, biệt kích từ miền Nam xâm nhập qua biên giới, giới tuyến, móc nối với các phần tử phản động, phá hoại công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc, làm hậu thuẫn cho Nhân dân miền Nam đánh Mỹ để thống nhất Tổ quốc. Với sứ mệnh lịch sử giao phó, Công an Nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, kiên cường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh làm nên luỹ thép kiên cường, chi viện kịp thời cho chiến trường Quảng Trị ngay từ những ngày đầu, làm trọn nghĩa vụ giúp bạn Lào đánh bọn phản động, lập lại hoà bình ở vùng Pa Tầng, lấy lại sự bình yên vùng biên giới Việt - Lào.
Kế thừa truyền thống của các thế hệ Công an Nhân dân vũ trang trước đây, ngày nay Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị không ngừng nỗ lực xây dựng cấp uỷ đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong những năm qua, các đơn vị cơ sở của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp với các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qui định của địa phương.
Đồng thời thực hiện có hiệu qủa các chương trình phối hợp, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, vệ sinh môi trường, khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, xây dựng các điểm sáng văn hóa. Hình ảnh người “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, đến người cán bộ xã mang quân hàm xanh đã trở thành niềm tin của Nhân dân khu vực biên giới của tỉnh nhà. Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, các đồn Biên phòng đã không ngừng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, vùng biển - đảo”; “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”; “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương”; mô hình “Tiết học biên giới”, “Tay kéo Biên phòng”, “Sân chơi cho em”, “Trung thu cho em”,.... Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh phong phú”; kết hợp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các đồn, trạm xanh, sạch, đẹp trở đã trở thành điểm sáng văn hoá nơi biên giới, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ ngày càng được nâng cao. Trên lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, cán bộ, chiến sỹ luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, kiên quyết tấn công tội phạm để làm nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thành tích chung của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
70 năm đã trôi qua trên quê hương Vĩnh Linh lũy thép anh hùng, những chiến công, sự hy sinh và cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng bảo vệ giới tuyến từ những ngày đầu vẫn luôn là những bài học vô cùng quý giá đối với các thế hệ người chiến sỹ Biên phòng Quảng Trị hôm nay và mai sau. Tiếp bước truyền thống của chiến sỹ giới tuyến, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị ngày nay luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, giữ vững truyền thống “không sợ đầu rơi, máu chảy, người trước ngã xuống, người sau xông lên”, gắn bó máu thịt với Nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới. Những thành tích trong công tác của Bộ đội biên phòng tỉnh đạt được trong những năm qua đã chứng minh rằng: Dù ở vào thời điểm lịch sử nào thì các phẩm chất anh hùng, truyền thống tốt đẹp của người chiến sỹ giới tuyến năm xưa vẫn luôn được lực lượng Bộ đội Biên phòng của quê hương Quảng Trị phát huy trong học tập, công tác và chiến đấu.
Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh
- Thị trấn Bến Quan - 30 năm đổi mới và phát triển (29/07/2024)
- Vì sao là Vĩ tuyến 17 (19/07/2024)
- Di tích Hầm Khu ủy Vĩnh Linh: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ (19/07/2024)
- Vĩnh Linh niềm tự hào 70 năm Lũy thép - Lũy hoa (18/07/2024)
- K8, K10: Kỳ tích lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (17/07/2024)
- Vĩnh Linh- đất và người (16/07/2024)
- Cuộc hội ngộ 40 năm và hành trình phía trước (11/07/2024)
- Tân Kỳ - Vĩnh Linh có một quê chung (09/07/2024)
- Lời thề bên dòng sông Bến Hải và những đứa trẻ của lũy thép trên đất Tân Kỳ (08/07/2024)
- “Vỡ đất, vỡ cát” trên quê hương mới Tân Kỳ (08/07/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)