Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hiệu quả từ mô hình trồng cam ở thị trấn Bến Quan

Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đã mang lại những tín hiệu kinh tế khả quan, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Mô hình trồng cam của HTX Cây ăn quả Bến Quan thuộc thị trấn Bến Quan là một trong những mô hình như thế.

Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đã mang lại những tín hiệu kinh tế khả quan, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Mô hình trồng cam của HTX Cây ăn quả Bến Quan thuộc thị trấn Bến Quan là một trong những mô hình như thế.

 

 

Năm 2019, gia đình ông Nguyễn Văn Thiết ở khóm 4, thị trấn Bến Quan là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi gần 1ha cao su kém hiệu quả của gia đình sang trồng cam. Bước sang phát triển kinh tế gia đình ở một mô hình hoàn toàn mới, ông Thiết gặp không ít những khó khăn từ việc tìm nguồn giống đến kỹ thuật chăm sóc. Với sự hỗ trợ của HTX, Hội Nông dân, sự động viên của chính quyền địa phương, gia đình ông vừa đầu tư cải tạo vừa rút kinh nghiệm, chăm sóc đúng kỹ thuật để cây phát triển tốt. Năm 2021, gia đình ông thu hoạch lứa quả bói đầu tiên với sản lượng gần 7 tạ. Với giá bán từ 25- 30 nghìn đồng/kg ông thu về 20 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Thiết cho biết: “Từ khi HTX Cây ăn quả Bến Quan ra đời, hiện nay gia đình trồng gần 1 ha cây cam. Hiện nay đã bước sang năm thứ 4. Năm thứ 3 cho vụ trái đầu tiên thu hoạch gần 7 tạ, với giá trị cao hơn so với trồng cao su”.

 

Trước đây, nông dân trên địa bàn thị trấn Bến Quan chủ yếu trồng chuyên canh cây cao su, hồ tiêu. Những năm gần đây, trước tình trạng cao su rớt giá và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ thực tế đó, đã có nhiều hộ chuyển đổi những diện tích cây cao su cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhận thấy mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế khá cao tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, hội nông dân thị trấn đã tạo điều kiện cho các hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác, sau đó về áp dụng trên địa bàn. Diện tích cam của HTX Cây ăn quả Bến Quan được mở rộng lên 8,5 ha. Theo dự kiến, bước vào năm thứ 4 tính từ thời điểm trồng, toàn bộ diện tích cam của HTX sẽ bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng ban đầu khoảng 4 tấn/ha và sau đó sản lượng cam sẽ tăng dần qua các năm.

 

Nói về hướng đi trong thời gian tới, Chủ tịch Hội nông dân Thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức chia sẻ. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của HTX, hiện tại địa phương đang vận động người dân tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất cam sạch, phát triển vườn cam theo hướng nâng cao chất lượng, tạo dấu ấn sản phẩm trên thị trường bằng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thực hiện liên kết giữa các thành viên trong HTX cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định qua đó, giúp người trồng tránh được tình trạng được mùa, mất giá”.

 

Hiện tại thị trấn Bến Quan đã lựa chọn cam là sản phẩm OCOP của địa phương và đang xây dựng thương hiệu Cam Bến Quan nhằm tạo điều kiện quảng bá, liên kết tìm đầu ra thuận lợi, ổn định, tránh tình trạng sản xuất quy mô lớn nhưng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, hướng đến mở rộng sản xuất  loại cây trồng này.

 

Mỹ Hằng

More