Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nổ lực về đích nông thôn mới của xã miền núi Vĩnh Hà

Là một trong 3 xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Hà không có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng tâm góp sức của hệ thống chính trị và nhân dân xã Vĩnh Hà đã nổ lực hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã vùng cao đầu tiên của huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Bước vào xây dựng NTM xã Vĩnh Hà gặp không ít những trở ngại và thách thức. Phát triển kinh tế đều nhìn vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng lại khá manh mún và nhỏ lẻ, không có điểm nhấn. Thiên tai bão lũ đến hạn hán, khí hậu diễn biến bất thường làm ảnh hưởng lớn đến các công trình cơ sở hạ tầng vốn đã nghèo nàn lại càng xập xệ. Trở ngại về kinh phí, nguồn vốn khi người dân còn chưa đủ ăn hay thái độ thờ ơ của một số bộ phận chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng NTM nên việc huy động sức dân cũng trở thành thử thách lớn.

Ông Nguyễn Văn Thao- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vĩnh Hà là một xã thuần nông, với trên 37% dân số là người đồng bào dân tộc Vân Kiều. Khi bắt tay vào xây dựng NTM xã gần như phải làm từ đầu. Bởi khi khảo sát đánh giá thực trạng đối chiếu với bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM thì xã chỉ đạt vỏn vẹn 1 tiêu chí; cơ sở hạ tầng vẫn còn lạc hậu. Tuy nhiên với quyết tâm chính trị cao, xã đã ban hành lộ trình xây dựng NTM dài hơi, lại được  các ngành cấp trên quan tâm, hỗ trợ và đồng hành  chỉ đạo sát sao. Nhiều nghị quyết, đề án của xã về xây dựng NTM được ban hành làm cơ sở thực hiện”.

Trước hết, để tạo được sự đồng thuận và tập hợp sức được sức mạnh Nhân dân, xã Vĩnh Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức. Ngoài các hội nghị, xã đã kết hợp vận động trực tiếp, lồng ghép qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, họp tại thôn bản,  khu dân cư,  hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu... Từng bước làm cho người dân hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM là lấy sức dân để lo cho dân, người dân là chủ thể trong các hoạt động, cũng là người hưởng thụ thành quả. Từ đó, người dân dần thay đổi nếp nghĩ, khơi dậy được tinh thần chủ động và lan tỏa chương trình xây dựng NTM thành một phong trào sâu rộng.

Khi lòng dân và chính quyền đã thuận xã bắt tay ngay vào việc thực hiện các tiêu chí với chủ trương bám sát lộ trình, các đề án đã xây dựng; bên cạnh sự chỉ đạo của cấp trên thì cần phải chủ động thực hiện các tiêu chí quan trọng, nằm trong khả năng. Trong đó, xác định giao thông chính là  huyết mạch để phát triển kinh tế và xã hội, xã đã thực hiện việc dân chủ, công khai tường tận đến người dân kế hoạch mở đường và kêu gọi sự đóng góp. Đã có hàng trăm lượt hộ dân hiến đất, hiến hàng rào, cây cối, ngày công lao động, đóng góp vốn đối ứng để làm đường giao thông. Đồng thời vận dụng hiệu quả nhiều kênh vốn khác nhau từ Trung ương, tỉnh, huyện, ngân sách xã để thực hiện tu sửa từng tuyến đường. Nhờ đó, đến nay xã đã hoàn thành việc nhựa hóa 19 km đường trục xã, 10 km đường trục thôn và 1.440km đường ngõ xóm phục vụ tốt cho việc đi lại, 5/5 thôn đều đã được lắp đặt các bóng đèn chiếu sáng từ chương trình ánh sáng đường quê với tổng chiều dài 13,2 km. Ngoài ra, các tuyến đường trục chính nội đồng cũng được cứng hóa đảm bảo đi lại thuận tiện đạt trên 85%.

Lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế, xã đã từng bước bố trí lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động người dân tham gia vào các mô hình kinh tế mới. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn thông qua các chương trình, dự án được kết nối với cấp trên như: Chương trình 135, cơ chế chính sách cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT… cùng với sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể như UBMT, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên các cấp hỗ trợ về con giống, cây trồng và kỹ thuật đã tiếp thêm động lực cho các hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Những năm gần đây, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập ổn định như nuôi trâu và bò sinh sản, gà thả đồi, lợn, mô hình trồng nghệ, sả, ớt… Mặt khác với lợi thế đồi rừng rộng lớn xã tập trung đầu tư phát triển cây cao su và xác định đây chính là một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay, xã đã phát triển được trên 800 ha cao su, trong đó có 750 ha đưa vào khai thác với sản lượng ước đạt khoảng 2.363 tấn.  Cùng với cao su, cây lâm nghiệp cũng được chú trọng phát triển và bảo vệ; toàn xã có khoảng 1.020,5 ha rừng trồng các loại.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy lĩnh vực CN-TTCN và thương mại để tăng thu nhập cho người dân. Toàn xã hiện có trên 70 cơ sở kinh doanh sản xuất hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân địa phương. Nhờ những chính sách phát triển kinh tế phù hợp, đời sống và mức thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đến nay đã đạt 37,1 triệu đồng/năm, tăng 3,25 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%.

Để hoàn thành tiêu chí về nhà ở, bên cạnh nguồn kinh phí từ địa phương xã đã kết nối với các cấp ngành cấp trên hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, nhà phòng tránh thiên tai theo Quyết định số 22, Quyết định số 48 của Chính phủ để xóa hết nhà tạm bợ dột nát trên địa bàn. Cùng với ý thức ngày càng được nâng lên, người dân đã quan tâm đến việc chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xây dựng cổng, tường rào, mái che; dân cư tại 5/5 thôn đã xây dụng được nhà kiên cố và bán kiên cố.

Tiêu chí về giáo dục cũng dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Qua việc quán triệt thực hiện các nội dung trong đổi mới giáo dục, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh chất lượng giáo dục của xã tăng lên đáng kể. Tỷ lệ học sinh trên địa bàn tốt nghiệp trung học tiếp tục học trung học phổ thông đạt 95%. Con em đỗ đạt vào các trường Cao đẳng, Đại học ngày càng cao. Các chương trình khuyến học, khuyến tài được phát triển rộng khắp từ chính quyền, đoàn thể tới các thôn, bản và các dòng họ trong toàn xã. Bên cạnh đó, về y tế đến nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 97%; 100% thôn bản đạt đơn vị văn hóa, 100% hộ gia đình ký cam kết gia đình văn hóa; có 99% hộ gia đình và cá nhân sử dụng điện thoại phương tiện nghe nhìn và xe máy, 15-20% hộ có máy vi tính nối mạng intenet.

Với sự nổ lực, đoàn kết phấn đấu vươn lên, xã Vĩnh Hà được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021 theo Quyết định số 657-QĐ/UBND tỉnh Quảng Trị ngày 28/2/2022. Kết quả này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với người dân trên địa bàn xã mà còn là niềm tin, động lực để thúc đẩy các xã vùng cao còn lại của huyện Vĩnh Linh sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đưa cuộc sống của người dân ngày càng trở nên tươi đẹp hơn.

 

Phương Nga

Bài viết liên quan