Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Người tiên phong đưa cây gỗ quý đàn hương về thử nghiệm

Ở Quảng Trị, mô hình trồng cây đàn hương đầu tiên, quy mô lớn nhất là mô hình của hộ anh Nguyễn Văn Tỉnh (sinh năm 1977) ở thôn Thủy Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh. Mạnh dạn chuyển đổi trong sản xuất, được sự tư vấn trực tiếp từ chuyên gia đầu ngành về cây đàn hương, Tiến sĩ Vũ Thoại- Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm, năm 2019, anh Nguyễn Văn Tỉnh quyết định đầu tư, đưa giống cây gỗ quý đàn hương trắng Ấn Độ về trồng thử nghiệm. Đến nay, 450 gốc cây đàn hương trên diện tích 8.000m2 đang phát triển tốt. Anh Tỉnh hy vọng mô hình sẽ đạt hiệu quả trên đất Quảng Trị, góp phần mở ra hướng đi mới, bền vững trong nền sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Trước năm 2018, toàn bộ quỹ đất, gia đình anh Nguyễn Văn Tỉnh tập trung trồng cao su và tràm, 2 loại cây chủ lực gắn bó lâu đời với người dân vùng Đông huyện Vĩnh Linh. Thời điểm đó, nguồn thu mủ cao su của gia đình anh Tỉnh đạt khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, nhận thấy cây cao su tiểu điền thường xuyên bị ảnh hưởng và thiệt hại lớn vào mỗi mùa mưa bão; giá thu mua mủ lại bấp bênh, trong khi mất nhiều chi phí nhân công. Từ đó, anh Tỉnh suy nghĩ việc chuyển đổi, tìm kiếm giống cây có giá trị kinh tế cao vừa theo hướng phát triển bền vững. Quá trình tìm hiểu, anh Tỉnh biết đến mô hình trồng cây đàn hương đang được mở rộng ở các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên. Đầu năm 2018, anh Nguyễn Văn Tỉnh liên hệ, tìm đến Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm học hỏi và được tiến sĩ Vũ Thoại tận tình tư vấn, tạo điều kiện để anh theo các đoàn đi thực tế một số mô hình tại Lạng Sơn, Hòa Bình, Đắk Nông, Sơn La…

Anh Nguyễn Văn Tỉnh cho hay: “Theo kiến thức tôi được biết, cây đàn hương trắng Ấn Độ là loại cây trồng thuộc nhóm gỗ quý, đã được khảo nghiệm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam. Loài gỗ quý này phát triển chu vi 5 cm/năm và bắt đầu cho khai thác lõi gỗ từ năm thứ 12 trở đi khi đạt tiêu chuẩn. Giá thị trường của lõi gỗ đàn hương 4- 4,5 triệu đồng/kg, sử dụng ép tinh dầu, làm dược liệu, mỹ phẩm, hàng mỹ nghệ, trang sức cao cấp. Đặc biệt, cây đàn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi, ngoài sản phẩm chính là lõi gỗ thì tất cả các bộ phận khác của cây đều tận dụng làm nguyên liệu cao cấp, giá bán ra đều cao. Cụ thể, chỉ hơn 1 năm sau khi trồng sẽ cho thu hoạch lá chế biến trà, giá 100 ngàn đồng/kg lá tươi; 3 năm cho thu quả dùng ép dầu làm dược liệu, mỹ phẩm, giá 350- 400 ngàn đồng/kg quả khô. Riêng vỏ, cành dùng sản xuất mỹ phẩm, nhang thơm; rễ cũng để chiết tinh dầu, nguyên liệu mỹ phẩm… Bên cạnh giá trị kinh tế, trồng cây đàn hương theo nghiên cứu giúp cân bằng hàm lượng khí cacbonic và oxy trong không khí, rất có lợi cho hệ sinh thái”.  

Qua thực tế, nhận định vùng đất Quảng Trị có nhiều điểm tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng trồng thành công cây đàn hương là rất lớn. Quan trọng hơn, biết đến chính sách hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm liên kết với Tập đoàn Đàn hương Việt Nam, anh Tỉnh quyết định hiện thực hóa mô hình. Cuối năm 2019, anh Tỉnh mua 450 cây giống đàn hương trắng Ấn Độ (giá thời điểm này 80 ngàn đồng/cây) về chính thức trồng trên đất Vĩnh Linh. Anh Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: “Trồng cây đàn hương, cần chú ý, thứ nhất cây giống phải đảm bảo tuyệt đối về nguồn gốc xuất xứ. Thứ 2, với đặc tính bán ký sinh, cây đàn hương hút dinh dưỡng từ đất và hấp thu các chất đa lượng, trung lượng bình thường nhưng không tự tổng hợp được những chất vi lượng như kẽm, sắt, mangan... Do vậy, cần trồng xen canh với những loại cây khác làm cây ký chủ để cây đàn hương hút đủ nguyên tố vi lượng, chất dinh dưỡng, thúc đẩy hình thành lõi gỗ. Cây ký chủ được chia theo 3 giai đoạn: ngắn hạn thì trồng xen canh với cây ngắn ngày như đậu, lạc, tía tô; trung hạn thì trồng xen canh với cây ăn quả gồm bưởi, bơ, ổi, sim; dài hạn thì trồng xen canh với cây lâm nghiệp như cây keo, cây sưa… Trồng xen canh còn mang lại giá trị kép vì lấy ngắn nuôi dài, có thêm nguồn thu trong khi chờ thu hoạch cây đàn hương. Còn lại về cơ bản, cây đàn hương dễ trồng, ít công chăm sóc, chỉ cần bón phân đầy đủ; đảm bảo độ ẩm, ánh sáng; cắt tỉa 2 lần/ năm. Điểm cộng lớn nữa của cây đàn hương là ít bị sâu bệnh gây hại và thời tiết tác động; hạn chế rủi ro do thiên tai, rễ cây bám sâu trong đất, thân cây thuộc nhóm gỗ nên chống chịu tốt trong điều kiện mưa bão…”.

Sử dụng nguồn giống chất lượng, tuân thủ quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, quá trình suốt 3 năm qua, kết quả đánh giá từ Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm đối với 450 gốc đàn hương của anh Tỉnh đã và đang sinh trưởng rất ổn định. Hơn nữa, cây đàn hương ở Quảng Trị tốc độ phát triển còn có phần nhanh hơn so với cây đàn hương trồng ở miền Bắc. Theo tính toán của anh Tỉnh, qua năm 2023, mô hình của anh bắt đầu cho thu hoạch quả đàn hương. Vụ bói nên đạt khoảng 1,5 kg quả khô/cây. Ước tính, 450 cây đạt trên 670 kg quả khô, với giá bán khoảng 350- 400 ngàn đồng/kg, sẽ cho thu về 235- 270 triệu đồng, sau đó sẽ tăng dần theo năm, tối đa đạt 3- 5 kg quả khô/cây/năm. Thêm 8- 9 năm nữa, đàn hương sẽ cho khai thác lõi gỗ. Với bình quân 20- 25 kg lõi gỗ/cây, tổng sản lượng gỗ đạt 9.000- 11.250 kg. Nếu tính theo giá thị trường hiện 4- 4,5 triệu đồng/kg, thì đến lúc đó, riêng doanh thu từ lõi gỗ đạt 36- 50,6 tỷ đồng. So với trồng cao su tiểu điền, giá trị của mô hình trồng cây đàn hương gấp 10 lần.

“Mô hình đang trong quá trình thử nghiệm. Từ những đánh giá tích cực của các chuyên gia đầu ngành đến thời điểm này, tôi rất tự tin vào thành công của mô hình, làm thí điểm để người dân cùng phát triển loại cây trồng mới, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững hơn hẳn các đối tượng cây trồng truyền thống. Thời gian tới, tôi dự tính trồng thêm khoảng 5 ha cây đàn hương ở huyện miền núi Hướng Hóa. Sau đó, nếu đủ điều kiện sẽ đầu tư, liên kết cùng Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm làm cơ sở chuyên cung cấp giống cây, tư vấn kỹ thuật và thu mua sản phẩm cây đàn hương cho những đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn cũng như các tỉnh lân cận”, anh Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ.

 

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan