Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Nông dân làm kinh tế giỏi nhờ biết nắm thời cơ
- 01-08-2023
- 1058 lượt xem
Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là cách làm nông nghiệp đã cho thấy hiệu quả không chỉ trong sản xuất mà còn bảo vệ sức khỏe con người. Nắm bắt lợi thế này và nhu cầu của người dân địa phương, anh Nguyễn Văn Tuần, thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua drone để vừa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, vừa làm dịch vụ.
Anh Tuần (người đầu tiên từ trái qua), một trong những nông dân làm kinh giỏi ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh.
Anh Tuần chia sẻ, từ nhiều năm trước đây, gia đình anh canh tác khoảng 8ha lúa. Vào mỗi vụ sản xuất, các khâu như gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển đều được ứng dụng cơ giới hóa. Tuy nhiên, khâu phun thuốc BVTV vẫn thực hiện thủ công. Với diện tích canh tác lớn nên quá trình này thực hiện mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, một phần diện tích lúa đã bị dẫm đạp lên nên năng suất phần nào giảm đi; vỏ chai thuốc BVTV vứt bừa bãi làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, cũng như sức khỏe con người. Đến vụ Đông Xuân 2020 - 2021, sau khi tận mắt chứng kiến chương trình bay trình diễn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và được cán bộ kỹ thuật của Công ty giới thiệu các vấn đề liên quan đến ứng dụng drone vào phun thuốc quản lý dịch hại trên cây lúa, anh thấy rất hiệu quả và rất mong muốn được sử dụng công nghệ này vào sản xuất.
“Qua tìm hiểu, được biết có rất nhiều người dân trong vùng có nhu cầu sử dụng drone vào sản xuất nhưng giá thành của thiết bị khá cao nên việc mua để tự phục vụ rất khó khăn. Việc thuê thiết bị từ các địa phương khác đến lại gặp phải hạn chế là không chủ động được thời gian và nhiều khi không đặt được lịch. Từ thực tế này, ngay trong vụ Đông Xuân 2020- 2021, gia đình tôi đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật bay và đầu tư 320 triệu đồng để mua một drone hiệu J10 vừa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, vừa làm dịch vụ”, anh Tuần bộc bạch.
Thiết bị drone có tính năng thiết lập đường bay tự động, điều chỉnh chế độ phun tự động cho nhiều loại cây trồng như: cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp. Với cơ chế đầu phun liên tục xoáy tròn, hạt dung dịch thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, lượng thuốc được phân bổ đều trên bề mặt ruộng lúa do đường bay không chồng lấn lên nhau. Khi dùng drone sẽ giảm được lượng thuốc, thời gian phun thuốc, tránh dẫm đạp khi đi lại trong quá trình phun thuốc và đặc biệt là tránh sự tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV so với phun thuốc thủ công thông thường.
Nếu như trước đây nông dân phải sử dụng 300- 400 lít dung dịch thuốc BVTV để phun cho 1 ha lúa thì nay với việc sử dụng drone lượng nước giảm đến 90%, chỉ tốn khoảng 15- 30 lít dung dịch thuốc nhưng với các công nghệ lập trình sẵn đường bay, hệ thống đầu phun siêu nhỏ nên hạt dung dịch thuốc được phun đều và mịn, trải đều mặt ruộng. Anh Tuần cho biết: “Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nếu phun thủ công mỗi ngày người dân chỉ thực hiện được trên diện tích khoảng 1 mẫu (tương đương với 10 sào hoặc 0,5ha). Và trên diện tích khoảng 1ha thì phải bỏ ra khoảng 700 ngàn đồng thuê nhân công; Nhưng với drone, công suất phun tối thiểu sẽ đạt 16ha/ngày, tối đa 20ha/ngày. Chi phí cho 1ha chỉ 350 ngàn đồng. Do nhu cầu sử dụng lớn, nên không chỉ bà con trong vùng, mà rất nhiều bà con ở các địa phương như: Hải Lăng, Triệu Phong, thậm chí ở Huế, Quảng Bình cũng đã liên hệ với gia đình để đặt lịch phun thuốc”.
Song song việc mua drone làm dịch vụ, hiện nay, gia đình anh Tuần đang canh tác 8ha lúa. Trong đó có 4ha lúa hữu cơ, liên kết với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group). Anh Tuần cho biết trước đây gia đình canh tác lúa theo phương thức truyền thống, mặc dù có vụ cho năng suất cao nhưng giá thu mua rất bấp bênh. Trong khi đó, phải bỏ ra nhiều chi phí cũng như sức lao động, mà kết quả thu về không tương xứng. Sau khi được Công ty Thương mại Quảng Trị giới thiệu, hướng dẫn cách thức sản xuất lúa hữu cơ, nhận thấy đây là cách làm mới để phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp xu thế nông nghiệp 4.0, từ vụ Đông Xuân 2022- 2023 anh đã tham gia, kí hợp đồng, cam kết thực hiện theo các quy trình chăm sóc lúa của Công ty, sản xuất gạo mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon”.
“Giống lúa đưa vào sản xuất là giống ST25. Tham gia liên kết, gia đình được cung cấp toàn bộ giống, kỹ thuật gieo mạ và chăm sóc theo quy trình công nghệ sản xuất của Sepon Group. Trong đó, đối với phân bón được cung cấp là loại phân hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa từ phân gà và vi sinh vật bản địa; hoặc các loại thảo dược từ các sản phẩm nông nghiệp như ớt, tỏi, gừng, thuốc lá, ngâm bia, cá ướp đường để lấy nước phun cho cây lúa thay đạm. Khi thu hoạch công ty thu mua với giá 12 nghìn đồng/kg lúa tươi tại ruộng (cao hơn so với lúa sản xuất truyền thống khoảng 5 ngàn đồng/kg lúa tươi). Theo tính toán sau khi trừ chi phí, người trồng lúa hữu cơ lãi được 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống”, anh Tuần cho biết.
Bằng sự chịu khó và nhạy bén trong làm ăn, anh Tuần còn mở rộng chăn nuôi thêm trâu, bò sinh sản, rồi mua thêm xe ô tô chạy dịch vụ. Nhẩm tính chia sẻ với chúng tôi, anh Tuần cho biết từ mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình anh có nguồn lợi nhuận trên 300 triệu đồng, giúp gia đình anh có thêm điều kiện chăm sóc con cái, xây dựng nhà cửa khang trang.
Với sự nỗ lực không ngừng, nhiều năm qua gia đình anh là điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, góp phần không nhỏ vào chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lâm Lê Đức Long cho biết: “Mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Tuần là một trong những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù ban đầu khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực của bản thân cũng như được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất, giờ đây gia đình anh là một điển hình làm kinh tế giỏi để hội viên nông dân trong xã đến học hỏi và làm theo”.
Mỹ Hằng
- Xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật (01/08/2023)
- Triển khai thực hiện Đề án Phát triển hệ thống cây xanh đường đô thị và các tuyến đường huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2023- 2025 định hướng đến năm 2030 (31/07/2023)
- Tổ chức Hội chợ Thương mại huyện Vĩnh Linh năm 2023 từ ngày 15- 22/8/2023 (28/07/2023)
- Thử nghiệm mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm (28/07/2023)
- Phê duyệt dự án “Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò sinh sản xã Vĩnh Hà” (25/07/2023)
- Phát triển thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn (25/07/2023)
- Biểu dương 36 người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018- 2023 (25/07/2023)
- Đại hội CLB CCB làm kinh tế huyện Vĩnh Linh lần thứ I, nhiệm kỳ 2023- 2028 (24/07/2023)
- Phát triển 26 mô hình nuôi tôm công nghệ cao (23/07/2023)
- Tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh giai đoạn lúa trổ vụ Hè Thu 2023 (21/07/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)