Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hiệu quả bước đầu của một HTX sản xuất “nông sản xanh”

Tính đến tháng 10/2023, HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh vừa tròn 1 năm thành lập, đi vào hoạt động. Xác định được nông sản thế mạnh và tổ chức quản lý, sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ hiệu quả, đến nay, 2 sản phẩm chủ lực của HTX gồm Mật ong nguyên chất Rú Lịnh và Tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa đã trở thành những “nông sản xanh” được thị trường đón nhận. Đặc biệt, Mật ong nguyên chất Rú Lịnh là 1 trong 3 sản phẩm mới trình Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Vĩnh Linh đánh giá, phân hạng năm 2023; Tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa được cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng và cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh ATTP, hiện đang hoàn thiện thủ tục chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap.

Vĩnh Hòa là xã thuộc vùng Đông huyện Vĩnh Linh, vốn lợi thế có rừng nguyên sinh Rú Lịnh cùng diện tích đất đỏ bazan lớn nên trên địa bàn phát triển mạnh nghề nuôi ong giống, ong lấy mật và trồng cây lâm nghiệp, nông nghiệp. Giám đốc HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa Trần Văn Hưng cho biết, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, dưới sự chỉ đạo của BTV Đảng uỷ, UBND xã, tháng 10/2022, Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa thành lập HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa với sự tham gia ban đầu của 9 hộ nông dân, số vốn điều lệ gần 900 triệu đồng.

Qúa trình hoạt động, hội đồng quản trị và các thành viên bám sát mục tiêu hình thành thương hiệu, phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng đối với 2 sản phẩm chủ lực trước mắt là Mật ong nguyên chất Rú Lịnh và Tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa. Từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai mở rộng quy mô, tạo điều kiện, tích cực hỗ trợ thành viên từ kỹ thuật đến nguồn vốn sản xuất, hướng đến nâng cao chất lượng nuôi ong, trồng tiêu hữu cơ. Đồng thời chủ động tổ chức, kết nối các hoạt động dịch vụ nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định, tăng sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Năm 2022 được sự hỗ trợ của UBND xã Vĩnh Hòa, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa hoàn thành quy trình thủ tục xây dựng thương hiệu, chứng nhận sản phẩm Mật ong nguyên chất Rú Lịnh đạt tiêu chuẩn Vietgap về chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh ATTP, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác. Từ đầu năm 2023, các thành viên HTX đã xuất bán ong giống trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và những vùng lân cận gồm tỉnh Quảng Bình, huyện Gio Linh, huyện Cam Lộ, thành phố Đông Hà với số lượng 150 đàn, trị giá 165 triệu đồng. HTX cũng ký hợp đồng bán 175 đàn ong giống cho Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh, lợi nhuận thu về 50 triệu đồng.

Hiện nay số lượng đàn ong của HTX đạt 350 đàn, tổng sản lượng 2.100 lít mật. Tính đến tháng 10/2023, toàn HTX đã tiêu thụ được 1.000 lít mật, giá thành 600.000 đồng/1 lít. HTX đầu tư trang bị thêm 1 máy hạ thuỷ phần mật, phá kết tinh và loại bỏ tạp chất trong mật ong, trị giá 120 triệu đồng nhằm đảm bảo chất lượng mật. Với triển vọng của sản phẩm, Mật ong nguyên chất Rú Lịnh là 1 trong 3 sản phẩm mới trình Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Vĩnh Linh đánh giá, phân hạng năm 2023.

Riêng về sản phẩm Tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa, hiện nay HTX đang quản lý 6,4 ha liên kết với 35 hộ dân. HTX đã được cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh ATTP cho sản phẩm Tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa. Năm 2023 HTX ký hợp đồng xuất bán được 3,8 tấn tiêu hữu cơ, thu về 309 triệu đồng.

Giám đốc HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa Trần Văn Hưng cho biết thêm: “Năm 2024, HTX dự kiến liên kết với Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh để  phát triển đàn ong giống và quảng bá, xuất sản phẩm ra thị trường tỉnh Quảng Bình, thành phố Huế... Mục tiêu tăng số lượng đàn ong toàn HTX lên 500 đàn, sản lượng mật đạt 2.500 lít, xuất bán 250 đàn ong giống. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục đăng ký Tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa đạt tiêu chuẩn Vietgap; tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên khoảng 8 ha, phấn đấu sản lượng xuất bán khoảng 5 - 6 tấn. Đặc biệt ngoài Mật ong nguyên chất Rú Lịnh và Tiêu hữu cơ Vĩnh Hòa, HTX sẽ trồng thử nghiệm thêm cây hương liệu Vanilla trên diện tích 4.500 m2. Từ đó góp phát huy lợi thế về nông nghiệp, nông sản đặc trưng của địa phương, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, mở thêm cho người nông dân hướng sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập gắn với bảo vệ môi trường. Mặt khác cung cấp những mặt hàng đảm bảo chất lượng ra thị trường tiêu thụ”.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan