Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giá trị sản phẩm lúa hàng hóa, từ năm 2017, huyện Vĩnh Linh đã khuyến khích, vận động nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thông qua việc liên kết chuỗi với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) từ khâu giống, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và HTX Tiên Mỹ, Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh cho năng suất bình quân 65 tạ/ha - Ảnh: T.T

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị đã khẳng định được hiệu quả rõ rệt, đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để nhân rộng diện tích trên địa bàn huyện.

Để triển khai thực hiện mô hình, huyện Vĩnh Linh đã rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ gồm các xã Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm. Đầu tư chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống kênh thủy lợi và dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 25 ha của HTX Sa Trung, 30 ha của HTX Thượng Hòa, xã Vĩnh Long.

Đến nay, toàn huyện đã có 8 HTX với 587 hộ nông dân tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, liên kết bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 158 ha. Kết quả qua các vụ sản xuất cho thấy, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, cho thu nhập 49 triệu đồng/ha. Đặc biệt, việc sử dụng quy trình khép kín, tập trung từ gieo cấy, thu hoạch lúa đã giảm tổn thất sau thu hoạch từ 5 -7%.

Hiện có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa hữu cơ với các HTX là Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh (Quảng Bình), Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển sản xuất, sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ. Hiện nay, các công ty liên kết đã dần ổn định thị trường đầu ra, tạo được thương hiệu gạo hữu cơ Vĩnh Lâm và đang thực hiện chứng nhận gạo hữu cơ Vĩnh Linh.

Là HTX triển khai sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích lớn, HTX nông nghiệp Đức Xá, xã Vĩnh Thủy đã làm tốt công tác vận động người dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, dễ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ hè thu năm 2023, HTX liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh để sản xuất và bao tiêu sản phẩm 33 ha lúa theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Đức Xá cho biết, người dân đã nâng cao nhận thức về phương pháp canh tác hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh từ thảo dược, tạo ra môi trường an toàn cho người sản xuất.

Năng suất lúa canh tác hữu cơ bình quân hằng năm đạt 60 tạ/ha/vụ (lúa tươi), gần tương đương với sản xuất lúa thông thường, tuy nhiên chi phí sản xuất thấp hơn do không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch ít và giá bán cao hơn với lúa thông thường nên bình quân 1 ha trừ chi phí thu nhập cao hơn sản xuất lúa bình thường từ 3 - 4 triệu đồng/ha.

Ông Hải cũng được tín nhiệm giữ vai trò Giám đốc Liên hiệp HTX sản xuất lúa hữu cơ Vĩnh Linh với sự tham gia của 881 thành viên thuộc 4 HTX, gồm Đức Xá, Thuỷ Ba Đông (xã Vĩnh Thủy), Thượng Hòa (xã Vĩnh Long), Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm), do UBND huyện Vĩnh Linh thành lập vào cuối năm 2023.

Liên hiệp HTX sản xuất lúa hữu cơ Vĩnh Linh có nhiệm vụ sản xuất giống lúa hữu cơ, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, các sản phẩm hàng hóa từ lúa hữu cơ, chế biến và cung cấp dịch vụ sinh học về phát triển sản phẩm hữu cơ, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong chế phẩm sinh học.

“Thời gian qua, huyện đã có đề án về xây dựng hệ thống sơ chế và chế biến lúa gạo Vĩnh Linh ở HTX Đức Xá với các hạng mục cơ sở vật chất như nhà xưởng, sân bãi, đường giao thông, xây dựng hệ thống sấy lúa với 3 lò sấy, trong đó 2 lò công suất 30 tấn/mẻ, 1 lò có công suất 10 tấn/mẻ, xây dựng hệ thống chế biến gạo hữu cơ, đóng gói, nhãn mác sản phẩm.

Tuy nhiên đến nay, HTX mới chỉ được đầu tư xây dựng nhà xưởng. Chúng tôi mong muốn tỉnh quan tâm bố trí nguồn kinh phí để triển khai đề án nhằm tạo cơ sở vật chất đáp ứng sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình khép kín”, ông Hải chia sẻ.

Cùng với việc thành lập Liên hiệp HTX sản xuất lúa hữu cơ, vụ đông xuân 2023 - 2024, huyện Vĩnh Linh triển khai dự án sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 158,1 ha, gồm xã Vĩnh Thủy 93,6 ha, Vĩnh Long 20 ha và Vĩnh Lâm 44,53 ha. Tổng kinh phí đầu tư dự án là 2,16 tỉ đồng, trong đó người dân tham gia đối ứng trên 1,3 tỉ đồng.

Huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ giống lúa và một số loại phân bón nhưng không quá 50% đối với 119,53 ha thuộc các HTX Đức Xá, Thủy Ba Hạ, Tiên Mỹ, Đặng Xá, Thượng Hòa với các giống có phẩm cấp như DV108, ADI28, ST25, HN6, HG12.

Năm 2024, huyện đặt mục tiêu sản xuất 150 ha lúa theo hướng hữu cơ, trong đó có 50 ha được chứng nhận hữu cơ, phấn đấu năm 2025 đạt 300 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 100 ha được chứng nhận hữu cơ. Với điều kiện ở huyện Vĩnh Linh hiện nay, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vẫn còn không ít khó khăn vì đất đai, nguồn nước, giống... chưa đáp ứng các quy trình sản xuất. Do vậy, để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục đầu tư chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Để tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, huyện đặt mục tiêu liên kết các HTX bán lẻ trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty Cổ phần Tổng công ty Sông Gianh, Công ty TH TRUE MILK... Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa ... để nâng cao giá trị sản xuất.

Thanh Trúc (Nguồn: https://baoquangtri.vn/kinh-te/vinh-linh-mo-rong-dien-tich-san-xuat-lua-theo-huong-huu-co/184186.htm)

More