Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Cơ cấu lại sản xuất, nông nghiệp huyện Vĩnh Linh đạt kết quả nổi bật
- 29-11-2024
- 34 lượt xem
Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tập trung thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều giải pháp như đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Nhờ đó, ngành nông nghiệp địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Thuận lợi cơ bản trong sản xuất nông nghiệp của huyện Vĩnh Linh chính là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của người nông dân. Nhiều chính sách trên lĩnh vực “tam nông” tiếp tục đi vào cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển. Cùng với đó là sự đồng lòng từ phía người dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Lĩnh vực trồng trọt được quan tâm đầu tư từ khâu quy hoạch, công tác giống đến việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất với nhiều phương thức đa dạng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, năng suất các loại cây trồng khá cao. Năm 2024, sản xuất lúa được mùa cả 2 vụ, diện tích gieo trồng cả năm đạt gần 7.000 ha, sản lượng đạt 39.927 tấn, tăng 648 tấn so với năm 2023. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, diện tích hồ tiêu đạt 1.325 ha, diện tích đưa vào kinh doanh 1.293 ha, sản lượng 1.680 tấn. Diện tích cây cao su 6.454 ha, sản lượng ước đạt 9.503 tấn.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân như: mô hình sản xuất sản xuất dưa lê, dưa lưới trong nhà lưới hữu cơ của Công ty Cổ phần quỹ đầu tư ISRAEL tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch; mô hình trồng rau, củ, quả sạch theo phương pháp thủy canh và mô hình trồng rau, củ, quả sạch trong nhà màng và hệ thống tưới tự động với tổng diện tích gần 3ha tại xã Trung Nam và xã Vĩnh Tú.
Phát triển chăn nuôi từng bước trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Trong đó, mô hình kinh tế trang trại đã khẳng định hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, giúp nông dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng truyền thống sang hướng hiện đại, phát huy tiềm năng đất đai, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Từ năm 2011 khi phê duyệt Đề án Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại, đưa các trang trại ra xa khu dân cư, tạo điều kiện để xây dựng hạ tầng phù hợp, thuận lợi cho kinh tế trang trại phát triển bền vững hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, dân cư. Trên cơ sở quy hoạch Nông thôn mới đã được phê duyệt, các xã tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, để tập trung đất sản xuất hàng hoá lớn. Đảm bảo quy mô và cơ cấu từng loại hình trang trại một cách hợp lý, nhằm phát huy được lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên từng vùng, từng địa phương. Nhiều mô hình trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp.
Đây là động lực cơ bản thúc đẩy người dân phát huy điều kiện, lợi thế của từng vùng phát triển sản xuất. Đến năm 2024, toàn huyện có 47 trang trại chăn nuôi gia cầm. Trong đó, có 12 trang trại chăn nuôi nhỏ và 35 trang trại chăn nuôi vừa. Các trang trại này có quy mô nuôi từ 5.000 con trở lên. 102 trang trại chăn nuôi lợn. Trong đó, 75 trang trại chăn nuôi nhỏ, 20 trang trại chăn nuôi vừa, 13 trang trại chăn nuôi lớn. Bên cạnh đó có 06 trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao có sự đầu tư của các doanh nghiệp với quy mô 2.400 - 3.600 lợn nái, 24.000 lợn thịt. Hiện 06 dự án chăn nuôi này đang triển khai các bước thủ tục theo trình tự quy định để vào hoạt động.
Huyện Vĩnh Linh cũng đã từng bước phát triển thủy sản theo hướng bền vững. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, huyện tiếp tục duy trì, phát triển các đối tượng nuôi truyền thống và đưa một số đối tượng mới vào nuôi như cá trắm, trê lai, trê phi, mè, rô phi đơn tính, cá chép, cá rô đầu vuông... Lĩnh vực khai thác chú trọng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, khai thác gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời động viên ngư dân nâng cấp tàu thuyền, đầu tư mua sắm, cải tiến trang thiết bị, ngư lưới cụ vươn khơi, bám biển. Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 6.300 tấn. Trong đó, khai thác đạt sản lượng 4 ngàn tấn và nuôi trồng đạt trên 2.300 tấn.
Nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng được quan tâm chú trọng. Tăng cường huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ vốn, giống, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... để giúp cho các hộ dân ổn định và an tâm sản xuất, từng bước góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Vĩnh Linh hiện có 17 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP hoặc tương đương; 17 sản phẩm OCOP ; 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Huyện cũng đã xây dựng gian hàng tại trung tâm chợ Hồ Xá để bày bán và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trồng tại các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tới người tiêu dùng. Đưa sản phẩm nông sản sạch tham gia vào các hội chợ trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân mở rộng thị trường và tìm được nơi tiêu thụ ổn định.
Những kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua là cơ sở để huyện Vĩnh Linh tiếp tục phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao theo hướng liên kết sản xuất giữa người dân với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm giải quyết hiệu quả từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Mỹ Hằng
- Vĩnh Linh: Có thêm 7 sản phẩm được chứng nhận VietGAP (28/11/2024)
- Doanh thu dịch vụ vận tải tăng 15% (26/11/2024)
- 7 cơ sở nhà, đất tại huyện Vĩnh Linh được phê duyệt bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (25/11/2024)
- Có 14 dự án được nhận khuyến công các cấp (25/11/2024)
- Trên 1.000 ha lúa được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (25/11/2024)
- Vĩnh Linh: Sẽ có thêm 3 sản phẩm OCOP trong năm 2024 (22/11/2024)
- Vĩnh Linh kiểm tra 10 doanh nghiệp còn nợ thuế (22/11/2024)
- Vĩnh Linh lựa chọn nhiều giống mới vào sản xuất đại trà (21/11/2024)
- Kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (18/11/2024)
- Tăng cường công tác chống thất thu và nợ động thuế (14/11/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh - Điện thoại: (0233).3820491; Fax: (0233).3820787
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ