Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh - Cổng thông tin

Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, huyện Vĩnh Linh luôn quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi tất yếu và lâu dài, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Trang trại Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh.

Trang trại Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch là một điển hình về việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Chị Trần Thu Trang, phụ trách trang trại cho biết, vốn có đam mê, tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao, sau khi tìm hiểu thị trường, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về quỹ đất, nguồn vốn, nhân lực, năm 2019, chị và các cộng sự đã bắt tay vào xây dựng trang trại có diện tích trên 5.000m2 với hệ thống 10 nhà kính được thiết kế hiện đại, sản xuất các loại cây ăn quả, rau củ theo hướng hữu cơ.

“Mỗi công đoạn sản xuất đều áp dụng theo tiêu chuẩn và kỹ thuật tiên tiến nhất. Từ công nghệ xử lý đất bằng cách ủ nhiệt của Nhật Bản, đến công nghệ phân hữu cơ vi sinh của Mỹ, công nghệ tưới của Israel. Quá trình chăm sóc tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật bằng các biện pháp sinh học để cây phát triển tự nhiên. Nhờ vậy, sản lượng các loại cây trồng tăng cao; đặc biệt là đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng. Riêng trong năm 2024, từ việc cung cấp ra thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch thu về khoảng 1,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cũng đạt 400 triệu đồng”, chị Trang cho hay.

Tương tự, trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Xuân Hoài, khóm 1, thị trấn Bến Quan cho biết, nhận thấy việc chăn nuôi gia cầm theo hướng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình luôn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí vật tư sản xuất và giá cả thị trường nên hiệu quả kinh tế không ổn định. Do đó, ông đã tìm kiếm một số doanh nghiệp để liên kết phát triển chăn nuôi gà quy mô lớn. Năm 2019, gia đình ông ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star để nuôi gà gia công. Trên diện tích 1ha đất, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại có hệ thống làm mát, sưởi ấm, máng ăn tự động, lọc nước sạch… thả nuôi 40.000 con gà ri vàng. Nhờ áp dụng KHKT vào chăn nuôi, mỗi năm ông thu lãi trên 400 triệu đồng từ đàn gà.

Theo Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, chăn nuôi an toàn sinh học khép kín theo hình thức liên kết với doanh nghiệp là mô hình tối ưu khi vừa giải quyết được khâu vốn, kỹ thuật, lại vừa hạn chế được rủi ro dịch bệnh, giá cả. Mô hình liên kết còn giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, do phải đáp ứng những quy trình nghiêm ngặt của doanh nghiệp liên kết nên vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương cũng từng bước được giải quyết. Hiện trên địa bàn thị trấn Bến Quan có 6 trại nuôi gà gia công với số lượng khoảng 240 ngàn con.

Việc ứng dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Toàn huyện hình thành được 05 vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, vùng sản xuất Hồ tiêu tập trung với diện tích 1.300 ha ở các xã vùng đông; vùng sản xuất chuyên canh cây cao su tập trung tại vùng phía Tây với diện tích cây cao su đạt 6.570 ha; vùng trọng điểm lúa tại các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy có quy mô đất đai lớn trên 2.000 ha; Vùng trồng cây ăn quả tập trung chủ yếu ở các xã Trung Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thủy và thị trấn Bến Quan; vùng nuôi tôm thâm canh tập trung, huyện đã quy hoạch được vùng nuôi với tổng diện tích 315 ha thuộc các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, Vĩnh Lâm.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân áp dụng KHKT vào sản xuất, từ năm 2012 đến nay, có trên 20 đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp được huyện Vĩnh Linh xét chọn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 600 triệu đồng và được ứng dụng thành công, nhân rộng vào thực tế sản xuất. Tiêu biểu như các dự án: ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ tại xã Vĩnh Chấp; nhân rộng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ; ứng dụng công nghệ trồng ném trên lưới xăngtylen tại xã Kim Thạch; nuôi tôm 2 giai đoạn nhằm hạn chế dịch bệnh; nuôi cá nước ngọt-cá lóc đồng thuần chủng...

Việc ứng dụng KHKT đã tăng tính ổn định, giảm dần việc phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn huyện hiện có 17 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP hoặc tương đương; 17 sản phẩm OCOP; 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Cũng nhờ vậy, khi sản phẩm nông sản của Vĩnh Linh đưa ra thị trường rất được người tiêu dùng đón nhận, ưa chuộng.

Để đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tăng cường khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT đạt hiệu quả kinh tế cao, các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

                                                                      Mỹ Hằng

More