Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Đồng hành, hỗ trợ nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, chuyển đổi số được xem là cơ hội  giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như mức thu nhập của người nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Ông Nguyễn Văn Lương- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh khẳng định: “Chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi địa phương và từng lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết.

Vĩnh Giang ra mắt Tổ công nghệ số cộng đồng.

Thực hiện các Đề án, Chương trình về Chuyển đổi số của các cấp ngành, Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các Chi hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, các cấp Hội đã xác định việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân phải bắt đầu ngay từ việc nhỏ nhất như nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử... Song song với đó là  tiến hành lồng ghép nội dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào các phong trào, hoạt động hội.

Mặt khác, Hội Nông dân các cấp cũng đã tích cực vận động các hội viên nông dân là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong toàn huyệnThường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Qua đó đã có trên 90% hội viên nông dân đã được tuyên truyền tiếp cận với chương trình chuyển đổi số, hàng ngàn lượt hội viên được chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tập trung đẩy mạnh  công tác hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số. Theo đó, Hội Nông dân đã phối hợp với Bưu điện huyện khai trương sàn thương mại điện tử PostMart.vn đưa nông sản của bà con nông dân địa phương lên sàn thương mại điện tử; kết quả chỉ trong 6 tháng triển khai đã có trên 4.580  hộ nông dân kết nối với sàn thương mại điện tử này.

Ông Lê Chẩn- Giám đốc HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang cho biết: “Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã góp phần mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng cho sản phẩm Bột đậu xanh Vĩnh Giang của chúng tôi. Để dáp ứng các yêu cầu khi đưa lên sàn thương mại, bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng, chúng tôi còn chú trọng vào việc thiết kế bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm bắt mắt để thu hút được sự chú ý của khách hàng. Cũng nhờ đó, mà sản phẩm tiêu thụ qua sàn thương mại  bước đầu khá ổn định”.

Ngoài sàn thương mại điện tử PostMart.vn, hiện nay nhiều HTX, THT và chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện cũng đã đưa sản phẩm của mình lên các trang mua bán hàng khác như Lazada, Shopee hay các trang mạng xã hội như zalo, facebook.. nhằm đáp ứng những yêu cầu mới và ngày càng đa dạng của khách hàng; cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản.

Bên cạnh việc hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân các cấp cũng đã hỗ trợ tối đa cho các HTX, chủ thể sản xuất xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đến nay,đã có 10 nhãn hiệu tập thể được công nhận gồm ném Vĩnh Linh, đậu xanh Vĩnh Giang, tiêu Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, lạc Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, tinh bột sắn dây Vĩnh Linh, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy, nước mắm Cửa Tùng; 2 nhãn hiệu thông thường là rau thủy canh công nghệ cao Anlame Food và gà đồi Quang Huy.

Ngoài ra, tổ chức Hội Nông dân còn làm cầu nối, liên kết với các ban ngành, đơn vị giúp nông dân tiếp cận với các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay trên địa bàn huyện đã có 20 đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện; trong đó, có khoảng 75- 80% đề tài nghiên cứu ứng dụng thành công được nhân rộng vào thực tế sản xuất như dự án chăn nuôi gà ri lai an toàn sinh học; ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh Nguyễn Văn Lương cho biết: “Có thể thấy rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức, nhưng đây cũng chính là cơ hội rất lớn để người nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, từ đó ra tạo những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vị thế, chất lượng nông sản địa phương trên thị trường. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông dân, tổ chức Hội Nông dân sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và từng bước hiện đại”. 

Phương Nga

More