Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Chuyên đề năm 2023 (P4): Thực trạng xây dựng văn hóa, con người Quảng Trị

Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh tiếp tục đăng tải Chuyên đề năm 2023 với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa, con người Quảng Trị hiện nay. Phần 4 có chủ đề “Thực trạng xây dựng văn hóa, con người Quảng Trị”.

Lễ hội Rằm tháng Giêng thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn.

Khái quát đặc điểm văn hóa, con người Quảng Trị

Trên lãnh thổ Việt Nam, Quảng Trị nằm ở đoạn thắt lại trên chiều dài Bắc - Nam của dải đất hình chữ S, với diện tích tự nhiên 4.737 km2. Phía Đông Quảng Trị giáp biển Đông, có chiều dài bờ biển hơn 75km; phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới 179,2km; phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế và phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình. Với địa hình như vậy, Quảng Trị tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và ngoảnh mặt ra Biển Đông bao la. Địa hình phân bố đa dạng theo không gian và có sự đan xen giữa vùng gò đồi thung lũng, miền nội đồng và cồn cát ven biển. Nhìn toàn cục từ Tây sang Đông tựu trung theo 5 dạng địa hình: núi (đá vôi và đá cứng), đồi (phiến thạch, trung sinh và bazan), đồng bằng châu thổ, cồn cát ven biển, biển và hải đảo. Dân số hiện nay là 638.627 người (ngày 31/12/2020). Quảng Trị có những đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, rừng núi, bãi biển; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú.

Với một phức thể về địa lý, lịch sử, văn hóa và xã hội mang nhiều nét riêng biệt, những bộ phận dân cư thuộc các tộc người Kinh, Bru-Vân Kiều, Tà ôi (Pakô) chung sống hòa bình, cùng nối tiếp nhau vượt qua mọi thử thách, để hình thành nên những cốt cách, phẩm chất riêng của con người Quảng Trị. Đó là kiên cường, bất khuất, dũng cảm trong các cuộc chiến tranh; cần cù, tự lực, tự cường trong sản xuất và xây dựng cuộc sống; tâm hồn trong sáng, bình dị; khí khái, bộc trực, thẳng thắn nhưng rất mực thủy chung son sắt. Ý thức tin tưởng vào ngày mai “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” đã trở thành nền tảng sức mạnh để con người Quảng Trị vượt lên và chiến thắng.

Nước Việt Nam là một đất nước thống nhất. Dân tộc Việt Nam là đại gia đình thống nhất. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cả dân tộc đã gắn kết tất cả các tộc người, hình thành nên những phẩm chất đặc biệt chung cho cả dân tộc Việt Nam, đó là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. “Đây là những phẩm chất cơ bản nhất của con người Việt Nam -“Bảng giá trị tinh thần” của người Việt ”[32, tr 82]. Những phẩm chất này được thể hiện trong tất cả các tộc người trên khắp các vùng miền của đại dân tộc Việt Nam. Hay nói cách khác, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam không có những dị biệt quá khác lạ về phẩm chất, tính cách con người giữa những vùng miền khác nhau. Chính vì vậy về học thuật, chúng ta khẳng định: Những phẩm chất, tính cách con người Việt Nam cũng là những phẩm chất, tính cách của con người Quảng Trị.

Dẫu vậy, do vị trí địa lý, hoàn cảnh tự nhiên, điều kiện sinh tồn cũng như lịch sử hình thành nên Quảng Trị vừa có đầy đủ các yếu tố của cả nước, vừa mang những nét rất riêng biệt của một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất, thiên tai địch họa triền miên, cuộc sống lao động, mưu sinh vô cùng khốn khó; một vùng đất “phên dậu” của quá nhiều cuộc chiến tranh, loạn li, chia cắt, binh đao, thậm chí hủy diệt, cho nên, một số phẩm chất đã nêu ở trên mặc dù là điểm chung của người Việt nhưng ở con người Quảng Trị lại trở thành nổi bật như là một bản sắc rất đặc biệt đó là: (1) Phẩm chất yêu nước (biểu hiện cụ thể là: Yêu quê hương, làng xóm, có tinh thần dũng cảm, quật cường, sẵn sàng xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước). (2) Thương người (biểu hiện cụ thể: Sống có nghĩa, có tình, thủy chung, đôn hậu, sự cộng cảm, trách nhiệm với cộng đồng). (3) Cần cù (biểu hiện cụ thể: Chịu khó, chịu khổ, thật thà, chất phác, bộc trực, ngay thẳng khí khái). (4) Lạc quan (biểu hiện cụ thể: Niềm tin, hy vọng và có tố chất nghệ sĩ). (5) Hiếu học (biểu hiện cụ thể: Khát vọng vươn cao, thông minh, tài trí). (6) Hòa đồng (Biểu hiện cụ thể: Hòa đồng với thế giới bên ngoài, có khát vọng giao hòa, hội nhập và tình đoàn kết quốc tế vô tư trong sáng)- “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” Đề tài Khoa học cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện năm 2020.

Quảng Trị có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng. Du lịch văn hóa lịch sử, được tạo bởi hệ thống di tích chiến tranh thời hiện đại hết sức đồ sộ và độc đáo, trong đó có những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Khe Sanh, đường Hồ Chí Minh huyền thoại… Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều danh lam thắng cảnh như Trằm Trà Lộc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, động Brai, giếng cổ Gio An…, nhiều bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái mang vẻ đẹp rất riêng với cát trắng tinh khôi, bằng phẳng, mịn màng, làn nước trong xanh, ít nơi nào có được. Toàn tỉnh hiện có gần 500 di tích danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 30 điểm di tích thành phần), 21 di tích quốc gia (gồm 30 điểm di tích thành phần) và 476 di tích cấp tỉnh.

Quảng Trị còn là địa phương có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Là nơi chúa Nguyễn Hoàng chọn để chiêu dân lập làng, mở mang bờ cõi của quốc gia Ðại Việt dưới thời phong kiến. Ngoài hệ thống làng xã được thiết lập trước khi Ðoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn nhiệm, thì thời điểm Nguyễn Hoàng chọn vùng đất Ái Tử làm nơi đặt lỵ sở là một thời kỳ mà hệ thống làng xã được thiết lập mới, các thiết chế văn hóa được định hình một cách rõ nét và đây cũng mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Quảng Trị cũng là quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất người cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời - suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong gần sáu mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, phong phú, sôi nổi, trong đó có hai mươi sáu năm giữ cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn là một tấm gương mẫu mực về lòng tận tụy, trung thành, hy sinh, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Đồng chí vừa là một nhà yêu nước lớn vừa là một chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, suốt đời noi gương Bác Hồ chăm lo góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết quốc tế giữa các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Kết quả đạt được

Quán triệt và thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của BCHTW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa (XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 BCHTW khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện những quy tắc ứng xử và phổ biến trong cộng đồng, các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Trị.

Công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước, Mặt trận các đoàn thể được triển khai thực hiện tốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện và giám sát có hiệu quả, kịp thời các chủ trương, kế hoạch, các văn bản phát triển ngành Văn hóa, kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra nhiều biện pháp tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ các dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước và địa phương.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó chú trọng việc giảng dạy và học tập đạo đức, giáo dục công dân trong trường học. Coi trọng giáo dục đạo đức công dân, giáo dục truyền thống lịch sử trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống tương thân tương ái, hoạt động nhân đạo, tương trợ lẫn nhau, xây dựng tình làng nghĩa xóm, chăm lo đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ, giúp đỡ người trong khó khăn hoạn nạn, thiên tai, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” có kết quả rõ rệt. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực.

Các hoạt động văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của đồng bào các dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh biên giới, lãnh thổ. Các lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân.

Những khó khăn, hạn chế

Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa, con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra. Cấp ủy ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, nhất là ở các đơn vị kinh tế. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ; chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người.

Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa, con người chưa thường xuyên, liên tục, có chiều sâu; nhận thức về đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người có lúc, có nơi chưa đầy đủ. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, chính sách ở nhiều nơi còn mang tính hình thức.

Môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục con người chưa thường xuyên, chặt chẽ. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng dẫn đến tính cộng đồng làng xã suy giảm, quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi. Sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin giả, sai sự thật gây nghi ngờ nội bộ, kích động thù hận, bạo lực trên Internet, mạng xã hội chưa được xử lý nghiêm, ngăn chặn chưa hiệu quả.

Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Thành tựu trên lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người chưa tương xứng với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Lồng ghép, gắn kết giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

* Chuyên đề năm 2023 (P1): Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về văn hóa

* Chuyên đề năm 2023 (P2): Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới

* Chuyên đề năm 2023 (P3): Quan điểm của Đảng ta về xây dựng văn hóa, con người trong giai đoạn hiện nay

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

More