Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả do gió mạnh, mưa lớn gây ra

Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vào chiều tối các ngày 21 và 22/4/2023 đã xảy ra giông, lốc, gió mạnh, mưa lớn. Thời điểm thiên tai diễn ra khi các loại cây trồng vụ sản xuất Đông Xuân đang chuẩn bị thu hoạch, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện.

Lúa bị đổ ngã ở xã Vĩnh Long.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với các hình thế thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện yêu cầu địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về các hình thế thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra trong những ngày tới, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Vĩnh Linh chủ động vận hành các công trình tiêu thoát nước theo đúng quy trình nhằm đảm bảo an toàn tiêu thoát nước kịp thời, không để ruộng ngập nước trong thời gian dài.

UBND các xã thị trấn tổ chức đánh giá, kiểm kê và tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại; đề xuất phương án khắc phục nhằm sớm ổn định đời sống, đảm bảo sinh kế cho người dân bị thiệt hại; đồng thời chủ động triển khai ứng phó có hiệu quả với các diễn biến thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra.

Đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã và người dân kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục, chăm sóc lúa vụ Đông Xuân bị đổ ngã. Cụ thể, kịp thời tháo cạn nước trên ruộng lúa, nhất là các diện tích lúa bị đổ rạp, sau đó căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để điều tiết nước trên ruộng cho hợp lý, nhưng phải tháo khô nước trước khi thu hoạch 7- 10 ngày để mặt ruộng khô ráo, giúp chặt đất, hạn chế lúa đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch.

Đối với các diện tích lúa bị đổ ngã đã chín trên 85% cần tranh thủ thu hoạch kịp thời; với diện tích lúa đang ở giai đoạn vào chắc cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3- 5 gốc lúa lại với nhau bằng dây ni lông, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín; với diện tích lúa đang ở giai đoạn ngậm sữa, cần dựng lúa, sau đó phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây nhanh chống phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa vào chắc- chín, lưu ý phun vào chiều mát, khi trời không mưa. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại cuối vụ.

BBT

Bài viết liên quan