Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng - văn hóa ở Vĩnh Linh

Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết số 23). Nhận thức rõ vai trò đặc biệt của văn học - nghệ thuật (VHNT) trong đời sống xã hội, 15 năm qua, huyện Vĩnh Linh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai nghị quyết. Từ đó hoạt động VHNT luôn bảo đảm đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ thiết thực, hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ở Vĩnh Linh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh đã kịp thời ban hành kế hoạch số 46-KH/HU ngày 11/5/2009 chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 23, đưa nội dung công tác xây dựng và phát triển VHNT vào chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác hằng năm. Tập trung tổ chức hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết cho 190 cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở; đồng thời tuyên truyền nội dung của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tổng số 55 lớp với hơn 6.250 cán bộ, đảng viên tham gia, đạt tỉ lệ 96%.

Mặt khác, tuyên truyền qua nhiều hình thức, mở thêm chuyên mục trên hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử cơ sở... Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật và bộ phận phóng viên báo, đài, văn nghệ sĩ trên địa bàn, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển VHNT, định hướng Nhân dân đấu tranh phê phán những loại văn hóa phẩm đồi trụy, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Vĩnh Linh tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, phát triển VHNT theo hướng VHNT góp phần làm tốt công tác văn hóa, tư tưởng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm đến việc quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; củng cố, kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên môn và xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, đào tạo nguồn nhân lực làm cơ sở cho sự nghiệp phát triển VHNT.

Hằng năm, huyện cử cán bộ lãnh đạo, cán bộ thuộc diện quy hoạch, công chức văn hóa tham dự nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực văn hóa - thể thao, trình độ lý luận chính trị; tập huấn văn hoá, văn nghệ, trại sáng tác do cấp trên tổ chức.

Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh có gần 40 cán bộ, công chức, viên chức quản lý, hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa. Tổng số văn nghệ sĩ trên địa bàn huyện gồm 20 người. Phát huy vai trò trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, lực lượng văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp, sáng tạo những tác phẩm, công trình có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, bồi dưỡng tâm hồn con người, ý thức xây dựng quê hương, đất nước.

Huyện Vĩnh Linh còn chú trọng công tác sưu tầm, phục dựng lễ hội, bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống. Nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ra đời như: Câu lạc bộ dân ca Sông Hiền, Câu lạc bộ chuyện trạng Vĩnh Hoàng, Câu lạc bộ dân ca Bài chòi Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa… góp phần đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, lưu trữ, sáng tác, tập luyện, tổ chức giao lưu, biểu diễn, khơi dậy niềm tự hào, ý thức gìn giữ những loại hình nghệ thuật truyền thống, nét đẹp văn hoá tại địa phương.

Ngoài ra, phong trào văn hoá, nghệ thuật quần chúng được tổ chức dưới dạng hội thi, chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, cụm văn hoá, câu lạc bộ, đội văn nghệ đã cổ vũ, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, thành lập nên 149 đội, câu lạc bộ đa dạng về loại hình.

Đến nay, huyện Vĩnh Linh có 1 nhà thi đấu và luyện tập thể dục, thể thao; 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa đa năng; 148/149 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được khai thác, phát huy tác dụng trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng, đưa văn hóa thông tin về cơ sở, tạo môi trường để đông đảo quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa… Thư viện huyện và hệ thống tủ sách cộng đồng trên toàn địa bàn đã đi vào hoạt động nền nếp, đáp ứng nhu cầu đọc sách, báo, tạp chí, nghiên cứu, học tập, trang bị kiến thức của cán bộ và Nhân dân.

Thời gian tới để triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 23, huyện Vĩnh Linh đề xuất cấp trên chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan. Đồng thời quan tâm bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận trong hoạt động VHNT cũng như công tác bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Về phía huyện, Vĩnh Linh xác định cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 gắn với các kế hoạch, chương trình cụ thể. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo cơ quan văn hoá, văn nghệ.

Hỗ trợ về cơ sở vật chất, tăng kinh phí đối với hoạt động VHNT; tạo điều kiện thành lập mới câu lạc bộ liên quan đến VHNT, củng cố, đổi mới chất lượng, mở rộng hình thức tập hợp hội viên. Có chính sách thu hút, đãi ngộ văn nghệ sĩ đóng góp tích cực cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của huyện; đầu tư phát triển VHNT chuyên nghiệp lẫn hoạt động phong trào VHNT không chuyên. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện…

Nguyễn Trang

More