Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Vĩnh Linh chú trọng khai thác thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở
- 12-06-2023
- 1614 lượt xem
Thời gian qua, việc thực hiện thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được huyện Vĩnh Linh gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó hướng tới mục tiêu giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình cũng như toàn xã hội.
Trong quá trình triển khai, Vĩnh Linh chú trọng công tác xã hội hoá, huy động tối đa nguồn lực đầu tư, xây dựng và nâng cấp thiết chế văn hoá, thể thao từ huyện xuống cơ sở. Phần lớn thôn, bản, khóm phố đã được công nhận là đơn vị văn hoá, đều có hệ thống áp phích, bảng tường cổ động, có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền luyện tập và thi đấu phục vụ nhân dân trong dịp lễ, tết.
Tính đến nay, toàn huyện có 220 nhà văn hóa thôn, trong đó 148 nhà văn hóa đạt chuẩn; 98 cổng chào thôn; 350 sân bóng đá, bóng chuyền. Đặc biệt, quỹ đất sử dụng đối với các thiết chế văn hoá, thể thao được quy hoạch khá đồng bộ. Ở xã, thị trấn, đất sử dụng cho quy hoạch và xây dựng các thiết chế, công trình văn hoá là 30,65 ha, diện tích quy hoạch 48,34ha, đất đang sử dụng cho thể thao 63,8ha. Còn ở huyện, đất đang sử dụng đối với các thiết chế văn hoá, thể thao 4,8ha, đất quy hoạch 6,4ha.
Vĩnh Linh là huyện có bề dày về lịch sử văn hóa truyền thống, ngoài di sản văn hóa vật thể thì những nét văn hóa truyền thống phi vật thể cũng rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê đã đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh Quảng Trị thì Vĩnh Linh có 45 di sản văn hóa. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa, UBND huyện Vĩnh Linh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một cách bài bản, trọng tâm là thành lập các CLB văn nghệ Dân gian.
Các địa phương thường xuyên tổ chức nhiều lễ hội, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Tiêu biểu có: Lễ hội đua thuyền truyền thống (thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang); Lễ hội Cầu ngư Rằm tháng Năm (thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch); Hội đua thuyền thị trấn Cửa Tùng; Lễ hội Rằm tháng Giêng (thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn); Lễ Giỗ Bà Vương Phi họ Lê (xã Vĩnh Long); Chợ phiên, Lễ hội Cồng Chiêng (xã Vĩnh Ô)…
Cùng với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, một số làng nghề truyền thống, sản phẩm văn hóa ẩm thực cũng được quan tâm khôi phục và phát triển thành thương hiệu của từng địa phương, gồm: Bánh đúc rau câu, Canh rau mứt của thị trấn Cửa Tùng và xã Kim Thạch; Nghề làm nước mắm, Nghề làm ruốc tại thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Thái; Ẩm thực gỏi Nuốt hoa Bần ở xã Vĩnh Long, gỏi Tép nhảy ở xã Vĩnh Tú.
Tuy nhiên, do tác động của rất nhiều yếu tố khách quan, không ít nét văn hoá phi vật thể truyền thống của huyện Vĩnh Linh dần mai một. Có thể kể đến như: Nghề ép dầu sở Đông Trường (xã Vĩnh Tú); Sự tích Hạ Cờ - Chấp Lễ (xã Vĩnh Chấp); Lễ cầu ngư, Tục hát sắc bùa thôn Thái Lai, Hội xuân thôn Thử Luật (xã Vĩnh Thái); Nghề đan lát, làm hương thôn Thủy Trung (xã Trung Nam); Hội đu thôn Hương Nam (xã Kim Thạch); Nghề chằm nón, đan lát thôn An Du Nam (thị trấn Cửa Tùng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Vĩnh Linh gặp phải một số khó khăn nhất định từ quá trình thực hiện các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Hoạt động đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đúng mức, chất lượng và tuổi thọ ngắn dẫn đến nhanh xuống cấp, kinh phí sửa chữa, nâng cấp lại hạn hẹp. Nguồn nhân lực cấp xã, thôn, khóm chưa đạt chuẩn về trình độ, chủ yếu kiêm nhiệm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và chất lượng hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Trong đời sống xã hội hiện đại, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đã không còn phù hợp, trong khi đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là chỉ có thể tồn tại khi được cộng đồng thực hành, gìn giữ.
Do vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc xây dựng, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, huyện Vĩnh Linh rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo cũng như hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, đơn vị chức năng cấp trên. Trong đó cần kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý thiết chế văn hóa nhằm vận hành, khai thác triệt để các thiết chế văn hóa. Tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa đặc trưng của địa phương thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá. Xây dựng chương trình phối hợp giữa Sở VH,TT&DL với Tỉnh đoàn Quảng Trị, Sở GD&ĐT đẩy mạnh công tác truyên truyền, hình thành các CLB Di sản văn hóa Phi vật thể để sinh hoạt trong đoàn viên, thanh niên và trong trường học…
Nguyên Đồng
- Huyện đoàn Vĩnh Linh: Triển khai mô hình “Trang bị kiến thức tin học cho trẻ em vùng cao” (09/06/2023)
- Bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật Bài chòi (07/06/2023)
- Vĩnh Linh: Tổng kết và trao giải cuộc thi Tin học trẻ và Sáng tạo trẻ năm 2023 (05/06/2023)
- Vĩnh Linh: Hơn 1.200 học sinh bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023- 2024 (02/06/2023)
- Trao thưởng cho 94 tác phẩm tại Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam huyện Vĩnh Linh lần thứ XV năm 2023 (01/06/2023)
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 (01/06/2023)
- Vĩnh Linh: Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 (31/05/2023)
- Vĩnh Linh hoàn thành xét tốt nghiệp THCS năm học 2022- 2023 (25/05/2023)
- Có một ngôi trường bên chân sóng (23/05/2023)
- Tuyên dương 230 học sinh xuất sắc năm học 2022- 2023 (19/05/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh - Điện thoại: (0233).3820491; Fax: (0233).3820787
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ