Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Xóa đói giảm nghèo các xã miền núi huyện Vĩnh Linh, nhìn từ một đề án. Bài 1: Chủ trương “đi tắt đón đầu”

Trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 26/NQ/TW của BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2012, huyện Vĩnh Linh đã ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê giai đoạn 2012-2015. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị ban hành đề án xóa đói, giảm nghèo nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cho các xã miền núi trên địa bàn. 

Bám bản để hỗ trợ dân

Thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết toàn khóa của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, ngày 5/7/2012, UBND huyện Vĩnh Linh ban hành Quyết định số 1695 phê duyệt đề án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững cho 11 bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê giai đoạn 2012-2015 (Đề án 1695).

Mục tiêu đặt ra của Đề án 1695 là bước đầu thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; phấn đấu đến năm 2020, vùng dự án đạt các tiêu chí về xây dựng NTM. Để thực hiện đề án, huyện Vĩnh Linh đã phân công các phòng, ban về cơ sở nắm thực tế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, 1 bản giao cho 5, 6 đơn vị phụ trách; thành lập 11 nhóm giảm nghèo hỗ trợ cho 11 thôn. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 11 bản nghèo thuộc 3 xã: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà trong giai đoạn 2012-2015 trên 29 tỉ đồng. Đối tượng được chọn hỗ trợ trong giai đoạn này là ưu tiên cho các hộ nghèo.

Cầu vượt lũ sông Bến Hải nối xã Vĩnh Ô với Vĩnh Hà đang được xây dựng - Ảnh: H.N

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được giao nhiệm vụ phối hợp với các ngành tiến hành khảo sát lập thuyết minh chi tiết đề án, tổ chức hội thảo lấy ý kiến bổ sung, chỉnh sửa, trình UBND huyện. UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt đề án, giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên huyện Vĩnh Linh đã huy động mọi nguồn lực thực hiện đề án. Thời điểm triển khai Đề án 1695, tỉ lệ hộ nghèo của 3 xã miền núi rất cao, riêng xã Vĩnh Ô (địa phương có 100% người dân tộc Vân Kiều sinh sống), tỉ lệ hộ nghèo lên đến 83,6%. 

Là một trong những người tham gia khảo sát, hỗ trợ dân bản phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững giai đoạn đầu triển khai đề án, ông Diệp Hồng Cương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nhớ lại: Với tỉ lệ hộ nghèo ở các xã đều trên 50% nên cuộc sống của người dân rất nghèo khó, nhất là vào kỳ giáp hạt. Lấy ví dụ ở xã Vĩnh Ô, do giao thông cách trở, mỗi chuyến khảo sát chúng tôi vừa phải đi bộ, vừa đi nhờ xe ba cầu mới vào được trung tâm xã. Diện tích đất tự nhiên của Vĩnh Ô hơn 8,5 ngàn ha thì hầu hết là diện tích rừng tự nhiên. Diện tích lúa nước, lúa rẫy đã ít, năng suất lại rất thấp. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT - XH còn rất hạn chế. 

Trong bộn bề khó khăn đó, chúng tôi phải bám bản để nắm bắt nhu cầu thiết thực nhất của người dân, từ đó mới có đề xuất kế hoạch hỗ trợ phù hợp, làm sao để chủ trương của huyện khi triển khai trên thực tiễn đạt được hiệu quả nhất định. Phương châm đặt ra trong giai đoạn này là bám bản, bám xã để nắm bắt thực tiễn và kịp thời hỗ trợ người dân. 

Cán bộ đi thì... "cây chết, con chết" 

Kết thúc giai đoạn 1, nhiều hoạt động giảm nghèo ở 11 bản thuộc 3 xã trong vùng đề án có chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân tính theo đầu người năm 2015 so với năm 2012 tăng. Theo đó xã Vĩnh Ô tăng 2,25 lần; Vĩnh Hà tăng 1,6 lần và Vĩnh Khê tăng 2,1 lần. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ năm 2012 đến 2015 ở Vĩnh Ô là 5,8%/năm; Vĩnh Hà 5,7%/ năm; Vĩnh Khê 4,77%/ năm. Mặc dù có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá chung, giai đoạn đầu thực hiện Đề án 1695 ở Vĩnh Linh, nhiều mục tiêu đề ra không đạt được kết quả. 

Tỉ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi ở các xã miền núi huyện Vĩnh Linh ngày càng tăng - Ảnh: H.N

Trước hết, đối với các nhóm được phân công hỗ trợ 11 bản nghèo, chỉ một số nhóm hoạt động hiệu quả, tạo được sự thay đổi, chuyển biến trong nhận thức của người dân. Còn lại nhiều nhóm hỗ trợ đều hoạt động nhỏ lẻ và mờ nhạt; hình thức hỗ trợ thiếu bền vững; chưa có sự kết nối với ban chỉ đạo giảm nghèo xã; chưa lấy nhu cầu của người dân làm yếu tố để hỗ trợ. Vì chưa đánh giá đúng nhu cầu, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thiếu kiểm tra nên hiệu quả hỗ trợ chưa cao. 

Giữa đơn vị đỡ đầu và thôn, bản nhận nguồn hỗ trợ còn thiếu sự cam kết, ràng buộc. Về phía người dân, do tập quán chăn nuôi, canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ nên sự chuyển đổi về tư tưởng, nhận thức trong phát triển kinh tế rất chậm. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước của người dân còn cao. Thực tế triển khai đề án cho thấy, mặc dù được hỗ trợ cây, con giống - chìa khóa giúp người dân thoát nghèo - nhưng hễ cán bộ về là bà con lại bỏ mặc không chăm sóc, dẫn đến đa phần cây, con giống đều bị chết hoặc không phát triển. 

Đánh giá về việc triển khai đề án giai đoạn 1 ở địa phương mình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà Nguyễn Văn Thao cho biết: “Hầu như các mô hình hỗ trợ nuôi lợn, gà ở xã đều thất bại. Do đời sống khó khăn, lại quen với tư duy cũ nên người dân một là bỏ mặc không chăm sóc, hai là giết thịt ăn. Chỉ có mô hình nuôi bò tương đối thích hợp với địa bàn nên xã đã đề xuất để tiếp tục nhân rộng giai đoạn tiếp theo”. 

Ngoài ra, do nguồn lực đầu tư từ các chương trình dự án còn nhiều hạn chế; ngân sách huyện gặp khó khăn, chủ yếu huy động từ sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị và các địa phương nên việc bố trí kinh phí hỗ trợ cho các nhóm thực hiện đề án gặp khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giảm nghèo ở địa phương, cấp ủy, chính quyền và mặt trận các cấp chưa quyết liệt, việc lồng ghép các chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM chưa thật sự gắn kết. 

Ông Diệp Hồng Cương cho biết: Giai đoạn này, các mô hình cây ăn quả được hỗ trợ cho các bản nghèo như bơ, thanh long, chuối không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng nên không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, riêng với mô hình giống keo lai giâm hom được đánh giá là phù hợp, nhân rộng trong giai đoạn tiếp. Ngoài dự án “Bảo vệ phát triển rừng bền vững”, các nhóm đã hỗ trợ 182.000 cây giống keo lai giâm hom để trồng với diện tích 90 ha. 

Hai đề án, một mục tiêu 

Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu của Đề án 1695, huyện Vĩnh Linh quyết định bổ sung và kéo dài thời gian triển khai đề án giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn. Ngày 28/12/2016, HĐND huyện Vĩnh Linh đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-HĐND về phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở các xã: Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn này, 88 hộ dân được chọn tham gia xây dựng mô hình phát triển kinh tế; nguồn vốn đầu tư. 

 

“Việc triển khai thực hiện các đề án phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững cho 3 xã miền núi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài của huyện Vĩnh Linh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng NTM. Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần mà còn là trách nhiệm chính trị, là tình cảm của toàn xã hội với các hộ nghèo nói chung và đồng bào dân tộc 3 xã miền núi của huyện nói riêng. 

Các giải pháp được đưa ra trong đề án đều dựa trên cơ sở thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 13/4/2012 về việc giảm nghèo bền vững đối với các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tỉ lệ hộ nghèo cao”. 

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, huyện Vĩnh Linh có một số điều chỉnh về mặt chủ trương cũng như cách thức thực hiện. Cụ thể, huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1695 do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; thành lập Ban Quản lý giảm nghèo (giai đoạn trước không có) do Phòng Nông nghiệp và PTNT làm cơ quan thường trực. Hình thức hoạt động của các nhóm hỗ trợ cũng được thay đổi, theo đó các nhóm phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nắm nhu cầu hỗ trợ của người dân để lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp; đề xuất mô hình hỗ trợ lên ban quản lý giảm nghèo (thực hiện 1-2 mô hình/bản/năm), ưu tiên các mô hình có khả năng nhân rộng và thu hồi lại một phần vốn để tái đầu tư hỗ trợ việc xóa nghèo cho các hộ khác hoặc giao lại cho chính quyền địa phương quản lý khi kết thúc đề án. Các cây, con giống được đưa vào hỗ trợ giai đoạn 1 không phát huy hiệu quả sẽ không được đưa vào hỗ trợ ở giai đoạn 2. 

“Một trong những điểm nhấn của giai đoạn này là tổ chức ký cam kết thực hiện trách nhiệm giữa nhóm hỗ trợ và hộ nhận hỗ trợ có sự chứng kiến của chính quyền, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cam kết việc thực hiện hỗ trợ và đề cao trách nhiệm của trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận. Giai đoạn này, hưởng ứng lời kêu gọi về việc ủng hộ thực hiện đề án của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đã có hơn 119 đơn vị và các xã đồng bằng trên toàn huyện đóng góp ủng hộ với số tiền trên 800 triệu đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)”, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho biết. 

Giai đoạn 2021-2025, huyện Vĩnh Linh ban hành Đề án số 2050/ĐA-UBND (ngày 12/11/2021) về phát triển KT-XH hội để đạt chuẩn NTM 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Đề án đã đặt ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu năm 2021 xã Vĩnh Hà đạt chuẩn NTM, năm 2022 - 2023 xã Vĩnh Khê và năm 2024 xã Vĩnh Ô đạt chuẩn NTM. Chủ trương và cách thức triển khai đề án giai đoạn này tiếp tục có sự điều chỉnh so với trước. 

Với phương châm xây dựng nhiều bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn, huyện không hạn chế về mức đầu tư (rút kinh nghiệm ở các giai đoạn trước chỉ chọn những hộ gia đình chính sách, hộ quá nghèo dẫn đến thất bại, nay hộ nào có nhu cầu, điều kiện và quyết tâm thoát nghèo thì được chọn để hỗ trợ). Giai đoạn này chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị như cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), tiểu gia súc (lợn rừng, lợn bản, dê) theo mô hình trang trại, gia trại ở những địa bàn phù hợp. Mỗi năm huyện hỗ trợ xây dựng tối thiểu 3 mô hình sản xuất (100 triệu đồng/mô hình/một xã) cho các hộ đồng bào DTTS để làm điểm học tập và nhân rộng, hỗ trợ 34 hộ nghèo người DTTS thực hiện mô hình phát triển sản xuất (bình quân 50 triệu đồng/mô hình). 

Bài 2: “Quả ngọt” từ đề án

Phan Hoài Hương - Lâm Thanh (Nguồn: http://www.baoquangtri.vn/Chinh-tri/modid/415/ItemID/170977?title=------Xoa-doi-giam-ngheo-cac-xa-mien-nui-huyen-Vinh-Linh-nhin-tu-mot-de-an-Bai-1-Chu-truong-%E2%80%9Cdi-tat-don-dau%E2%80%9D)                                                                                                                                                                                                                                                                                               

Bài viết liên quan