Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Những địa chỉ của tình thương

“Lan tỏa tình thương yêu giữa con người với con người nhằm xây dựng cộng đồng nhân ái là mục tiêu, phương châm hành động của các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Vĩnh Linh trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, từ khi cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được phát động, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi, thu hút cả cộng đồng cùng làm nhân đạo càng khiến cho tinh thần gắn kết, sẻ chia được nhân lên, thắp sáng ngọn lửa yêu thương để giúp đỡ những phận đời bất hạnh”, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Vĩnh Linh, Trần Quốc Toản cho biết.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ

Cùng với cán bộ Hội CTĐ huyện Vĩnh Linh, chúng tôi đến thăm bà Bạch Thị Đăng, năm nay hơn 70 tuổi ở thôn Trường Kỳ, xã Vĩnh Tú. Trong gian nhà nhỏ cũ kỹ, không có nhiều vật dụng, bà Đăng không khỏi xúc động khi kể về những bất hạnh trong cuộc đời của mình. Bà nói, từ lúc sinh ra bà đã bị tật nguyền cả 2 chân. Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ lại hết sức khó khăn. Thời buổi chiến tranh, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Và rồi dưới những làn mưa bom, bão đạn của quân thù, cha mẹ bà mất sớm. Nhớ mẹ, cha, bà Đăng khóc thương đến mờ dần hai mắt.

Cảm thông với số phận của bà Đăng, chính quyền địa phương, cũng như bà con lối xóm, các nhà hảo tâm đã dành cho bà những tình thương, sự sẻ chia đặc biệt, giúp bà vượt qua được nghịch cảnh. Đặc biệt, từ khi Trung ương Hội CTĐ Việt Nam triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địac chỉ nhân đạo”, Hội CTĐ xã Vĩnh Tú đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ đỡ đầu cho bà mỗi tháng 200 ngàn đồng, để bà có thêm điều kiện chăm sóc bản thân. Xúc động chia sẻ với chúng tôi, bà Đăng nói lời cảm ơn tới chính quyền địa phương, bà con lối xóm, các nhà hảo tâm đã luôn đùm bọc, yêu thương bà như chính người thân ruột thịt. Những tình cảm đó, như ngọn lửa hồng sưởi ấm tinh thần để bà yên tâm, vươn lên sống tốt giữa đời.

Đem theo cảm xúc của bà Đăng, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình anh Trần Bá Chung, chị Nguyễn Thị Dị ở thôn Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp. Đây cũng là một trong số hàng trăm địa chỉ nhân đạo được nhận đỡ đầu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Gia đình anh Chung, chị Dị thuộc hộ diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ lúc sinh ra, anh chị đã mang trong mình căn bệnh khuyết tật tâm thần, đôi lúc không thể kiểm soát được hành vi của mình. Thế rồi như định mệnh số phận, anh chị nên duyên chồng vợ và được gia đình hai bên cất cho một ngôi nhà nhỏ để sinh sống. Vì bệnh tật, đau ốm triền miên, anh chị không sinh con mà chỉ nương tựa, chăm sóc nhau, cùng nhau đi qua những hạnh phúc và cả vất vả, khó khăn của năm dài, tháng rộng. Để san sẻ yêu thương với gia đình anh chị, Hội CTĐ xã Vĩnh Chấp đã đã giới thiệu hoàn cảnh của anh chị tới các tổ chức, nhà hảo tâm. Và ngay sau đó, anh chị đã được cơ quan Bưu điện huyện Vĩnh Linh và Hội CTD huyện nhận bảo trợ với mức 200 ngàn đồng/tháng trong thời gian 5 năm.

Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động, Hội CTĐ huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa của cuộc vận động, kêu gọi, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia. Qua đó đã kịp thời trợ giúp cho các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh; động viên họ xóa đi mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động đã kêu gọi được nhiều tổ chức cá nhân cùng chung tay xây dựng cộng đồng nhân ái; góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Từ cuộc vận động, hướng tới xây dựng cộng đồng nhân ái

Với thông điệp "Vì mọi người ở mọi nơi", những năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp ở huyện Vĩnh Linh đã làm tốt vai trò là cầu nối những tấm lòng nhân ái đến với những hoàn cảnh dễ bị tổn thương trên địa bàn. Đối với việc thực hiện cuộc vận động này, trên cơ sở tiêu chí “địa chỉ nhân đạo”, các cấp hội CTĐ trên địa bàn huyện đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp, bao gồm: hộ nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn, người đơn thân, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, để giới thiệu các “địa chỉ nhân đạo” với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội. Cách làm này đã tác động trực tiếp đến người xem, khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi người. Từ đó, tạo cơ sở gắn kết bền vững giữa các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân với những địa chỉ nhân đạo.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 580 địa chỉ nhân đạo được nhận trợ giúp với mức từ 200 đến 300 ngàn đồng/tháng và thời gian kéo dài từ 3 đến 5 năm/địa chỉ. Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của cuộc vận động này, Hội CTĐ huyện Vĩnh Linh đặt ra mục tiêu, trong thời gian tới, mỗi năm sẽ xây dựng được trên 150 địa chỉ nhân đạo mới.

Chủ tịch Hội CTĐ huyện Vĩnh Linh, Trần Quốc Toản chia sẻ thêm: “Hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Họ có thể là người khuyết tật, người già neo đơn, hay hoàn cảnh kinh tế vẫn còn nhiều vất vả. Những người làm công tác nhân đạo như chúng tôi hết sức trăn trở, luôn mong muốn bằng cách nào đó để mọi người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương, người yếu thế đều nhận được sự trợ giúp từ Hội. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp Hội CTĐ huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc vận động này không chỉ là sự đóng góp về mặt tinh thần để người nghèo bớt khổ. Mà còn là sự đóng góp về mặt đạo đức để cùng nhân lên tình thương, lòng nhân ái trong cộng đồng, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhân văn”.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan