Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

Nhằm không ngừng nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nông dân cũng như hội viên nông dân, thời gian qua, cùng với rất nhiều giải pháp khác nhau, huyện Vĩnh Linh tập trung thực hiện hiệu quả Quyết định 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Để triển khai Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Vĩnh Linh thành lập Ban Chỉ đạo 81 gồm các thành viên: UBND, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp, Thanh tra, Văn hóa- Thông tin. Và hiện nay toàn huyện có 18/18 Ban Chỉ đạo 81 xã, thị trấn hoạt động thường xuyên, nền nếp. Là cơ quan Thường trực BCĐ 81 huyện, Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh chỉ đạo cơ sở hội chủ động phối hợp với câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tỉnh, huyện trợ giúp pháp lý cho gần 1.600 hội viên, tuyên truyền pháp luật cho 5.200 lượt hội viên với 76 buổi.

Nội dung tuyên truyền chủ yếu về phổ biến Luật tiếp công dân, Luật Khiếu nại, tố cáo, Bộ Luật lao động, Luật Hợp tác xã, Luật ATGT, Luật đất đai, Luật hòa giải cơ sở, Luật BHYT, BHXH. Phối hợp và duy trì tốt 16 câu lạc bộ nông dân với pháp luật cùng gần 450 thành viên tham gia. Ngoài ra xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cơ sở quán triệt quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị.

Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân đảm bảo đúng quy trình và theo quy định của Pháp luật. Nhờ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải nên những vụ việc khiếu nại, tố cáo của hội viên nông dân được giải quyết dứt điểm ngay tại địa phương, hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài.

Riêng trong năm 2023, Hội Nông dân 18 xã, thị trấn phối hợp hòa giải thành 38/38 vụ. Hầu hết cán bộ Hội ở cơ sở đều được tham gia vào Ban giám sát đầu tư cộng đồng, đặc biệt là công trình nông thôn mới do Nhân dân đóng góp. Từ đó góp phần tạo sự công khai minh bạch trong các nguồn vốn huy động, đóng góp, sử dụng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện, Phòng Tư pháp đã tổ chức được 18 cuộc tuyên truyền với 1.400 lượt người tham dự, cấp phát 1.164 cuốn tài liệu phổ biến pháp luật. Mở 2 lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải cho 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Thủy; 6 cuộc phổ biến Luật thực hiện dân chủ cơ sở và Luật tín ngưỡng tôn giáo cho 287  hộ gia đình ở xã Vĩnh Khê. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã có 108 người, trong đó tuyên truyền viên là cán bộ Hội Nông dân 15 người. Củng cố 149 tổ hòa giải với 1.081 hòa giải viên, riêng hòa giải viên là cán bộ Hội Nông dân 155 người. Tiến hành hòa giải 115 vụ việc, trong đó hòa giải thành 90 vụ, từng bước chấm dứt các mưu thuẫn ở địa bàn, khu dân cư, xây dựng được mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, hạn chế các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vượt cấp, ổn định tình hình an ninh trật tự ở thôn, bản, khu phố.

Thanh tra huyện thực hiện đầy đủ việc tham gia tiếp công dân thường xuyên định kỳ hàng tháng với Chủ tịch UBND huyện. Toàn huyện đã tiếp 447 người/253 lượt/249 vụ. So với năm trước số lượng công dân đến kiến nghị, phản ánh tại UBND huyện giảm 59,3%; tại UBND các xã, thị trấn giảm 29,3%. Nội dung công dân kiến nghị, phản ánh chủ yếu trên lĩnh vực đất đai, chính sách và một số nội dung khác liên quan đến quyền và lợi ích của công dân. Chủ tịch UBND huyện đã trả lời trực tiếp và có văn bản trả lời kịp thời cho công dân được rõ. Phòng Tài nguyên & Môi trường tham mưu giải quyết thấu tình đạt lý các đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, như: phản ánh, kiến nghị của công dân về tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Sa Lung; xử lý môi trường tại Công ty TNHH Đức Hiền và Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ.

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chỉ đạo và duy trì hoạt động 14/15 điểm bưu điện văn hóa. Công tác tuyên truyền bằng cổ động trực quan được phủ rộng, như: Lắp đặt 50 cụm pa nô, áp phích tại trung tâm huyện; các xã, thị trấn có trên 200 cụm pa nô, áp phích với các nội dung tuyên truyền về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Năm 2023, số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa 25.977/26.368 hộ, đạt tỷ lệ 99%. Số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 25.015 hộ, đạt tỷ lệ 96% tổng số hộ gia đình đăng ký. Toàn huyện có 149/149 làng, bản, khóm phố đăng ký xây xựng đời sống văn hóa, có 143 thôn, bản, khóm phố đạt danh hiệu văn hóa; có 15/15 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, trong đó có 13 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 100% thôn, bản, khóm phố có nhà văn hóa gắn với Trung tâm học tập cộng đồng.

Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Quyết định 81/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân; thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội và quy định tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Sớm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét giải quyết. Đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên làm công tác hòa giải ở thôn, bản, khóm phố. Hỗ trợ cho các xã, thị trấn xây dựng tủ sách pháp luật…

Nguyên Đồng

Bài viết liên quan