Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Mất cân bằng giới tính khi sinh: Vấn đề cần được quan tâm giải quyết

Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay đang trở thành một trong những vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và là một vấn đề nan giải đối với công tác Dân số và phát triển ở nước ta. Thông thường, để đảm bảo sự cân bằng giới tính thì tỉ số giới tính khi sinh (SRB) cho phép giao động từ 103- 107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Căn cứ theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2022, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái, thực tế này cho thấy sự mất cân bằng giới tính khi sinh thời gian qua vẫn chưa được khắc phục.

Nguyên nhân của tình trạng cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) vẫn ở mức cao được xác định là do: sự ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo trong phong tục thờ cúng tổ tiên, việc mong muốn có con trai để nói dõi tông đường; tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây được cho là nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất dẫn đến tình trạng MCBGTKS. Mặt khác, sự phát triển nền kinh tế nói chung và sự tiên tiến, hiện đại về khoa học, công nghệ, kỷ thuật nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực y học như công nghệ, kỹ thuật chẩn đoán giới tính... đã tạo cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách dễ dàng hơn, chủ động lựa chọn giới tính khi sinh đã làm tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.

Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh và lan rộng sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Tác động chính của hiện tượng MCBGTKS sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân, cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới; MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Thừa nam, thiếu nữ là nguyên nhân gây áp lực đối với việc kết hôn của nhóm dân số khi đến tuổi trưởng thành và làm tăng tệ nạn xã hội và các vấn đề nảy sinh tiêu cực như: tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, bạo hành giới… đó cũng là nguy cơ mà phụ nữ và các em gái hiện nay đang phải đối mặt. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.

Chính vì vậy, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại Hội nghị lần thứ 6, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, “Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Đối với huyện Vĩnh Linh, hiện nay tỉ số giới tính khi sinh năm 2022 có 113 bé trai/100 bé gái; năm 2023 có tỷ lệ 96 bé trai/100 bé gái, đang ở mức mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhận thức được điều đó, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện Ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển của huyện ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo các hoạt động về dân số như kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 25/01/2021 của UBND huyện về thực hiện Chương trình truyền thông dân số và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh; Kế hoạch số 120/KH-UBND huyện ngày 01/12/2021 của UBND huyện Vĩnh Linh về việc thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh giai đoạn II (2021-2025); tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban ngành đoàn thể để mở rộng và tuyên truyền các nội dung về dân số đến được nhiều đối tượng người dân nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổ chức các hình thức tuyên truyền cụ thể như: tăng cường tuyên truyền các bản tin trên trang thông tin điện tử của huyện và hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn; in băng rôn về nội dung nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh, tuyên truyền tại địa bàn, vị trí tập trung đông dân cư của huyện, các điểm công cộng ở các xã, thị trấn; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS tại các hội nghị, sinh hoạt các khu dân cư, các câu lạc bộ vị thành niên - thanh niên, thăm các hộ gia đình, tư vấn tiền hôn nhân… và tại trạm y tế các xã, thị trấn; phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các văn bản quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Cùng với đó cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, các ban ngành, đoàn thể để thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết tốt vấn đề mất cân bằng về giới, nâng cao chất lượng dân số.

BBT

More