Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nét mới trên đồng ruộng Vĩnh Lâm

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh, mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ được thực hiện xuất phát từ chính nhu cầu của người sản xuất và doanh nghiệp. Quy trình sản xuất được tuân thủ nghiêm ngặt từ giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại, kiểm soát nước và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học, đảm bảo được khâu tiêu thụ với giá cả ổn định cho nông dân. Từ đó đã khuyến khích nông dân chuyển đổi tập quán canh tác sang sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững hơn. Quá trình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ đông xuân 2022-2023 ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh là một mô hình như vậy.

Giới thiệu mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ đông xuân 2022-2023 tại HTX Tiên Mỹ, Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh -Ảnh: P.V

Chúng tôi đã có dịp khảo sát mô hình vào thời điểm lúa đã bắt đầu chuẩn bị để bước vào mùa gặt. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết, vụ đông xuân 2022-2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hợp tác với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) triển khai thực hiện mô hình “sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy, liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Hợp tác xã (HTX) Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác hữu cơ đến người dân sản xuất, đồng thời đánh giá hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và lợi ích xã hội đối với sản xuất lúa hữu cơ.

Sau khi có chủ trương thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng Công ty Thương mại Quảng Trị đã khảo sát chọn HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh để triển khai. Lý do là vì tại HTX Tiên Mỹ đảm bảo các tiêu chuẩn như chất đất đã được sản xuất theo hướng hữu cơ từ các vụ trước; ruộng chủ động tưới tiêu nước; giao thông thuận lợi, liền vùng liền thửa; có vùng đệm cách ly an toàn dịch bệnh; nguồn nước tưới, thành phần đất đai đảm bảo yêu cầu sản xuất lúa hữu cơ. Mô hình được thực hiện với quy mô 14 ha, có 17 hộ tham gia.

Sau khi chọn điểm, ngày 23/12/2022 và ngày 4/4/2023, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông Vĩnh Linh cùng với Công ty Thương mại Quảng Trị tiến hành tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy cho các hộ tham gia mô hình và các hộ có ruộng lân cận. Phương thức chia sẻ là trình chiếu hình ảnh minh họa, video liên quan để người dân nắm bắt quy trình sản xuất, đồng thời phối hợp với UBND xã, nhân viên khuyến nông xã, thôn và Ban Quản trị HTX Tiên Mỹ để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu của chương trình.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí về giống, khay mạ và vật tư phân bón, chế phẩm với định mức trên 13 triệu đồng/ha. Hợp đồng liên kết sản xuất giữa HTX Tiên Mỹ và Công ty Thương mại Quảng Trị được cam kết rõ ràng giữa hai bên về các công việc và xử lý trên đồng ruộng.

Người dân và HTX có nhiệm vụ tổ chức sản xuất; điều tiết nước tưới; làm đất đảm bảo cấy máy; bón phân hữu cơ; làm cỏ, sục bùn, tỉa dặm; chăm sóc ruộng lúa; bảo vệ đồng ruộng; thăm đồng thường xuyên; thu hoạch lúa tươi. Công ty Thương mại Quảng Trị chịu trách nhiệm sản xuất và cung cấp mạ khay, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học; cấy lúa; phun chế phẩm trên ruộng; cung cấp bao bì, vận chuyển thu mua lúa tươi… Quy trình kỹ thuật được áp dụng theo định mức, quy trình canh tác lúa hữu cơ nano của Bộ Nông nghiệp và PTNT; sử dụng giống lúa có phẩm cấp, năng suất cao, chất lượng tốt (giống ST 25).

Theo chia sẻ của những hộ dân tham gia mô hình, đối với sản xuất lúa hữu cơ, mức đầu tư kinh phí cao hơn so với sản xuất lúa canh tác thông thường, nên khi tiếp nhận mô hình, có được sự hỗ trợ 50% của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về mạ khay, vật tư và Công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu đầu ra với giá 12.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng nên bà con rất phấn khởi, yên tâm thực hiện mô hình. Sử dụng mạ khay, máy cấy và các công đoạn sản xuất đều được Công ty Thương mại Quảng Trị hỗ trợ nên người dân có nhiều thuận lợi. Đồng thời máy cấy đã đảm bảo mật độ thích hợp, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, bông dài, tỉ lệ hạt chắc cao, ít bị sâu bệnh gây hại.

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, mô hình sử dụng mạ khay, máy cấy với kích thước nhỏ gọn đã tỏ ra phù hợp với diện tích đồng ruộng của người dân (3 - 4 sào/thửa đất), vừa đảm bảo tính thời vụ, vừa thay thế hiệu quả lao động thủ công. Bên cạnh sử dụng phân hữu cơ Sepon là loại phân được nông dân tin dùng, mô hình đã sử dụng thêm các chế phẩm sinh học, có nguồn gốc từ động, thực vật hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa.

Đây là hướng đi phù hợp cho nền nông nghiệp trong tương lai và là vấn đề người trồng lúa quan tâm để có thể ứng dụng cho các vụ sau. Việc sử dụng máy bay không người lái để phun các chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc giúp người dân giảm công sức lao động, đảm bảo sức khỏe, từng bước tiến tới đạt tỉ lệ cơ giới hóa cao trong sản xuất nông nghiệp.

Việc áp dụng máy gặt đập liên hợp và sử dụng máy sấy sẽ giúp cho hạt gạo đạt được các tiêu chuẩn cao của người tiêu dùng, kể cả trong nước và xuất khẩu; hạt gạo giữ nguyên các đặc trưng, đặc tính của giống như cơm mềm dẻo, đậm đà, có mùi thơm đặc trưng.

Bên cạnh đó, việc áp dụng đồng bộ các khâu kỹ thuật đã giúp người sản xuất lúa hữu cơ chủ động về thời vụ, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập thực tế (trên 30,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà khoảng 17,5 triệu đồng/ha).

Sản xuất lúa hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây tốt hơn. Với năng suất lúa tươi dự kiến 65 tạ/ha và giá thu mua của Công ty Thương mại Quảng Trị đã cam kết là động lực để nông dân có thể mở rộng mô hình trong thời gian tới.

Đan Tâm (Nguồn: https://baoquangtri.vn/kinh-te/net-moi-tren-dong-ruong-vinh-lam/176589.htm)

Bài viết liên quan