Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Quy hoạch vùng trồng cao su để phát triển bền vững

Được xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm duy trì và phát triển diện tích cây cao su hiện có. Trong đó, việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung được xem là tiền đề cho sự phát triển bền vững của loại cây này.

Với lợi thế vùng gò đồi, thị trấn Bến Quan là một trong những địa phương có diện tích cây cao su tiểu điền lớn nhất ở huyện Vĩnh Linh với khoảng 1.800  hécta. Thời gian qua, mặc dù năng suất cũng như sản lượng mũ cao su bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường. Tuy nhiên, so với các loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế của cây cao su tiểu điền vẫn cao hơn hẵn, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ loại cây trồng này. Cũng từ đây, cây cao su trở thành loại cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của thị trấn.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan, Võ Văn Quyền, cho biết: “Từ trước tới nay, cao su được xem là loại cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả nhờ loại cây trồng này. Hiện nay, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo người dân tích cực chăm sóc những diện tích đang trong thời kỳ khai thác; đồng thời tái canh lại những vườn cao su đã già cỗi. Trong nghị quyết phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025, thị trấn Bến Quan phấn đấu đến năm 2025 tăng diện tích trồng cao su lên khoảng 2.000ha”.   

Tại xã Vĩnh Thủy, từ năm 1993, xã đã xác định kinh tế gò đồi là thế mạnh mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương. Từ đó, bên cạnh việc triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế vùng gò đồi, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động và có nhiều biện pháp hỗ trợ, động viên, khuyến khích nhân dân lên lập nghiệp trên vùng gò đồi. Cùng với phát triển cây ăn quả, trồng cây dược liệu, xã chú trọng đẩy mạnh nghề trồng rừng đặc biệt là phát triển cao su tiểu điền. Theo thống kê, đến năm 2023, tổng diện tích cao su của xã đạt 1.004 ha, diện tích khai thác đạt 980 ha, sản lượng mủ ước đạt 4.945 tấn. Hiện nay, thế mạnh về loại cây trồng này vẫn đang được chính quyền địa phương khuyến khích người dân phát huy.

Cao su là loại cây công nghiệp đã được người dân Vĩnh Linh đưa vào sản xuất từ lâu. Sản phẩm mủ cao su được ví như nguồn “vàng trắng” từng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, từ năm 2013, Vĩnh Linh phải gánh chịu thiệt hại của hai cơn bão số 10 và 11. Hàng trăm héc ta cây cao su được trồng vùng ven biển hoặc vùng nhỏ lẻ bị gãy đổ, hư hại hoàn toàn. Đứng trước thực trạng trên, người dân và chính quyền địa phương đã một lần nữa phải xem xét lại vấn đề quy hoạch trồng cao su. Từ cơ sở nghiên cứu và dựa vào đặc điểm, lợi thế của từng vùng, miền, hiện nay, huyện Vĩnh Linh đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây cao su tập trung chủ yếu tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, thị trấn Bến Quan và một phần của các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh, Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Sau nhiều năm liền giá mủ cao su xuống thấp thì năm 2021 giá mủ cao su có dấu hiệu tăng trở lại, từ 10 - 12 ngàn đồng/kg mủ đông. Do vậy nông dân các xã, thị trấn có nhiều thế mạnh sản xuất cây cao su đang tập trung chăm sóc, phục hồi các vườn cao su vốn là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế. Mặc dù giá cả thị trường chưa cao nhưng nếu vườn cây được chăm bón đúng quy trình, khai thác tuân thủ đúng kỹ thuật, điều chỉnh chi phí hợp lý, thì loại cây này vẫn đem lại nguồn thu ổn định cho người trồng”.

Phải khẳng định rằng, cây cao su là cây đa mục tiêu, là cây công nghiệp dài ngày đưa lại giá trị kinh tế khai thác liên tục từ 25-30 năm. Sau khi thu hoạch hết khối lượng mủ, số diện tích cao su này trở thành cả một rừng gỗ quý, chủ đầu tư sẽ đưa vào khai thác chế biến ra các sản phẩm mộc dân dụng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có 06 nhà máy chế biến mủ cao su, các cơ sở này tạo việc làm ổn định cho 150 người, thu nhập bình quân đầu người trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có 6.485 ha cao su. Vừa qua, UBND Huyện Vĩnh Linh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2023. Trong đó, đối với nhóm lĩnh vực trồng trọt, cây cao su là một trong những loại cây được đưa vào danh mục. Cùng với việc quy hoạch vùng trồng, đây chính là lợi thế, điều kiện để góp phần nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị của loại cây này một cách bền vững.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan