Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Độc đáo lễ Đám Chay của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều

Người đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều cư trú nơi miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ bao đời nay. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo với nhiều chính sách đổi mới, bà con người Bru - Vân Kiều không ngừng nỗ lực hướng đến đời sống ngày càng ấm no, tiến bộ. Tuy cuộc sống có nhiều thay đổi song thuần phong mĩ tục luôn được cộng đồng dân tộc Bru - Vân Kiều giữ gìn, phát huy qua từng thế hệ. Trong đó, không thể không nhắc đến lễ Đám Chay - nét văn hóa truyền thống độc đáo có lịch sử hình thành lâu đời, được lưu giữ trọn vẹn cho đến ngày nay, mang đậm bản sắc riêng của người đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

 

 

Tưởng nhớ công lao những người đã khuất…

 

Đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều duy trì tập tục gia đình có người thân qua đời sau 2 - 3 năm sẽ làm lễ rước linh hồn người đã khuất về sum họp cùng ông bà, tổ tiên, con cháu, gọi là lễ Đám Chay. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, con người ai cũng có linh hồn, khi mất đi chỉ mất phần thể xác, người đó vẫn sống trong kí ức của người thân, người quen biết chính từ những đạo đức, kiến thức, kinh nghiệm truyền lại. Chọn ngày tổ chức lễ Đám Chay để người đã khuất tạm thời trở về cuộc sống hiện tại. Chính vì vậy, lễ Đám Chay nhằm thể hiện sự thương tiếc của người sống với người đã khuất, mang tính chất hiếu sinh, răn dạy con cháu nhớ về công ơn, nguồn cội tốt đẹp của dân tộc.

 

Lễ Đám Chay thường kéo dài trong 3 ngày, 2 đêm. Để tổ chức lễ Đám Chay phải có sự chuẩn bị trước thật kĩ càng, đặc biệt việc làm chòi miếu tế và đồ cúng tế. Ngày đầu tiên, từ sáng sớm, tất cả các thành viên trong họ tụ họp đông đủ về địa điểm làm lễ Đám Chay mang theo đầy đủ các vật phẩm dùng làm lễ cúng tế. Trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, người góp công, người góp của để tổ chức lễ Đám Chay cho người đã khuất theo đúng phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Mọi người sắp xếp chòi cúng, đặt những chiếc hòm nhỏ làm bằng gỗ cây rừng, tượng trưng cho linh hồn người đã khuất theo đúng vị trí, thứ tự trong dòng họ.

 

Lễ vật dâng lên linh hồn người đã khuất gồm các vật dụng cá nhân thường ngày, lương thực, thực phẩm do chính người đồng bào làm ra từ nguyên liệu thiên nhiên, nơi rừng núi, khe suối, như: áo quần thổ cẩm, gùi đan đi nương rẫy, mâm ngũ quả, hương hoa, gạo, rượu, các loại thịt… Bắt đầu vào lễ tế, con cháu của dòng họ ăn mặc theo lối cổ truyền dân tộc, tập trung thành vòng tròn quanh chòi miếu tế để làm nghi thức cúng lễ. Người cúng - người có chức sắc trong dòng họ, thưa với các linh hồn rằng sau nhiều năm nhờ tổ tiên phù hộ, con cháu đều mạnh khoẻ, làm có của ăn, của để. Nay con cháu cùng về đây tụ hội, cúng xin các linh hồn luôn đồng hành cho vạn vật sinh sôi, mưa thuận gió hòa, dòng họ đoàn kết, gặp dữ hóa lành.

 

Sau lễ cúng, con cháu cùng vào bếp làm lợn, gà, trâu, bò… mở tiệc liên hoan, phục vụ bà con xóm giềng lân cận, khách mời. Bên ché rượu cần, tiếng trống, tiếng cồng chiêng rộn ràng, các thành viên trong dòng họ cùng ôn lại công ơn người đã khuất với lòng thành kính sâu sắc. Thanh niên trai tráng đi quanh chòi miếu tế vừa đánh trống, thổi khèn, nhảy múa. Các bô lão thưởng rượu, hát các làn điệu dân ca cầu chúc cuộc sống mới yên bình. Cứ thế kéo dài đến hết ngày thứ 2. Sang ngày thứ 3, cả họ tiếp tục làm lễ cúng, khấn vái để tiễn đưa linh hồn đã khuất về lại với núi rừng gọi là đưa ma về rừng. Thanh niên trong làng khiêng chòi miếu đến địa điểm đã chọn trước đó, cả họ đi theo cùng. Đến nơi, thêm một lễ tế được thực hiện trước khi tiến hành chôn tất cả những hòm nhỏ xuống đất.

 

Sau khi hoàn tất các thủ tục, mọi người cùng trở về nơi diễn ra lễ ban đầu. Theo tập tục của người đồng bào, dòng họ, khách mời có mặt hôm đó phải dùng hết số lượng trâu, bò, lợn, gà…đã cúng mới vui vẻ chia tay ra về. Già Làng Hồ Minh Lý - Bản Thúc, xã Vĩnh Ô cho biết: “Thời kì trước, đời sống còn nhiều khó khăn, chưa đủ cái ăn, cái mặc, lễ Đám Chay thường tổ chức nhỏ, giới hạn trong gia đình. Nay cuộc sống ngày một khấm khá, các dòng họ có điều kiện đầu tư làm lễ Đám Chay lớn, quy mô, các sản vật cúng tế cũng phong phú hơn. Song dù lớn hay nhỏ, lễ Đám Chay trước đây, bây giờ và cả sau này vẫn luôn theo đúng nghi thức, gắn với phong tục tập quán dân tộc Bru- Vân Kiều”.

 

…gắn kết cộng đồng vì cuộc sống tương lai

 

Lễ Đám Chay mang đậm bản sắc riêng, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Không chỉ từ những nghi lễ kì thú; các làn điệu dân ca, điệu nhảy riêng có; nhiều đặc sản chế biến theo phong cách rất dân dã, hấp dẫn… mà quan trọng hơn lễ Đám Chay kết nối, tăng cường sức mạnh cộng đồng - yếu tố quan trọng giúp cộng đồng dân tộc Bru - Vân Kiều từng bước làm chủ thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm, cùng các dân tộc anh em bảo vệ, xây dựng nên buôn làng khởi sắc như ngày hôm nay. Với lễ Đám Chay, tính cộng đồng được đặt lên hàng đầu ở mọi hoạt động. Bất kể già - trẻ, gái - trai, người trong bản làng hay các vùng khác đến đều được chủ nhà xem như khách quý và đón tiếp hết sức chu đáo, nồng hậu.

 

Khoảng thời gian diễn ra lễ Đám Chay, tạm gác công việc thường ngày, mọi người quây quầy bên nhau, đánh chiêng, múa hát, uống rượng cần, cùng vui chơi trong hơi ấm cộng đồng; hướng về nguồn cội, ôn lại những kỉ niệm gắn với người đã khuất, chia sẻ những dự định, kì vọng về tương lai tốt đẹp để cùng động viên nhau phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động sản xuất. Tất cả hợp thành một cộng đồng thống nhất, tình cảm giữa những người trong gia đình, dòng tộc cũng từ đó không ngừng được củng cố, vun đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Không những vậy, lễ Đám Chay còn là dịp gặp gỡ, giao lưu, cầu nối góp phần thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người dân tộc Bru - Vân Kiều cũng như với các dân tộc anh em đang cùng làm ăn, sinh sống trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Bên cạnh dành nhiều nguồn lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều luôn được huyện Vĩnh Linh, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Các phong tục, tập quán, lễ hội được phục dựng, trở thành những nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; đồng thời góp phần giáo dục, giúp thế hệ trẻ dân tộc Bru - Vân Kiều thêm hiểu biết, tự hào về văn hóa của chính dân tộc mình. Từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm cùng góp sức giữ gìn, phát huy những vốn quý văn hóa đã được vun đắp qua nhiều thế hệ, làm đa dạng thêm bản sắc dân tộc của người Bru - Vân Kiều ở khu vực miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh”.

 

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan