Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vị trí quân sự của Khu vực Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

* Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

Cuộc kháng chiến 9 năm của quân và dân ta chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc bằng việc ký kết Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954). Giới tuyến quân sự tạm thời được lựa chọn thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo quy định của Hiệp định, nước Việt Nam tạm thời phân chia thành hai miền qua ranh giới Vĩ tuyến 17.

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” được tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Tuy nhiên, lợi dụng thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã đẩy mạnh tốc độ can thiệp vào Đông Dương nhằm loại bỏ Pháp và các thành phần thân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn chống Cộng sản, phá bỏ quy định của Hiệp định Giơnevơ, không tổ chức tổng tuyển cử.

Về phía ta, một mặt nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Hiệp định Giơnevơ, mặt khác tiến hành cuộc đấu tranh yêu cầu địch phải nghiêm chỉnh thi hành hiệp định. Một năm sau ngày thi hành hiệp định, nhận thức được tầm quan trọng của địa bàn Vĩnh Linh trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 28/5/1955, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 16- NQ/TW “Thành lập một Đảng ủy mới Khu Vĩnh Linh ngang hàng một tỉnh và Đảng bộ phải trực thuộc Trung ương chỉ đạo”, do đồng chí Lê Thanh Liêm, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị làm Bí thư Khu ủy; đồng chí Hồ Sỹ Thản, nguyên Trưởng ban Liên hợp Bình - Trị - Thiên và đồng chí Nguyễn Ngự (tức Nhơn), Trung đoàn 270 làm Đảng ủy viên. Tiếp đó, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập khu vực Vĩnh Linh, nêu rõ: “Khu vực Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị từ đây được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”. Thực hiện Nghị định, Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh được thành lập do đồng chí Hoàng Đức Sản làm Chủ tịch.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ trung ương, ngày 5/11/1955, Hội nghị Liên Khu ủy Khu 4 ra Quyết nghị số 18-QN/LKIV bàn về Vĩnh Linh, trong đó nhấn mạnh: “Nhận rõ vị trí quan trọng của Vĩnh Linh và vai trò trách nhiệm của chúng ta... Tăng cường công tác bảo mật phòng gian một cách tích cực và có kế hoạch... Kiên quyết và kịp thời trấn áp bọn phá hoại hiện hành, ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục âm mưu hoạt động phá hoại của địch, tăng cường củng cố công an xã và dân quân du kích”. Để tăng cường lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, biên giới, bờ biển và nội địa Vĩnh Linh, tháng 12/1955, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Tiểu đoàn 25 do đồng chí Vân Hùng (Đoàn Quang Đán) làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lưu Quế Ngữ làm Chính trị viên.

Từ sau năm 1958, Mỹ và chính quyền Sài Gòn ráo riết tăng cường phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ và quy chế khu phi quân sự. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 25 được củng cố, tăng cường quân số, trang bị và đổi tên thành Tiểu đoàn 41. Trên cơ sở bộ khung là Tiểu đoàn 41, Khu Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh được xây dựng tương đương cấp trung đoàn. Đây là lực lượng chủ chốt trực tiếp đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời, đồng thời tham gia công cuộc xây dựng CNXH ở Vĩnh Linh và là lực lượng đi đầu trong chiến đấu chống sự gây hấn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vĩnh Linh là đầu cầu giới tuyến, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Đây cũng là nơi tập trung lực lượng, kho tàng, đạn dược từ miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam, là cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị. Vĩnh Linh là địa bàn đứng chân của các đơn vị chủ lực trước khi vượt sông sang bờ Nam chiến đấu, rồi trở lại củng cố, nghỉ ngơi, tập luyện, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.

Ngày 8/2/1965, Mỹ tiến hành chiến dịch “Mũi lao lửa 1”, huy động hàng trăm máy bay các loại đánh phá 700 mục tiêu từ Vĩnh Linh đến Quảng Bình, trong đó thị trấn Hồ Xá và thị xã Đồng Hới là mục tiêu đầu tiên của địch. Mục tiêu thứ hai mà địch hủy diệt là đảo Cồn Cỏ, vì Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt lợi hại của Vĩnh Linh nói riêng và của Quân khu 4 nói chung. Trong thời gian từ năm 1965 - 1967, quân dân Vĩnh Linh ở đất liền đã chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu cùng đảo Cồn Cỏ, kết quả đánh 841 trận, bắn rơi 48 máy bay, bắn cháy và bắn chìm 17 tàu chiến.

Căn cứ vào diễn biến tình hình, khi chiến dịch Trị - Thiên nổ ra, Vĩnh Linh là nơi tiếp nhận hàng vạn đồng bào Triệu Phong, Hải Lăng sơ tán ra khi chiến dịch đi vào giai đoạn ác liệt nhất. Cùng với chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, quân dân Vĩnh Linh còn tham gia sản xuất xây dựng CNXH, đóng góp cho các chiến dịch diễn ra trên địa bàn. Trong chiến dịch giải phóng Trị - Thiên với vai trò hậu phương, quân và dân Vĩnh Linh đã huy động 112.179 ngày công và đào đắp được 175.669 m3 đất.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), khu vực Vĩnh Linh giữ một vị trí quân sự quan trọng, là đầu cầu giới tuyến của miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị. Vĩnh Linh còn là nơi có các tuyến vận chuyển chiến lược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đảo Cồn Cỏ là tiền đồn của tuyến lửa Vĩnh Linh, là đường vận chuyển quan trọng trên tuyến vận chuyển chiến lược Bắc - Nam trên biển. Mảnh đất và con người Vĩnh Linh giàu truyền thống cách mạng, có ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm, lập được nhiều thành tích to lớn, góp phần cùng quân dân cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguồn: https://baoquangtri.vn/vi-tri-quan-su-cua-khu-vuc-vinh-linh-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-187698.htm

 

 

More