Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Xây dựng Bến Quan trở thành đô thị giữ vai trò động lực phát triển kinh tế, xã hội miền Tây Vĩnh Linh
- 15-11-2024
- 71 lượt xem
Thị trấn Bến Quan cách trung tâm huyện Vĩnh Linh khoảng 15km về phía Tây. Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của miền Tây huyện Vĩnh Linh. Phía Bắc giáp xã Vĩnh Khê; Phía Tây và phía Nam giáp xã Vĩnh Hà; phía Đông giáp xã Vĩnh Long. Thị trấn có 5 khóm khoảng 1.146 hộ, với 4.069 nhân khẩu. Tổng diện tích của thị trấn Bến Quan là 420,9 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 323,4 ha, đất phi nông nghiệp 92,8 ha và đất chưa sử dụng 4,7 ha.
Thị trấn Bến Quan thuộc vùng trung du chuyển tiếp có độ cao trung bình từ 25-35m. Địa hình khá phức tạp chủ yếu đồi núi thấp, nghiêng từ Tây sang Đông, độ dốc trung bình từ 10 đến 15%, giao thông đi lại khó khăn nhưng bù lại đây là địa phương có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại kết hợp.
Thị trấn Bến Quan có sông lớn như Sa Lung và một số khe suối nhỏ như Khe Cát, Khe Cáy và các khe suối hẹp, ao, đầm tạo thành những thung lũng nhỏ, đất đai sườn đồi thuận tiện cho việc trồng các loại cây lâm nghiệp, công nghiệp và sản xuất các loại cây lương thực, thực phẩm.
Khí hậu mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, hình thành 4 mùa rõ rệt, chủ yếu là gió mùa Đông Bắc và Tây Nam. Nền nhiệt tương đối cao, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 22-230C. Tuy nhiên lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn, lượng mưa nhiều vào các tháng cuối năm, đất đai có độ ẩm cao, không bị khô cằn, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đất đai chủ yếu là đất đỏ vàng trên đất sét và đất vàng nhạt trên đá cát có xen lẫn đất phong hóa trên phù sa cổ, có tiềm năng trong việc phát triển nhiều loại cây hoa màu, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, nuôi cá và nhiều loại thuỷ sản khác.
Thị trấn Bến Quan có diện tích nhỏ, tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản không nhiều, chủ yếu là cây công nghiệp, rừng trồng sản xuất. Dọc các sông có nhiều cát, sạn dùng làm vật liệu xây dựng. Thị trấn có nhiềutuyến đường trọng điểm để kết nối các địa phương trong khu vực của huyện Vĩnh Linh như đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9, đường giao thông Thạch- Kim- Hiền- Hoà, đường tỉnh lộ ĐT571…, tạo điều kiện thuật lợi trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong phát triển kinh tế, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất nông, lâm nghiệp là thế mạnh của thị trấn Bến Quan. Đảng bộ thị trấn Bến Quan chủ trương khuyến khích nhân dân khai thác tiềm năng thế mạnh đất đai gò đồi, xác định mũi nhọn là cây cao su và cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thị trấn Bến Quan hiện có diện tích cây cao su 1.812 ha. Trong đó, diện tích khai thác 1.792 ha. Cây cao su là một trong những cây trồng đã có mặt từ lâu trên địa bàn thị trấn Bến Quan, là loài cây dễ thích nghi, phát triển tốt trên những vùng đất gò đồi và cằn cỗi.Với lợi thế về địa hình, trong thời gian qua việc phát triển diện tích cây cao su trên địa bàn thị trấn đã có sự phát triển mạnh, diện tích, sản lượng và năng suất không ngừng tăng. Là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mủ cao su được ví như là “vàng trắng”, bởi từ lâu nay việc trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ mủ cao su đã trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập cao. Sau khi kết thúc chu kỳ khoảng 35- 40 năm, từ thân đến rễ cây cao su được khai thác dùng cho chế biến các sản phẩm gỗ có chất lượng và giá trị kinh tế.
Cây cao su đã giúp cho nhiều người nông dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Đời sống của người dân trong các khu vực trồng cây cao su được nâng lên rõ rệt nhờ khai thác, chế biến các sản phẩm từ cây cao su. Giúp giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn góp phần đáng kể trong sự phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời là tiền đề thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Ngoài diện tích cao su rộng lớn, hiện tại địa phương có diện tích cây lâm nghiệp khoảng 1.912 ha (trong đó có 135 ha cây gỗ lớn). Nhiều năm trở lại đây, phong trào trồng rừng là hướng phát triển hiệu quả của nhiều hộ dân, đặc biệt địa phương và các vùng lân cận có địa hình gò đồi phù hợp với việc phát triển trồng rừng. Phong trào trồng rừng, làm vườn rừng và kinh tế trang trại trên địa bàn ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài những lợi ích về kinh tế, trồng rừng còn phát huy tác dụng về phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo không gian xanh, góp phần tích cực hạn chế gió bão, lũ lụt, hạn hán thiên tai.
Trước đây, việc trồng rừng chủ yếu quy mô nhỏ, rừng trồng gỗ nhỏ, với thời gian trồng khoảng 4 năm, sản lượng khai thác chỉ từ 50-60 tấn/ha, chất lượng gỗ không cao và hiệu quả thấp. Từ khi Nhà nước có chủ trương trồng rừng gỗ lớn theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh Quảng Trị, thị trấn đã khuyến khích các hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang phương thức trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, tạo nên các chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao. Đó cũng là xu thế tất yếu khi nguồn gỗ tự nhiên phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng khan hiếm, phát triển rừng trồng gỗ lớn sẽ tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và giải quyết bài toán về thiếu hụt các loại gỗ tự nhiên.
Với lợi thế về rừng trồng, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở địa phương và các xã lân cận được hình thành tạo ra một bước phát triển và tiềm năng mới cho ngành công nghiệp gỗ trên địa bàn.Ngoài ra, mạng lưới sản xuất giống đã hình thành và phát triển với 6 cơ sở sản xuất chuyên cung cấp cây giống, đáp ứng đủ số lượng, chất lượng giống phục vụ trồng rừng. Công nghệ tạo giống bằng hom đã được áp dụng có kết quả. Nhiều cơ sở vườn ươm giống cây trên địa bàn đã áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong việc sản xuất giống cây tràm loại nuôi cấy mô, xơ dừa cho hiệu quả và năng suất cao phục vụ nhu cầu cho bà con nhân dân trong và ngoài địa bàn.
Những năm qua, thị trấn đề ra nhiều chủ trương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp và hiện đại. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp. Trên địa bàn thị trấn có 04 trang trại chăn nuôi gà hiện đại với quy mô từ 10.000 - 20.000 con. Nhiều hộ kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt trên cùng một diện tích tạo ra nguồn thu nhập hiệu quả, nhiều hộ chuyển qua trồng các loại cây trồng mới như simđể phục vụ cho nhu cầu thị trường. Địa phương đã thực hiện chuyển đổi diện tích cây cao su để trồng khoảng 10ha cam cho hiệu quả và năng suất cao. Các vườn cam đã được chứng nhận VietGap và sản phẩm được bày bán trong hệ thống siêu thị của tỉnh. Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người sản xuất, người tiêu dùng và xã hội.Cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng, mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc và quy trình sản xuất; giúp sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường, thu hút được nhiều khách hàng và tạo ra lợi nhuận tốt cho người sản xuất.
Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp cam ở thị trấn Bến Quan. Đồng thời, áp dụng thâm canh cam theo quy trình VietGAP đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất cũ, hướng tới một nền sản xuất sạch, góp phần củng cố thương hiệu cam thị trấn Bến Quan, giúp cam Bến Quan vươn tới nhiều thị trường ngoài huyện Vĩnh Linh.
Với vị trí là trung tâm cửa ngõ của vùng miền Tây huyện Vĩnh Linh, thị trấn Bến Quan xác định thương mại dịch vụ là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đã quan tâm, từng bước xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, góp phần mở rộng giao lưu hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động. Dựa vào lợi thế là địa bàn trung tâm để kết nối giữa huyện với các xã miền Tây như Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, nhiều cửa hàng và các đại lý phân phối hàng hóa trên địa bàn được hình thành; dịch vụ vận tải hàng hoá phát triển.
Việc phát triển dịch vụ, thương mại không những thúc đẩy phát triển kinh tế ở mỗi địa phương, mà còn giải quyết được việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Diện mạo thị trấn đã và đang có sự đổi thay rõ rệt, các cửa hàng kinh doanh, sản xuất, dịch vụ được mở rộng. Hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập. Phát huy kết quả đạt được, cấp uỷ, chính quyền thị trấn Bến Quan chủ trương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dânmở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Chú trọng đa dạng các ngành nghề, mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với lợi thế về hạ tầng giao thông được đầu tư dần hoàn chỉnh như đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 9D, đường Ả rập, Tỉnh lộ ĐT571, đặc biệt thị trấn Bến Quan là nơi có một trong hai đường nhập làn cao tốc Bắc- Nam của tỉnh Quảng Trị. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa, điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp thị trấn Bến Quan, khi đưa vào khai thác nơi đây là địa điểm thu hút lao động từ nhiều địa phương sẽ thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Thị trấn Bến Quan nằm gần các khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc. Mặt khác, thị trấn Bến Quan là nơi có trận địa bắn rơi máy bay B52 của đế quốc Mỹ đầu tiên trên bầu trời miền Bắc, hiện nay đã được công nhận di tích quốc gia. Đó là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch.
Với nhiều lợi thế của vùng trung tâm miền Tây của huyện, thị trấn Bến Quan đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội cụ thể:
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng, đến cuối năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/ người/năm đã thực hiện được 85% so với Nghị quyết đề ra. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,95%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn từ năm 2020 đến 2022 trên 14,95 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách trên địa bàn trên 14,434 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 15- 16%. Hoàn thành nhiều chỉ tiêu về đô thị văn minh. Cụ thể:
* Về Tiêu chí quy hoạch đạt 7/7 tiêu chí.
* Về tiêu chí Giao thông đô thị đạt 6/7 tiêu chí.
* Về tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị đạt 6/6 tiêu chí.
* Về tiêu chí An ninh, trật tự đô thị đạt 6/6 tiêu chí.
* Về tiêu chí thông tin, truyền thông đô thị đạt 5/5 tiêu chí.
* Về tiêu chí việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo đô thị đạt 3/3 tiêu chí.
* Về tiêu chí Văn hóa, thể thao đô thị đạt 5/5 tiêu chí.
* Về y tế, giáo dục đô thị đạt 7/7 tiêu chí.
* Về hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể đạt 5/5 tiêu chí.
Để thị trấn Bến Quan trở thành đô thị kinh tế tổng hợp, giữ vững vai trò động lực phát triển kinh tế- xã hội miền Tây huyện Vĩnh Linh, ngoài nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền Bến Quan rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành.
Thứ nhất, Bến Quan cần sớm có Quyết định điều chỉnh địa giới hành chính theo Quyết định 513 của Chính Phủ để thị trấn Bến Quan thực hiện công tác quy hoạch chi tiết đô thị, nhằm mục đích quy hoạch công trình hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất bố trí các khu chức năng phù hợp thực trạng và sự phát triển chung của thị trấn.
Thứ hai, đẩy nhanh công tác quy hoạch cụm công nghiệp Bến Quan, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để phát triển kinh tế trên địa bàn, tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống của người dân.
Thứ ba, quan tâm đầu tư các hạ tầng như giao thông, hệ thống chiếu sáng, hệ thống trang trí để góp phần nâng cao các tiêu chí đô thị văn minh.
Ngày 01/8/2024 thị trấn Bến Quan kỷ niệm 30 năm thành lập, đây là mốc đánh dấu quá trình xây dựng và phát triển. Bến Quan tin chắc rằng trong thời gian tới được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, sự nỗ lực phấn đấu và khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân Bến Quan, thị trấn Bến Quan sẽ trở thành đô thị có kinh tế tổng hợp và giữ vai trò, là động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội miền Tây của huyện.
Đỗ Thị Lài- Bí thư Đảng ủy thị trấn Bến Quan
- Những vấn đề đặt ra trong mục tiêu xây dựng thị trấn Hồ Xá xứng tầm là trung tâm huyện lỵ của Vĩnh Linh (05/11/2024)
- Những người “đi trước” ở Vĩnh Ô (29/10/2024)
- Nữ cán bộ Hội Chữ thập đỏ hết lòng vì công tác nhân đạo (21/10/2024)
- Vĩnh Linh, Cồn Cỏ trên báo Đảng (09/10/2024)
- Con người và truyền thống văn hóa Vĩnh Linh với sự nghiệp phát triển của huyện nhà (24/09/2024)
- Từ Vịnh Mốc mở đường máu chi viện cho Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Ba cha con cùng nhau ra khơi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Lúa hữu cơ Sepon và hành trình "kiến tạo" hạt cơm dinh dưỡng (20/09/2024)
- Câu chuyện bơi vượt biển tìm cha của con gái người gác hải đăng Cửa Tùng (20/09/2024)
- Chiến dịch sơ tán học sinh có một không hai trong lịch sử (20/09/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)