Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phụ nữ Vĩnh Linh với phong trào làm kinh tế giỏi

Những năm qua, hưởng ứng phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực tham gia lao động sản xuất, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Theo chân cán bộ Hội LHPN huyện Vĩnh Linh, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Loan ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng, một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo”. Theo lời kể của Chị Loan, trước đây tận dụng lợi thế ở gần biển Cửa Tùng, 2 vợ chồng chị đầu tư ngư lưới cụ để làm nghề đánh bắt hải sản. Mặc dù rất chăm chỉ làm ăn nhưng vẫn không đảm bảo được cuộc sống. Vào đầu năm 2008, nhận thấy nhu cầu sử dụng Internet của người dân trên địa bàn khá lớn chị bàn với chồng chuyển đổi hình thức làm ăn sang kinh doanh dịch vụ internet. Thời điểm này, công việc kinh doanh của gia đình chị khá thuận lợi, lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, với tinh thần hăng say lao động và khát vọng vươn lên làm giàu, đến cuối năm 2008, chị tiếp tục mở hướng sang kinh doanh dịch vụ ẩm thực, phục vụ lễ tiệc, cưới hỏi. Với sự tận tâm trong nghề nghiệp, chị Loan được nhiều người biết đến, bình quân mỗi tháng, chị nhận khoảng 8 đến 10 tiệc, mỗi tiệc từ 30 - 40 bàn, thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu đồng/năm. Từ sự thuận lợi này, năm 2014, gia đình chị khởi công xây dựng nhà hàng mang tên Hiệp Loan với sức chứa 700 khách. Mỗi năm nhà hàng của chị nhận khoảng 50 tiệc lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ với mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng. Doanh thu từ mô hình dịch vụ này của gia đình chị đạt 2 tỷ đồng mỗi năm.

Đến xã Vĩnh Sơn, chúng tôi được nghe mọi người nói nhiều về chị Hoàng Thị Tình - một gương tiêu biểu vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chị Tình cho biết, bản thân luôn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế trên các lĩnh vực sản xuất. Gia đình đã chuyển đổi 2 ha đất cao su trồng rừng sang trồng cây công nghiệp dài ngày và đầu tư trang trại kết hợp chăn nuôi lợn, gà thả vườn.   Bên cạnh đó, đầu tư các loại máy móc phục vụ cho nông nghiệp như máy cày, máy phay, máy bơm, máy ủi và xe ôtô vận tải để mở mang thêm ngành nghề dịch vụ. Thành lập tổ nuôi gà thả vườn có 19 hộ gia đình tham gia, hàng năm cung cấp con giống trong và ngoài xã 5.000 con gà giống. Với mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình chị Tình thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 lao động với mức lương bình quân 8 triệu đồng/ tháng.

Chủ tịch Hội LHPN Vĩnh Linh, Nguyễn Thị Tuyết cho biết, toàn Hội có gần 22 ngàn hội viên, sinh hoạt tại 19 tổ chức cơ sở Hội. Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn song ở trên lĩnh vực hoạt động nào chị em cũng luôn phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, của quê hương Vĩnh Linh anh hùng; đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua và hoạt động của Hội... Từng bước khẳng định vai trò và vị trí của Hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Trên lĩnh vực kinh tế, chị em đã mạnh dạn đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, phát huy tính tự chủ, sáng tạo, luôn chịu khó học tập, cần cù trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đáp ứng với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất, chất lượng cao. Đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương để tổ chức sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ mạnh dạn, năng động làm giàu ngay chính trên quê hương mình. Tiêu biểu như: Chị Nguyễn Thị Anh Đào với mô hình chăn nuôi heo trang trại và chế biến tinh bột nghệ; chị Trần Thị Dương; Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Khuyên với các mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với sự chủ động của mỗi hội viên, từ năm 2015 đến nay, các cơ sở hội đã Hội phối hợp tổ chức trên 110 lớp đào tạo nghề cho 3.005 lao động nữ; 37 lớp tập huấn cho 345 chị nâng cao kiến thức áp dụng KH- KT, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh; tuyên truyền xuất khẩu lao động cho 347 người; hướng dẫn xây dựng 41 tổ hợp tác, tổ liên kết gồm  2.894 thành viên; xây dựng 25 ý tưởng khởi nghiệp; 49 mô hình phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh; 228 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi; đề xuất cấp giấy phép kinh doanh cho 4 mô hình.

Bên cạnh đó, nhằm giúp chị em phụ nữ có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, các cấp Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN &PTNT huyện cho hội viên vay vốn, dư nợ 181,3 tỷ đồng. 100% chi hội có mô hình tiết kiệm- tín dụng, hội viên tham gia đạt tỷ lệ 95,4%. Ngoài ra, các cấp Hội đã nhận giúp đỡ 7.133 phụ nữ nghèo; đỡ đầu có địa chỉ 2.213 hộ phụ nữ chủ hộ nghèo; giúp thoát nghèo 502 hộ phụ nữ chủ hộ nghèo góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 10,07 (năm 2016) xuống còn 2,8% (năm 2021). Cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của hội viên phụ nữ đạt 52 triệu đồng/người/năm. Cao hơn so với năm 2015 khoảng 15 triệu đồng. 

Chủ tịch Hội LHPN Vĩnh Linh, Nguyễn Thị Tuyết cho biết thêm “Thời gian tới, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ… Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Mỹ Hằng

More