Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Triệu phú vùng gò đồi xã Vĩnh Thủy

Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, những năm qua, ông Trần Chí Linh, thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi để đầu tư những giống cây trồng phù hợp, trong đó có 1,5 ha Thanh Long ruột đỏ; 1,5 ha cam V2; 1 ha bưởi Da xanh  và 4 ha cao su. Với thu nhập xấp xỉ 500 triệu đồng/năm, ông Linh là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.

Ông Trần Chí Linh- bên trái.

Cùng cán bộ Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Linh vào những ngày đầu tháng 8, cũng là lúc gia đình ông đang thu hoạch vườn Thanh Long chín rộ. Tận mắt chứng kiến thành quả và được nghe kể về quá trình lập nghiệp, mới hiểu rõ sự cần mẫn, quyết tâm của ông Linh và gia đình. Ông Linh kể: “Trước đây, gia đình ông gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều song do chưa tìm được hướng đi phát triển kinh tế nên làm cũng chỉ đủ ăn. Tình cờ xem chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất vườn hiệu quả, vợ chồng ông thấy phù hợp với điều kiện đất của gia đình nên bàn nhau canh tác loại cây này. Năm 2016, gia đình ông mạnh dạn đã khai thác 1,5ha đất đồi trồng cây Thanh Long ruột đỏ. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, ông cũng đã đầu tư 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động. Tuy vậy, do địa hình đồi núi cao, nguồn nước cung cấp lại ít nên toàn bộ hệ thống không sử dụng được, buộc phải khoan giếng và xây thêm các bể chứa nước dự trữ”.

Ông Linh cho biết thêm: “Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công ở trong và ngoài địa phương về áp dụng. Về kỹ thuật, để thanh long phát triển tốt phải để ý tới nguồn nước, sử dụng các loại phân chuồng được ủ kỹ, bón đúng thời điểm để cây cho nhiều quả và quả to”. Nhờ chăm chỉ lao động, cần cù học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong sản xuất, đất không phụ công người, sau một thời gian, vườn Thanh Long đã mang lại hiệu quả kinh tế khá. Mỗi năm Thanh Long ruột đỏ cho thu hoạch liên tiếp trong 5 tháng liên tục, sản lượng tăng dần theo những năm tiếp theo, tuổi thọ của cây thanh long từ 20- 25 năm tùy theo công chăm sóc, giá bán trung bình từ 25- 30.000 đồng/kg. Riêng trong năm 2021 ông đã thu lợi nhuận từ loại cây trồng này trên 150 triệu đồng.

Kế bên vườn Thanh Long chín đỏ, là 2,5 ha bưởi Da xanh và Cam V2 đang trĩu quả, thu hút mắt người nhìn. Ông Linh cho biết, năm 2019, ông tiếp tục đầu tư 200 triệu đồng để trồng thêm 1,5 ha cam V2; 1 ha bưởi Da xanh và 0,5 ha vải thiều trồng xen canh cây ổi. Mô hình được ông áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, từ việc tưới bằng nguồn nước hợp vệ sinh đến cách làm cỏ, chăm bón đều không sử dụng hoá chất. Ông Linh cho hay: “Thực tế cho thấy, so với một số loại cây trồng khác, trồng cây cam, bưởi da xanh cho thu nhập cao gấp nhiều lần, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu không nhỏ, đặc biệt, người trồng phải nắm chắc kỹ thuật vì những loại cây này đòi hỏi chăm sóc khá cao mới cho hiệu quả tốt. Vào tháng 10/2021, ông thu bán lứa sản phẩm đầu tiên trên 1,5 tấn cam V2; 1 tấn bưởi da xanh thu được trên 120 triệu đồng. Dự kiến năm 2022, sản lượng cam và bưởi tăng gấp 1,5 lần so với vụ trước, hứa hẹn mang lại nguồn lợi nhuận cao”.

Không chỉ khai thác lợi thế vùng gò đồi để trồng các loại cây ăn quả, hiện nay, gia đình ông Linh cũng đang sở hữu 4ha cao su tiểu điền được trồng từ năm 2009. Ông Linh tâm sự, vào khoảng từ năm 2010-2013 được xem là thời hoàng kim của cây cao su khi giá mủ tăng cao kỷ lục, khoảng hơn 100.000đồng/kg mủ. Khi ấy, nhiều người dân ở địa phương có vườn cây cao su khai thác, cứ mở mắt ra là đã nhìn thấy tiền triệu. Từ năm 2013 trở đi, giá mủ cao su bắt đầu xuống thấp và kéo dài, khiến cho người trồng cao su lâm vào cảnh điêu đứng, bế tắc. Nhiều hộ dân ở địa phương lưỡng lự, phân vân có nên duy trì hay chặt bỏ loại cây trồng cho “vàng trắng” này vì giá mủ đông trên thị trường chỉ dao động dưới 12.000 đồng/kg. Nhưng với gia đình ông lúc này, 4ha cao su là cả gia sản, ông đã không nản chí, luôn động viên các thành viên cùng cố gắng chăm sóc, duy trì diện tích cao su. “Từ đầu năm 2021, giá mủ cao su bắt đầu có dấu hiệu tăng, có thời điểm đạt đến khoảng gần 20.000đồng/kg mủ đông; hiện tại, giá dao động từ 16.000 đồng đến 18.000đồng/kg mủ đông. Tuy giá chưa thật cao lắm, nhưng  đây là tín hiệu đáng mừng. Một năm chu kỳ khai thác của cây cao su kéo dài khoảng từ 7-8 tháng. Thời điểm hiện tại, gia đình ông có thu khoảng 30 triệu đồng/tháng từ loại cây này”, ông Linh nhẩm tính và vui mừng chia sẻ.

Với sự chịu khó trong làm ăn, sau khi có nguồn vốn tích lũy, ông bàn với gia đình phát triển quy mô kinh tế bằng việc mua thêm xe chạy dịch vụ và chăn nuôi bò, lợn. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của gia đình ông có trên 100 con gà, vịt, 30 lợn thịt, 5 lợn nái sinh sản, 10 con bò. Thu nhập từ dịch vụ và chăn nuôi mỗi năm đạt trên dưới 60 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông Linh nói: “Làm nông nghiệp cần có quỹ đất, nhưng quan trọng hơn là phải xác định được nuôi, trồng cây con gì cho phù hợp, sau đó cần áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi chủ lực, cần xen canh những loại cây trồng khác để tăng thu nhập và giảm bớt rủi ro nếu gặp phải”. Chính nhờ sự năng động và nhạy bén này, nông dân Trần Chí Linh đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi để đầu tư phát triển mô hình kinh tế. Với thu nhập xấp xỉ 500 triệu đồng/năm, ông Linh là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, trở thành điển hình vượt khó làm giàu của huyện, của tỉnh.

 

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan