Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả góp phần giảm nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, vận động người dân khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, mạnh dạn mở mang nhiều mô hình kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ đây, nhiều gia đình đã bứt phá vươn lên, không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao Dfarm Quảng Trị.

Nuôi hươu sao lấy nhung là một trong những loại con nuôi mới được triển khai ở huyện Vĩnh Linh, do anh Phan Ngọc Vũ ở thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh thủy làm chủ. Nhận thấy, Nhung Hươu là loại dược liệu quý hiếm, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Mặc dù, giá bán con giống ban đầu khá cao, nhưng nắm bắt nhu cầu của thị trường, từ cuối năm 2022, anh Vũ đã đầu tư gần 1,8 tỷ đồng để mua 27 con giống về nuôi thử nghiệm. Sau gần 6 tháng chăm sóc, vào đầu tháng 5/2023, anh Vũ thu hoạch lứa nhung hươu đầu tiên, đạt 23 kg. Với giá bán trên thị trường hiện nay 17 triệu đồng/kg, mang lại cho gia đình số tiền trên 390 triệu đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2023, đàn hươu sao của gia đình anh Vũ sẽ cho thu hoạch thêm khoảng 30 kg nhung sẽ mang lại cho gia đình anh nguồn thu đáng kể. Từ hiệu quả của mô hình, hiện anh Vũ đang tập trung nhân đàn hươu sao lên khoảng 120 con để vừa bán nhung vừa bán hươu giống cho người dân trong vùng.

Cùng với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh còn có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được địa phương khuyến khích nhân rộng. Một trong số đó là mô hình nông nghiệp hữu cơ Dfarm Quảng Trị ở thôn Động sỏi, xã Kim Thạch do chị Trần Thu Trang làm chủ. Mô hình có diện tích trên 5.000m2 với hệ thống 10 nhà kính được thiết kế hiện đại, sản xuất các loại cây ăn quả, rau củ theo hướng hữu cơ. Mỗi công đoạn sản xuất đều áp dụng theo tiêu chuẩn mới nhất và kỹ thuật tiên tiến nhất. Từ công nghệ xử lý đất bằng cách ủ nhiệt của Nhật Bản, đến công nghệ phân hữu cơ vi sinh của Mỹ, công nghệ tưới của Israel. Quá trình chăm sóc tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật bằng các biện pháp sinh học để cây luôn phát triển tự nhiên. Nhờ vậy, sản lượng các loại cây trồng luôn tăng cao; đặc biệt là sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng. Riêng trong năm 2023, từ việc cung cấp thị trường các sản phẩm nông nghiệp sạch chị trang thu về khoảng 1,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cũng đạt 400 triệu đồng.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều mô hình kinh tế mới được triển khai ở huyện Vĩnh Linh đang phát huy được tính hiệu quả. Cùng với việc biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động, mạnh dạn đầu tư của nông dân trong việc triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp mới, an toàn theo hướng hiện đại, góp phần cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, huyện Vĩnh Linh cũng đề ra nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để nhân rộng những mô hình này. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.

Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh cho biết: “Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hiện có rất nhiều mô hình kinh tế với nhiều loại con nuôi, cây trồng mới được đưa vào sản xuất. Trong đó có thể nhắc đến như là: mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng với tổng quy mô trên 10.000 m2 tại các xã Trung Nam, Vĩnh Tú, Kim Thạch để trồng các loại dưa lưới; mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh với quy mô trên 1.300 m2 tại xã Trung Nam; Nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá sông trong ao ... Những mô hình này hiện đang chứng minh được kết quả kinh tế khả quan khi những sản phẩm làm ra đều  đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng về an toàn chất lượng và giá trị lợi nhuận đem lại cho người sản xuất khá cao, ổn định.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào canh tác, chăn nuôi; đồng thời liên kết với các doanh nghiệpđể quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thêm sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể nhằm đưa nông dân làm quen với kinh tế tập thể định hướng thị trường. Qua đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động, góp sức vào công tác giảm nghèo địa phương”.

Qua rà soát, đánh giá đến cuối năm 2023, toàn huyện có 542 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,99% (cùng kỳ năm 2022 là 2,89%); hộ cận nghèo giảm còn 696 hộ, chiếm 2,55% (cùng kỳ năm 2022 là 3,9%). Kết quả này chính là sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp về giảm nghèo. Trong đó, việc khuyến khích, nhân rộng những mô hình kinh tế mới đóng vai trò quan trọng. Từ đây, nhiều gia đình đã bứt phá vươn lên, vừa làm giàu cho chính mình, vừa trở thành động lực, tấm gương trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan