Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Đa dạng hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn

Những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển và đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất ở vùng nông thôn. Đây cũng là nội dung quan trọng thuộc tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.

Cơ sở sản xuất dầu lạc Làng An, xã Kim Thạch.

Thực hiện tốt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các ban ngành, đơn vị liên quan và các xã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn... với nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai trong thực tiễn. Qua đó góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện và đúng hướng. Năm 2023, giá trị khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện tăng 6,4% so với năm 2022.

Tại xã Kim Thạch, xác định thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất là nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, chính quyền địa phương đã chú trọng phát triển sản xuất, tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KTKT vào sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Từ chỗ sản xuất dựa chủ yếu vào một số cây trồng truyền thống, đến nay nông nghiệp ở Kim Thạch đã có bước chuyển mình tích cực. Đặc biệt, phải kể đến mô hình sản xuất sản xuất dưa lê, dưa lưới trong nhà lưới hữu cơ của Công ty Cổ phần quỹ đầu tư ISRAEL tại thôn Động Sỏi, được đánh giá phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Quá trình tổ chức sản xuất áp dụng cơ giới hoá các khâu làm đất, quản lý nhiệt độ, độ ẩm và chế độ tưới nước. Sản phẩm của mô hình đều được liên kết tiêu thụ 100%, mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, xã đã xây dựng vùng sản xuất ném an toàn, 01 mô hình sản xuất tiêu sạch và 60 ha tiêu ứng dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. HTX Hồ tiêu đã ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng ứng dụng Blockchain đối với sản phẩm Tiêu hữu cơ. Ngoài ra, sản phẩm Ném Vĩnh Kim, Dầu lạc Làng An đã có tem truy suất nguồn gốc. Các sản phẩm này đều được bán qua kênh thương mại điện tử và mạng xã hội như Lazada, Amazôn, Alibaba, facebook, zalo,...

Xã có 2 sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: Sản phẩm Dầu lạc Làng An được công nhận sản OCOP 3 sao; sản phẩm tiêu đỏ hữu cơ được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Không chỉ phát triển sản xuất gắn với thế mạnh của từng địa phương, việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng, tạo bước ngoặt trong phát triển sản xuất ở Vĩnh Linh. Ngành Nông nghiệp địa phương đã hướng dẫn nhiều HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật Hợp tác xã 2012; hướng dẫn thực hiện kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến nay, huyện có 77 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 75 HTX nông nghiệp, 02 HTX phi nông nghiệp. 535 THT, 155 trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn đang phát triển theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thành viên và thị trường. Năm 2023, doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp ước đạt trên 1 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân đạt 127 triệu đồng/HTX/năm.

Trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu được chứng nhận Hữu cơ, VietGAP và tương đương, trong đó tập trung các sản phẩm chủ lực của huyện. Trong đó, có thể kể đến 31,5 ha Hồ tiêu được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh) và 3,69 ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP (tại thôn Hoà Bình, xã Hiền Thành) của HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh; 05 ha Lúa đạt tiêu chuẩn VietGap của HTX DVNN tổng hợp Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm; 07ha cam được chứng nhận VietGap của HTX cây ăn quả Bến Quan (thị trấn Bến Quan); 4,5ha dưa hấu được chứng nhận VietGap của HTX NN Huỳnh Công Tây (xã Vĩnh Tú)...

Việc đổi mới trong tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn đã góp phần đưa thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn năm 2023 ở Vĩnh Linh lên 59,4 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,11%.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM các cấp giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tiêu chí tổ chức sản xuất đã được bổ sung nhiều chỉ tiêu mới so với giai đoạn trước. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương trên chặng đường xây dựng NTM. Nhưng với những nỗ lực không ngừng đến nay, Vĩnh Linh đã hoàn thành được tiêu chí này. 15/15 xã đạt tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 4/7/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị; góp phần thực hiện thắng lợi quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.

Trong chặng đường kế tiếp, huyện Vĩnh Linh tiếp tục tập trung rà soát, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, hình thành các mặt hàng nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường.

Bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông thôn hài hòa với phát triển đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường; bảo đảm tính liên kết vùng, thống nhất với quy hoạch xây dựng vùng, các quy hoạch chuyên ngành khác, bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và tập quán sinh hoạt.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; trong đó, chú ý phát triển mở rộng các mô hình kinh tế tiên tiến hiệu quả, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển sản xuất bền vững.

Tiếp tục xây dựng, phát triển các Liên minh Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác theo mô hình kinh doanh đa ngành, kể cả mở rộng loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; sử dụng đất đai theo hướng hiệu quả thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất sạch, an toàn và nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo có tính cạnh tranh trên thị trường.

Thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan