Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nguồn lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Linh

Trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, tiêu chí số 13- Tổ chức sản xuất và Phát triển kinh tế nông thôn được xem là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực thực hiện tốt tiêu chí này.

Để thực hiện hiệu quả tiêu chí số 13, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012. Công tác rà soát, tổ chức  thành lập hợp tác xã gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới được quan tâm thực hiện, nhất là đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đến nay, nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện đã không ngừng tăng về số lượng thành viên, nguồn vốn và doanh thu; chất lượng hoạt động cũng ngày càng ổn định và từng bước được nâng cao. Toàn huyện hiện có 75 HTX nông nghiệp, 535 THT, 155 trang trại hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông - ngư nghiệp; với tổng số thành viên các HTX nông nghiệp là 12.926 thành viên, THT là 2.115 thành viên, trong đó số thành viên có sử dụng dịch vụ của HTX là 11.531 thành viên. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 127 triệu đồng/HTX.  

Theo kết quả báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh, hiện nay tất cả 15/15 xã đều có ít nhất 1 HTX hoạt động hiệu quả, được thành lập và chuyển đổi hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, có tổ chức bộ máy cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, được hỗ trợ tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kế toán hợp tác xã; xây dựng điều lệ hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh, hằng năm có xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cung cấp dịch vụ của hợp tác xã. Riêng đối với 2 xã Vĩnh Ô và Vĩnh Khê đã thành lập và có Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Một trong những điểm nổi bật trong quá trình thực hiện tiêu chí số 13 ở huyện Vĩnh Linh đó là các địa phương trên địa bàn đã quyết liệt đẩy mạnh việc thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ để góp phần nâng cao giá trị  sản phẩm, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn và phát triển bền vững. Tính đến nay, 100% các xã đều có ít nhất một mô hình liên kết có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tập trung chủ yếu là liên kết sản xuất lúa, liên kết chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm nông nghiệp khác như tiêu, ném, dược liệu.

Điển hình như HTX nông sản Tây Vĩnh Thủy (xã Vĩnh Thuỷ) có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ có diện tích trên 12 ha, được áp dụng cơ giới hoá các khâu như làm đất, chế độ tưới nước tự động. Sản lượng trung bình năm đạt 102 tấn/năm và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị. HTX nông nghiệp Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang) có sản phẩm chủ lực là Bột đậu xanh tằm có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định với hệ thống cửa hàng của Bưu điện tỉnh Quảng Trị; tổng diện tích trồng của toàn xã là 80 ha, trong đó riêng HTX Cổ Mỹ trồng 30 ha.

Hay xã Kim Thạch có HTX Nông nghiệp Vĩnh Kim với sản phẩm chủ lực là Ném Vĩnh Linh có tổng diện tích trồng 96 ha, sản lượng bình quân 480 tấn và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định với công ty TNHH Dương Nhật Nguyên. Ngoài ra còn có các HTX như HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa với mô hình nuôi ong lấy mật, liên kết với Công ty TNHH phát triển nông nghiệp sạch Nam Hồng Quảng (Quảng Bình), các mô hình chăn nuôi trâu sinh sản của các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà liên kết với Công ty CP ĐT&CN Việt - Nhật (Quảng Bình); mô hình nuôi cá lóc của HTX Nuôi trồng thuỷ sản Vĩnh Thái liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Cá Mèn (TP Hồ Chí Minh)…

Gắn với việc thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới đối với các HTX, huyện cũng đặc biệt quan tâm, định hướng và đồng hành cùng các HTX trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Hiện tại toàn huyện đã có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm của các HTX đã thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như ném Vĩnh Linh, tiêu Vĩnh Linh, thanh long ruột đỏ, bột đậu xanh, dưa hấu, bột sắn dây… Cùng với đó, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện phát triển kinh tế hợp tác trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào sản xuất, giúp nâng cao đời sống bà con nhân dân. 

Với những nổ lực trong triển khai tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn đã góp phần đưa huyện Vĩnh Linh hoàn thành các mục tiêu đề ra trong hành trình xây dựng NTM. Đến nay, 100% xã trên địa bàn đều hoàn thành tốt tiêu chí số 13, 13/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt NTM nâng cao; 2 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí và huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, hiện đại, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, mỗi ngành, địa phương đều đã đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp như đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; khuyến khích sản xuất hàng hóa tập trung; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; đa dạng hóa các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP…

Phương Nga

More