Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tìm giải pháp gỡ khó cho các Hợp tác xã về thị trường tiêu thụ

Thời gian qua, với những chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương được ban hành, nền kinh tế tập thể ở huyện Vĩnh Linh có thêm điều kiện để phát triển. Các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, biết nắm bắt cơ hội sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu. Tuy nhiên, hầu hết HTX vẫn gặp khó khăn chung trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Vì vậy rất cần giải pháp tối ưu để các HTX tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2021, HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hoà) là một trong những HTX kiểu mới tiêu biểu của huyện Vĩnh Linh. Thời gian qua, HTX tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương như Hồ tiêu, Mật ong… Tuy vậy, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm này vẫn còn hạn chế.

Đơn cử như đối với sản phẩm “Mật ong nguyên chất Rú Lịnh”, dù đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao nhưng cũng đang dừng lại ở việc buôn bán nhỏ lẻ. Giám đốc HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa Trần Văn Hưng cho hay: “Trên địa bàn xã có 56 hộ phát triển mô hình nuôi ong với tổng số 600 đàn. Tổng đàn này cho khoảng 4.200 lít mật/năm. Nhờ phương thức nuôi ong mật lấy hoa tự nhiên nên chất lượng mật tốt, thơm ngon, ngọt thanh và không bị đổi màu dù bảo quản thời gian dài. Nhiều khách hàng tìm đến tận nơi để mua dùng hoặc làm quà biếu. HTX cũng tích cực tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm. Song hiện tại vẫn chỉ là tiêu thụ theo hình thức truyền thống, tự do trên thị trường. Mới đây chúng tôi có kí gửi sản phẩm tại một số địa chỉ bán hàng ở các thành phố lớn nhưng chưa có phản hồi về số lượng tiêu thụ”.

Không riêng HTX Nông sản xanh Vĩnh Hoà mà hiện nay rất nhiều HTX ở Vĩnh Linh vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của đơn vị mình. Như HTX Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (Vĩnh Lâm), mặc dù HTX đã xây dựng được thương hiệu “Gạo Vĩnh Lâm” sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, có đầy đủ chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, an toàn thực phẩm… Sản phẩm được đóng gói đúng quy cách, có bao bì, nhãn mác nhưng khi đưa ra thị trường lại gặp không ít rào cản.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá, Hoàng Quang Lâm cho biết: “Rào cản lớn nhất trong phát triển thị trường cho “Gạo Vĩnh Lâm” chính là nhiều người tiêu dùng chưa biết đến. Lâu nay, thói quen của họ vẫn là sử dụng gạo được bán ở chợ truyền thống hoặc các thương hiệu gạo được nhập khẩu từ Lào, Thái Lan. Hơn nữa, đến nay HTX chưa tìm được đơn vị để hợp đồng liên kết tiêu thụ; chưa đưa sản phẩm vào được hệ thống siêu thị. Hiện chúng tôi vẫn đang tự quảng bá qua các chương trình xúc tiến thương mại hoặc gửi bán lẻ tại các đại lý, cửa hàng tạp hoá ở địa phương”.

Từ câu chuyện của 2 HTX nêu trên cho thấy, việc kết nối cung cầu trong bối cảnh thị trường nhiều cạnh tranh hiện nay có ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo ra nguồn thu ổn định cho người dân mà còn thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng liên kết, hiện đại, bền vững. Do đó, việc xác định được nguyên nhân để có phương án tháo gỡ khó khăn cho các HTX là điều được các cấp ngành ở Vĩnh Linh quan tâm thực hiện.

Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Hữu Quyết cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc HTX loay hoay tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm là do sản xuất quy mô nhỏ, việc hình thành chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Ngoài ra, nhiều HTX chưa chú trọng đầu tư về quảng bá sản phẩm, mẫu mã còn nghèo nàn, nhiều sản phẩm sản xuất mang tính thời vụ nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chưa được thực hiện rộng rãi, hoặc có thực hiện thì vẫn còn nhiều bất cập như: Tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung; Mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, HTX và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo. Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, cho nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Trong các năm 2017, 2018, UBND huyện đã đứng trung gian để liên kết cho người nông dân, các HTX trong thực hiện liên kết sản xuất sản phẩm Dứa và Ớt với các doanh nghiệp ngoại tỉnh. Tuy nhiên các mô hình liên kết này cũng không thành công. Các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng liên kết.

Để giải quyết khó khăn này, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng và phát triển kênh phân phối, kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, kỹ năng thực hiện chế độ quản lý và phân tích báo cáo tài chính… để các HTX, THT ứng dụng vào việc bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hội chợ, chương trình kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho các HTX gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Đồng thời đề xuất cấp trên rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để HTX đầu tư đồng bộ các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất. Hằng năm, tỉnh, huyện cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản. Hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để các HTX có điều kiện đầu tư, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm OCOP.

Đứng ra làm trung gian, kết nối doanh nghiệp và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với HTX, nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững. Tăng cường công tác quản lý, dự báo, thông tin về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa - mất giá. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các HTX về thị trường tiêu thụ để HTX thực sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực kinh tế nông thôn.

Mỹ Hằng

More