Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh - Cổng thông tin

Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh phát triển cây dược liệu

Thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2026, tầm nhìn đến năm 2030, trong những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm phát triển vùng trồng cây dược liệu, gắn liền với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Công ty cổ phần dược liệu Bắc Hiền Lương giới thiệu sản phẩm tại Hội Báo xuân năm 2024.

Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh dược liệu hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã trồng mới tập trung được 31 ha cây dược liệu, chủ yếu là Tràm gió và Tràm năm gân. Diện tích này được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 162 của HĐND tỉnh tại các xã Vĩnh Thuỷ với 25 ha vào năm 2022, Vĩnh Tú 2 ha năm 2024, Vĩnh Chấp 2,3 ha năm 2024 và một phần do các hộ dân tự phát trồng với 1,7 ha năm 2023.

Sản lượng lá tươi thu hoạch hàng năm đạt khoảng 15-16 tấn/ha, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến tinh dầu trên địa bàn, với tổng sản lượng nguyên liệu ước đạt 450 tấn/năm. Mô hình trồng tràm lấy tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế khá, với thu nhập trung bình từ 30- 45 triệu đồng/ha/năm sau 18 tháng trồng. Ngoài cây tràm, một số diện tích nhỏ lẻ trồng sả cũng được ghi nhận. Tuy nhiên, hiện huyện chưa phát triển được mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng và chưa có vườn ươm giống cây dược liệu chuyên biệt.

Song song với phát triển vùng trồng, Vĩnh Linh cũng chú trọng đến khâu sơ chế, chế biến. Toàn huyện hiện có 8 cơ sở đang hoạt động, chủ yếu sản xuất tinh dầu (tràm, sả, ngũ sắc...), với tổng công suất đạt khoảng 3.520 lít thành phẩm mỗi năm. Các cơ sở này không chỉ góp phần tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 3- 5 lao động/cơ sở, với mức thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Nổi bật là Công ty cổ phần dược liệu Bắc Hiền Lương và Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Vĩnh Chấp, đây là hai đơn vị có vùng nguyên liệu tập trung, chủ động trong sản xuất và kinh doanh, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, sản phẩm "Tinh dầu tràm Mộc Sương" của Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Vĩnh Chấp đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2023, góp phần quảng bá sản phẩm dược liệu của địa phương.

Dù đạt được những kết quả tích cực, việc phát triển dược liệu ở Vĩnh Linh vẫn còn đối mặt với một số khó khăn. Quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ so với tiềm năng, chưa hình thành được sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất và tiêu thụ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ yếu có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu và chưa có diện tích trồng nào đạt các chứng nhận tiêu chuẩn cao như VietGap, Hữu cơ hay GACP-WHO. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng mới dừng ở mức độ thông thường.

Để khắc phục những hạn chế và phát huy tiềm năng, huyện Vĩnh Linh xác định tiếp tục phát triển các loại cây dược liệu phù hợp như tràm gió, tràm năm gân, sả... theo quy hoạch, với mục tiêu mở rộng vùng trồng tràm lên 100 ha và sả lên 30 ha. Đồng thời, huyện sẽ tập trung nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở chế biến, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Huyện cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo giống tràm gió có hàm lượng tinh dầu cao và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào khâu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như thực phẩm chức năng hay thuốc y học cổ truyền, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững ngành hàng dược liệu trên địa bàn.

BBT

More