Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Xóa đói giảm nghèo các xã miền núi huyện Vĩnh Linh, nhìn từ một đề án. Bài 2: “Quả ngọt” từ đề án
- 08-11-2022
- 374 lượt xem
Về đích NTM của xã Vĩnh Hà là một trong những “quả ngọt” của đề án phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao của huyện Vĩnh Linh, là động lực thúc đẩy 2 xã đặc biệt khó khăn còn lại tiếp tục vươn lên trong hành trình xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng NTM. Cùng với các kết quả đạt được khác, trong quá trình triển khai đề án đã ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện Vĩnh Linh suốt nhiều năm qua.
Xã về đích đầu tiên
Những ngày cuối tháng 6/2022, xã Vĩnh Hà long trọng tổ chức đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là 1 trong 3 xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Linh. Vĩnh Hà là địa phương đầu tiên trong Đề án 1695 về đích NTM. Toàn xã hiện có trên 800 ha cao su, trong đó có 750 ha đưa vào khai thác với sản lượng ước đạt khoảng 2.363 tấn/năm. Cùng với cao su, cây lâm nghiệp cũng được chú trọng phát triển và bảo vệ, với khoảng 1.020,5 ha rừng trồng các loại.
Hiện GRDP bình quân đầu người toàn xã đạt 37,1 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%; dân cư 5/5 thôn đã xây dựng được nhà kiên cố và bán kiên cố. Không những xóa được nhà tạm bợ mà nhờ đời sống đi lên, người dân biết quan tâm đến việc chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xây dựng cổng, tường rào, mái che; xây dựng đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. So với thời điểm khi bắt tay xây dựng NTM chỉ đạt 1/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM quốc gia thì kết quả trên là sự đổi thay vượt bậc.
Xã Vĩnh Hà đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 - Ảnh: L.T
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà Nguyễn Văn Thao cho biết: Vĩnh Hà về đích NTM là nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện, các cấp ngành, đoàn thể giúp địa phương xây dựng được một lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi. Xã xác định nông nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế nên từng bước bố trí, sắp xếp lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động người dân tham gia các mô hình kinh tế mới.
Thực hiện Đề án 1695, địa phương đã lồng ghép, huy động được nguồn lực để xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân. Các mô hình hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật của huyện đã tiếp thêm động lực cho các hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Những năm gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định.
Sau khi thực hiện xong giai đoạn 1 Đề án 1695, thôn Bãi Hà (năm 2019 thôn Bãi Hà sáp nhập với thôn Xóm Mới thành thôn Bãi Hà Mới) vẫn còn 22/29 hộ nghèo, chiếm 75,86%; 1 hộ cận nghèo, chiếm 3,4%. Sau 4 năm thực hiện, các mô hình hỗ trợ của huyện tại bản hầu như đều không đem lại hiệu quả. Bước vào giai đoạn 2, UBND xã Vĩnh Hà đã có sáng kiến thành lập Tổ dân vận khéo phát triển kinh tế thôn.
“Tổ dân vận khéo được thành lập để động viên, hỗ trợ người dân thay đổi thói quen và phương thức canh tác. Thành viên của tổ là cán bộ cốt cán của thôn, gặp gỡ trực tiếp với người dân hằng ngày nên việc tuyên truyền vận động dễ dàng hơn”, ông Thao chia sẻ.
Là Tổ trưởng Tổ dân vận khéo phát triển kinh tế thôn Bãi Hà cũ, ông Mai Văn Tá cho biết: “Tôi nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Bãi Hà thời đó. Là một đảng viên, khi được giao nhiệm vụ tuyên truyền bà con thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, tôi cũng lo lắm. Để thuyết phục người dân tin lời mình nói, tôi phải làm gương. Nhà tôi nuôi bò, theo hướng dẫn của cán bộ, tôi về làm chuồng trại, không thả rông trong rừng, tiêm phòng đầy đủ nên đàn bò ngày càng phát triển. Năm nào gia đình tôi cũng có bò xuất chuồng, tổng đàn luôn duy trì 4 – 5 con.
Từ mô hình chăn nuôi của mình, tôi hướng dẫn người dân cách buổi sáng lùa bò đến đồng cỏ thả, tối thì lùa bò về chuồng, không thả rông như trước. Vì nếu thả rông, bò vào rừng dễ mất hoặc phá cây cối, hoa màu của người khác phải bồi thường thiệt hại… Nhờ vậy, 4 hộ dân được hỗ trợ 8 con bò giống đợt 2 nay đã phát triển lên 39 con”.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Đều đặn mấy năm trở lại đây, khi vườn cao su cho thu hoạch thì công việc mỗi ngày của vợ chồng anh Hồ Văn Linh, thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Khê đều bắt đầu từ khoảng 2 – 3 giờ sáng. Phải dậy sớm làm việc từ khi người dân trong bản đang ngon giấc tuy vất vả nhưng đổi lại, cuộc sống gia đình anh nhờ vậy mà ấm no, hạnh phúc hơn.
Gần 2 ha cao su cho thu hoạch, vợ chồng anh Linh có thu nhập 250 – 300 nghìn đồng/lần khai thác (2 ngày khai thác 1 lần). Ngoài cao su, gia đình anh Linh còn có 3 ha tràm, 10 con dê, 4 con bò. Anh Linh chính thức bước ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn vào năm 2020.
“Trước đây, chúng tôi rất sợ nếu thoát nghèo thì sẽ không còn được nhận các khoản trợ cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, vào năm 2018, khi nhận một con bò giống từ chương trình hỗ trợ của ngân hàng bò giống Huyện đoàn Vĩnh Linh, tôi đã cam kết phấn đấu thoát nghèo. Ban đầu tôi lo lắm nhưng nhờ đó, tôi lại có động lực hơn để phấn đấu”, anh Linh chia sẻ.
Cao su là một trong những cây trồng có hiệu quả kinh tế ở miền núi huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.T |
Sau khi nhận bò giống, anh Linh được địa phương cho tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi nên đã tìm hiểu và đầu tư thêm mô hình nuôi dê, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện con bò giống được nhận chuẩn bị sinh sản lần thứ 5. Ngoài con đầu tiên chuyển giao cho đoàn viên trong xã theo quy định, những con bò còn lại đều trở thành tài sản của gia đình anh.
Dẫn chúng tôi ra địa điểm chuẩn bị trồng lứa cao su mới, ông Mai Văn Thông, thôn Bãi Hà Mới, xã Vĩnh Hà, phấn khởi khoe: “Đất đai đã cày xới, đào hố xử lý và ủ phân chuồng hoai mục theo đúng hướng dẫn tại lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây cao su do cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh trực tiếp về địa phương giảng dạy. Giờ tôi chỉ chờ nguồn giống hỗ trợ của huyện cho mô hình trồng mới cây cao su”.
Diện tích trồng mới cây cao su này được ông chuyển đổi từ 1 ha đất trồng sắn trước đây của gia đình. Năm 2006, gia đình ông từng được hỗ trợ trồng 1,5 ha cao su từ nguồn vốn dự án đa dạng hóa, đến năm 2013 thì vườn cây cho thu hoạch. Nhờ khai thác mủ cao su mỗi ngày mà gia đình ông có tiền trang trải cuộc sống, nuôi 3 con đi học. Vậy nhưng gia đình ông vẫn là một hộ nghèo của thôn.
Hỏi lý do, ông nói: “Vì cao su cho mũ ít, con lại đông nên cứ nghèo mãi”. Nhưng lý do chính là do ông chưa chú trọng đến việc áp dụng kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và khai thác nên vườn cao su ngày một cằn cỗi, lượng mũ khai thác được không nhiều. “Lần này rút kinh nghiệm rồi, tôi thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Tôi rất mong được thoát nghèo bền vững”, ông Thông bộc bạch.
Cùng chung mong muốn đó, từ ngày được hỗ trợ trâu từ Đề án 1695, bà Hồ Thị Yên, thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, chăn thả và chăm sóc cẩn thận. Chỉ vào chuồng trâu được làm sau nhà, bà khoe: “Trước đây không có chuồng, trâu cứ ăn ngủ trong rừng, có đẻ trong rừng cũng không ai biết. Nay có chuồng nên tui yên tâm cái bụng”. Ý thức được vậy nên dù bận rộn đến đâu, đúng 5 giờ 30 phút hằng ngày bà đều lùa 3 con trâu lên bãi chăn thả cách nhà 2 km. “Đàn trâu là hy vọng thoát nghèo của gia đình, nên tui phải chăm cho kỹ”, bà Yên chia sẻ.
Xây dựng mô hình điểm
Năm 2022, xã Vĩnh Khê có 16 mô hình sản xuất được hỗ trợ, xã chọn xây dựng 1 mô hình điểm trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt tại hộ gia đình ông Hồ Văn Trai, ở thôn Xung Phong.
Đón đầu nguồn hỗ trợ này, từ năm 2021 gia đình ông Trai trồng 0,5 ha cỏ voi dưới diện tích đất tận dụng hành lang lưới điện đường dây cao thế 500 KV đi qua địa phương, đồng thời chuẩn bị chuồng trại chu đáo. Vì thế, đầu tháng 3/2022, ông nhận 5 con bò giống của huyện hỗ trợ về là có sẵn nguồn thức ăn, đàn bò nhanh chóng thích nghi với môi trường chăn nuôi của gia đình. Mới chăn nuôi 6 tháng, ông Trai đã nhờ cán bộ thú y xã 2 lần về tiêm phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn gia súc.
Với ý tưởng sẽ tự tay chăm sóc và nhân giống đàn bò, ông Trai vừa đầu tư vốn mua thêm một con bò đực, vừa tìm hiểu đặt mua hạt giống cỏ về để tự ươm trồng, thay thế vườn cỏ voi sắp già cỗi của gia đình để đảm bảo nguồn thức ăn chất lượng cho đàn bò. “Cách nuôi bò có chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ như ông Trai còn khá mới mẻ với người dân tộc thiểu số của huyện Vĩnh Linh nhưng sẽ là nhân tố điển hình để người dân nơi đây học tập, noi theo”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục phấn khởi nói.
Tổng nguồn lực đầu tư cho 3 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh trong việc thực hiện đề án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững qua 3 giai đoạn tính đến năm 2022 gần 97 tỉ đồng (giai đoạn 2012-2015 trên 29 tỉ đồng; giai đoạn 2016-2020 trên 47,5 tỉ đồng; kế hoạch thực hiện năm 2022 gần 20 tỉ đồng). Số hộ nghèo của 3 xã được hỗ trợ mô hình kinh tế từ đề án là 970 hộ, trong đó, giai đoạn 2012-2015 là 370 hộ; giai đoạn 2016-2020 là 556 hộ; năm 2022 là 44 hộ. Từ năm 2012 đến 2020 các hộ được hỗ trợ chia thành nhiều lượt. |
Thuộc thế hệ 8x, anh Hồ Văn Kính, thôn Thúc, xã Vĩnh Ô, được coi là tấm gương về sự nỗ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2017, anh được nhận 1 con bò lai từ nguồn hỗ trợ của Đề án 1695. Tuy nhiên, quá trình nuôi, anh thấy giống bò này không phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên đã làm đơn xin đổi từ bò sang trâu. Nhờ vậy, từ con trâu giống ban đầu của huyện hỗ trợ, nay đàn trâu của nhà anh Kính đã phát triển lên 3 con. Nhà anh Kính có hẳn hai chuồng trâu, một ở Khe Tua, gần khu vực chăn thả để tiện việc chăn giữ trâu mỗi ngày; một chuồng trâu gần nhà để tránh mưa lũ.
“Vào mùa mưa bão, do địa hình xã Vĩnh Ô phức tạp, rất dễ bị chia cắt nên phải có chỗ cao ráo cho trâu ở, tránh bị ngập lụt, thiệt hại tài sản”, anh Kính cho biết. Chính sự chịu khó, chủ động sáng tạo trong sản xuất, giai đoạn này anh Kính được xã Vĩnh Ô lựa chọn hỗ trợ thực hiện mô hình điểm chăn nuôi với nguồn vốn đầu tư 100 triệu đồng từ đề án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững giai đoạn 3 của huyện.
Điểm đáng quý từ người thanh niên này là anh đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân trong thôn dần thay đổi phương thức canh tác lạc hậu vốn đã tồn tại rất lâu trong nếp nghĩ. Do được học thú y nên anh thường xuyên vận động người dân tiêm phòng cho vật nuôi trong gia đình. Trước đây, mỗi khi vận động, bà con cứ giữ nguyên quan điểm “suốt ngày chăn trâu thì lấy gì ăn, mà trâu, bò không đau bao giờ”. Nhưng nay, thấy đàn trâu của gia đình anh phát triển tốt, nhiều người dân đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Mỗi khi đi tiêm phòng hay họp thôn, anh Kính đều tranh thủ tuyên truyền cho người dân, ngoài ra, anh còn trao đổi kinh nghiệm với những thôn khác để từng bước thay đổi tư duy, quan niệm của bà con.
“Được lựa chọn hỗ trợ làm mô hình điểm trong phát triển kinh tế, tôi đã cam kết với UBND xã cũng như với bản thân mình phải quyết tâm chăn nuôi đàn trâu hiệu quả. Tôi xác định mô hình này không chỉ phục vụ gia đình mình mà còn để bà con trong thôn học hỏi, làm theo”, anh Kính khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Hồ Văn Đàn: “Xã Vĩnh Ô có 7/11 thôn, bản đặc biệt khó khăn nằm trong diện hỗ trợ theo đề án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững của huyện. Để hỗ trợ người dân phát huy hiệu quả mô hình được hỗ trợ, xã phân công cán bộ về phụ trách từng thôn để theo dõi, giám sát kế hoạch thực hiện đề án. Tuyệt đối không để người dân bán, tặng hoặc sử dụng sai mục đích giống cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ từ mô hình. Về sau, chúng tôi không thực hiện hỗ trợ dàn trải, tập trung cho hộ nghèo như trước mà ưu tiên hộ có ý chí, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho người dân trên địa bàn học tập, nhân rộng mà trường hợp anh Hồ Văn Kính là một ví dụ”.
Bài 3: Những khó khăn đặt ra từ thực tiễn
Lâm Thanh - Phan Hoài Hương (Nguồn: http://baoquangtri.vn/Chinh-tri/modid/415/ItemID/171007?title=Xoa-doi-giam-ngheo-cac-xa-mien-nui-huyen-Vinh-Linh-nhin-tu-mot-de-an-Bai-2-%E2%80%9CQua-ngot%E2%80%9D-tu-de-an)
- Xóa đói giảm nghèo các xã miền núi huyện Vĩnh Linh, nhìn từ một đề án. Bài 1: Chủ trương “đi tắt đón đầu” (08/11/2022)
- Năm 2022 là năm thứ 10 thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 (07/11/2022)
- Vĩnh Linh: Tập huấn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (04/11/2022)
- Cấp thẻ BHYT đối với người cao tuổi, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh (03/11/2022)
- Kiểm tra công tác chuẩn bị diễn tập động viên năm 2022 (02/11/2022)
- Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh: Hội thi thiết kế đồ dùng, thiết bị dạy học (02/11/2022)
- Tuyên truyền vận động người dân trong công tác GPMB đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông- Tây (01/11/2022)
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2022 (01/11/2022)
- Hưởng ứng ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt 2/11 (31/10/2022)
- Triển khai Tháng hành động động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (28/10/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)