Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở

Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019- 2022”, huyện Vĩnh Linh luôn quan tâm, chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đức Trí, cho biết: “Huyện đã chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở thông qua các cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, xã để đội ngũ hòa giải viên có nơi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; phát các tài liệu, sách, báo, sổ tay hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên.  Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên chú trọng xây dựng, kiện toàn số lượng, thành phần mỗi tổ hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, lựa chọn, xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải”.

Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh149 tổ hòa giải, gần 1.100 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên hầu hết là những người am hiểu về pháp luật, người có uy tín, người được nhân dân tin tưởng. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã cử 545 hòa giải viên tham gia tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, cấp phát 149 sổ ghi kết qủa hòa giải, 298 tài liệu kiến thức pháp luật, 456 tài liệu nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên. Các hòa giải viên nắm được Luật Hòa giải cơ sở, kỹ năng, quy trình hòa giải cơ sở, việc lập văn bản hòa giải thành, hòa giải không thành, việc ghi sổ theo dõi hoạt động hòa giải cơ sở đầy đủ các nội dung theo quy định. Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, thị trấn thường xuyên đến các thôn, bản, khu phố hướng dẫn, góp ý, bổ sung kiến thức, những quy định mới cho đội ngũ hoà giải viên, giúp đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở nhận thức đầy đủ về kiến thức pháp luật nhất là lĩnh vực đất đai và hôn nhân gia đình...

Tổ hòa giải thôn Tân An, xã Vĩnh Giang có 5 thành viên là những người có uy tín trong cộng đồng. Trong đó tổ trưởng là khu phố trưởng và các thành viên là đại diện các tổ chức trong khối mặt trận gồm: phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh và người cao tuổi. Thời gian qua, mỗi khi trong thôn xảy ra trường hợp mâu thuẫn gây mất đoàn kết, các thành viên lại cùng nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải thích theo phương châm “đúng sai phân minh” - “lý tình trọn vẹn” nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận hài hòa, thống nhất vui vẻ và xóa tan tranh chấp. Vận động Nhân dân không gây mất đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chấp hành pháp luật, nội quy, quy định của địa phương.

Chị Trần Thị Nhung, Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn Tân An, thành viên tổ hòa giải thôn Tân An, xã Vĩnh Giang cho biết: “Người dân gặp bất cứ chuyện gì, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái đến tranh chấp đất đai, bất hòa với nhau, họ đều tìm đến nhờ cán bộ khóm phố tư vấn, giải quyết. Khi đó, chúng tôi phải nhanh chóng xác minh cụ thể từng sự việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bên, từ đó tìm ra nguyên nhân rồi phân tích thấu tình đạt lý cho cả hai bên hiểu. Từ đó góp phần  giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng. Thời gian qua, trên địa bàn thôn có 10 vụ việc được tổ hòa giải, hòa giải thành”.

Việc phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên cơ sở là điểm mấu chốt giúp “hóa giải” các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự như: hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Từ năm 2020 đến nay các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 518 vụ hòa giải. Trong đó, năm 2020: 153 vụ, năm 2021: 148 vụ, 9 tháng 2022: 217 vụ. Hoà giải thành 370 vụ; các vụ việc hòa giải không thành đều được hòa giải viên hướng dẫn chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu kiện kéo dài trong Nhân Dân; góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định.

Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019- 2022” tại huyện Vĩnh Linh đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức của hòa giải viên ở cơ sở, nêu cao trách nhiệm trong xử lý vụ việc, số vụ việc hòa giải thành tăng, kịp thời giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư; hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở và khiếu kiện vượt cấp; hình thành ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nề nếp “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cộng đồng dân cư.

Tuy vậy việc thực hiện đề án vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Việc xây dựng đội ngũ tập huấn viên chưa được kịp thời, đội ngũ tập huấn viên chưa được tập huấn nghiệp vụ, kỷ năng hòa giải nên phát huy vai trò của đội ngũ này. Việc bố trí kinh phí hòa giải nói chung, kinh phí cho việc thực hiện Đề án nói riêng ở cấp xã còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách chưa thực hiện được. Nguyên nhân cốt lõi của những hạn chế này được xác định do đề án được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 nên nhiều hoạt động bị hạn chế, kinh phí cắt giảm để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết: “Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới huyện Vĩnh Linh đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, chỉ đạo Phòng Tư Pháp huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản, hướng dẫn về công tác hòa giải một cách kịp thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải. Đồng thời thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên… Qua đó, phát huy tối đa vai trò của các tổ hòa giải, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội ở địa phương”.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan