Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11 năm 2022: “Tiếp cận chăm sóc người bệnh đái tháo đường”

Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chi, bệnh lý võng mạc...

Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường là một bệnh mãn tính nhưng nó có thể dự phòng, phát hiện sớm và kiểm soát được. Bạn có thể sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh với bệnh đái tháo đường nếu bạn xây dựng và duy trì được một lối sống lành mạnh.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường năm 2022 với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc người bệnh đái tháo đường” và thực hiện Kế hoạch triển khai khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường năm 2022 của Sở Y tế Quảng Trị do Qũy sức khỏe Việt Nam (VCF) tài trợ, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh đã triển khai khám sàng lọc cho 1.250 người dân tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện gồm thị trấn Hồ Xá, Hiền Thành, Kim Thạch, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm và triển khai các hoạt động truyền thông tại các xã, thị trấn trên địa bàn.

Qua công tác khám sàng lọc đã phát hiện được nhiều bệnh nhân có nguy cơ tăng huyết áp, có chỉ số đường huyết cao để kịp thời tư vấn, hướng dẫn các chế độ ăn uống lành mạnh, các biện pháp phòng bệnh kịp thời.

Để phòng bệnh đái tháo đường, mọi người cần thực hiện tốt những điều sau:

Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp

Ăn đúng giờ: không nên ăn quá nhiều trong một bữa nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Khẩu phần ăn cân đối. Nên ăn nhiều rau xanh; hạn chế đồ ngọt (bánh, kẹo…), chất béo từ động vật, thay thế bằng thức ăn chứa nhiều chất béo từ thực vật. Tăng cường thức ăn chế biến bằng cách luộc, hấp. Hạn chế thức ăn rán, xào.

Giảm ăn mặn: nêm bớt muối nước mắm, bột canh, mì chính khi nấu ăn. Hạn chế để muối và gia vị trên bàn ăn. Hạn chế ăn các thực phẩm mặn như dưa muối, cà muối, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.

Tăng cường vận động thể lực

Tăng cường vận động thể lực phù hợp với tình trạng sức khỏe, đơn giản nhất là đi bộ, lên xuống cầu thang, làm việc ngoài vườn. Luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong một tuần, đi bộ nhanh, đạp xe, chơi bóng bàn, cầu lông, bơi. Hạn chế xem tivi, sử dụng máy tính. Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá.

Duy trì cân nặng phù hợp theo chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18- 23.

Cách tính BMI = cân nặng (kg)/ chiều cao (m) x chiều cao (m).

Khám xét nghiệm đường huyết định kỳ

Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Người bình thường xét nghiệm 1 lần/năm, người có nguy cơ 2 lần/năm. Xét nghiệm máu 8 giờ sau ăn (đường huyết lúc đói) để biết được chính xác tình trạng đường huyết của mình. Dựa vào chỉ số đường huyết lúc đói bác sĩ sẽ kết luận sơ bộ tình trạng đường huyết của bạn:

Đường huyết lúc đói      < 100 mg/dl           : là bình thường

Đường huyết lúc đói      100 – 126 mg/dl    : tiền đái tháo đường

Đường huyết lúc đói      > 126 mg/dl           : đái tháo đường

Người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gồm:

- Tuổi trên 45.

- Đang mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, các bệnh rối loạn lipid máu.

- Thừa cân, BMI > 23 Kg/m2.

- Có tiền sử sinh con to > 3,5 kg hoặc có tiền sử chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

- Có người thân trực hệ mắc bệnh đái tháo đường.

- Được chẩn đoán tiền đái tháo đường.

- Không hoặc ít hoạt động thể lực...

Để chủ động phòng chống bệnh đái tháo đường mỗi người dân, đặc biệt người có yếu tố nguy cơ cần có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra.

BBT

More