Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Vĩnh Linh

Từ khi Chỉ thị số 13 ngày 12/01/2017 của ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng” được ban hành, công tác này tiếp tục được huyện Vĩnh Linh triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và toàn thể nhân dân. Nhờ vậy, rừng được bảo vệ và phát triển ổn định hơn về số lượng và chất lượng, độ che phủ rừng tiếp tục tăng.

Xác định việc bảo vệ và phát triển rừng nếu được triển khai thực hiện tốt sẽ sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, sau khi Chỉ thị số 13 có hiệu lực, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Linh đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng huyện Vĩnh Linh có 12 thành viên. Đối với cấp xã có 11 BCĐ, 08 đội, 48 tổ quần chúng bào vệ rừng. Các BCĐ thuộc 2 chủ rừng: Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải cũng thành lập, kiện toàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng. Kêu gọi sự tham gia, phát huy trách nhiệm của cả cộng đồng dân cư nhằm quản lý chặt chẽ rừng, đất rừng, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có. Song song với đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng cây giống có năng suất, chất lượng cao theo hướng thân thiện với môi trường. Đặc biệt là phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn, hướng đến cấp chứng chỉ FSC nhằm nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng.

Theo thống kê, huyện Vĩnh Linh hiện có trên 33,1 ngàn ha diện tích đất có rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 13,1 ha; rừng trồng trên 20 ha. Phân theo chức năng, rừng đặc dụng có 97,84 ha; rừng phòng hộ có 12,6 ngàn ha; rừng sản xuất gần 19,4 ngàn ha; và trên 1 ngàn ha các loại rừng khác. Hàng năm, trồng mới được 2.000ha rừng tập trung. Khai thác từ 220 ngàn m3 gỗ rừng trồng trở lên. Tỉ lệ che phủ rừng của huyện đến hết năm 2022 đạt 51%.

Chất lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao thông qua việc quản lý nguồn gốc, chất lượng cây giống đảm bảo, cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc rừng. Năng suất gỗ rừng trồng bình quân đạt 25m3/năm. Hiện nay, có hơn 9 ngàn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương sớm thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng là tổ chức và hộ gia đình. Việc được cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, tăng tỷ trọng gỗ gia dụng; góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Theo đánh giá, rừng được trồng theo chứng chỉ FSC có chất lượng gỗ rất tốt, sản phẩm gỗ tăng từ 15 đến 20 lần so với trước đây, doanh thu bình quân đạt 300 đến 350 triệu đồng/ha.

Huyện Vĩnh Linh quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn các điểm lấn chiếm rừng, đất rừng và tránh nguy cơ tái lấn chiếm, hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại. Từ năm 2017- 2022, có 116 vụ vi phạm. Cụ thể: Phá rừng đặc dụng 8 vụ; Khai thác rừng trái phép 6 vụ; vi phạm quy định về PCCC rừng 8 vụ; vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép 17 vụ; và 77 vụ vi phạm khác. Đã xử lý 98/116 vụ. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 227 tỷ đồng. Tịch thu 390m3 gỗ. Mặt khác chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do cháy rừng gây ra. Đã xây dựng và thực hiện phương án PCCC rừng giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo lực lượng Kiểm Lâm thường xuyên cập nhật dự báo cháy rừng trên địa bàn để tổ chức trực PCCC rừng. Từ năm 2017, xảy ra 8 vụ cháy. Mặc dù, tình hình thời tiết cực đoan nhưng số vụ và mức độ thiệt hại do cháy đều giảm qua các năm.

Một điểm sáng nữa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Vĩnh Linh chính là thực hiện thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trường, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về công tác bố trí dân di cư tự do và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đất đai của các công ty lâm nghiệp để người dân hiểu, thực hiện. Chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về đất đai, quy hoạch ba loại rừng theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển đổi diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do nhằm tạo thêm quỹ đất để bố trí đất ở, đất sản xuất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do, quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Từ năm 2012 đến nay đã giao 545,5ha rừng tự nhiên phòng hộ cho cộng đồng dân cư.

Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay ở Vĩnh Linh vẫn còn một số tồn tại, bất cập, như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, coi công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn…

Trong những năm tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy về hiện tốt nhiệm vụ quản lý vào bảo vệ rừng theo tinh thần Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Căn cứ nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện  lần thứ  XIX đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực này để triển khai  đồng bộ, nhất quán và hiệu quả; chủ động bố trí nguồn lực trong điều kiện của huyện để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài nguồn lực ngân sách của địa phương, phải tăng cường cơ chế, chính sách, hoạt động thu hút đầu tư, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội cùng tham gia với chính quyền, địa phương trong công tác này.

Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, vẫn còn nhiều vi phạm, hạn chế. Do đó sẽ đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tố giác hành vi vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng”, có cơ chế bảo vệ người dân khi tố giác các hành vi vi phạm . Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị các cấp, ngành tăng cường công tác thanh kiểm tra, xác định những địa bàn trọng điểm để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra phá rừng trên địa bàn quản lý, bảo vệ trên tinh thần “Không có vùng cấm, ngoại lệ”, cương quyết thu hồi và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những dự án đầu tư để mất những diện tích rừng được giao...  Từ những giải pháp phù hợp thực tiễn sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mỹ Hằng

More