Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Quan tâm chính sách phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Vân Kiều

Thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác vùng dân tộc thiểu số.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Khê.

Đến nay, huyện Vĩnh Linh có 1 người được đào tạo và cấp Chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; 104 cán bộ, công chức, viên chức công tác vùng dân tộc thiểu số được cấp Chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

Về thực trạng sử dụng tiếng nói, chữ viết dân tộc trong cộng đồng, toàn huyện hiện có 3 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học với 409 học sinh, trong đó có 400 học sinh là người dân tộc; 1 trường PTDTNT với 251 học sinh, trong đó có 249 học sinh dân tộc. Ngành học mầm non có 3 trường với 90 trẻ nhà trẻ, 235 trẻ mẫu giáo.

Hằng năm, các trường đều tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm về nét văn hóa dân tộc và tham gia các hoạt động để bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra, các trường học, các trung tâm học tập cộng đồng tại 3 xã miền núi tuyên truyền bằng các hình ảnh, panô về trang phục, văn hóa dân tộc nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống người dân tộc.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc ở huyện Vĩnh Linh còn gặp khó khăn. Đó là, địa bàn vùng núi xa xôi, đi lại hiểm trở làm ảnh hưởng đến công tác giáo dục; đội ngũ giáo viên tại vùng miền núi còn thiếu về cơ cấu môn học; việc dạy tiếng nói, chữ viết Bru- Vân Kiều cho học sinh đồng bào dân tộc còn gặp trở ngại do thiếu kinh phí, chưa có tài liệu được phê duyệt.

BBT

More