Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Triển khai mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp

Ngày 15/3/2023, tại xã Vĩnh Hòa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh phối hợp với Hội LHPN xã Vĩnh Hòa tổ chức hội nghị triển khai mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp. Tham dự hội nghị có lãnh đạo, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hòa, Hội LHPN xã Vĩnh Hòa, Công ty Cổ phần Tương lai Nhật Việt và gần 180 hộ gia đình tham gia mô hình.

Tiến sỹ Nhật Bản Sugi Yama - Công ty CP Tương lai Nhật Việt giới thiệu hướng dẫn về chế phẩm sinh học và các biện pháp tái chế, chế biến chất thải chăn nuôi, phụ phẩm cây trồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được Tiến sỹ Nhật Bản Sugi Yama - Công ty Cổ phần Tương lai Nhật Việt giới thiệu về những tính năng vượt trội của chế phẩm sinh học mới và hướng dẫn quy trình ứng dụng cộng nghệ sinh học trong việc tái chế biến chất thải chăn nuôi, phụ phẩm cây trồng thành nguyên liệu thân thiện môi trường, nguyên liệu hữu cơ để làm phân bón hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Hướng dẫn người dân sản xuất sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm… hợp lý, an toàn với cây trồng, vật nuôi góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí dần hình thành môi trường sinh thái bền vững, giảm hiệu ứng nhà kính.

Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi kỹ hơn về kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học dùng để xử lý đối với chất thải rắn, nước thải chăn nuôi… Qua đây, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; khuyến khích phát triển các phương án ứng dụng công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải nông nghiệp, phế phụ phẩm nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; đảm bảo môi trường sống người dân khu vực nông thôn xanh, sạch đẹp, an toàn, văn minh, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới trước năm 2025.

Theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, để huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ tiêu 7.3 thuộc tiêu chí số 7 về môi trường quy định “huyện có tối thiểu 1 mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên.

Chất thải hữu cơ là chất thải dễ phân hủy sinh học, có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật, phát sinh từ sinh hoạt, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ làng nghề và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn nông thôn. Chất thải hữu cơ có thể thu hồi, sử dụng trực tiếp cho các mục đích sử dụng khác mà không cần qua chế biến hoặc có sơ chế như cắt, nghiền… hoặc qua các công đoạn xử lý, tái chế thành các dạng sản phẩm khác, có giá trị sử dụng, hạn chế tác động, ảnh hưởng đến môi trường.

Phụ phẩm nông nghiệp (phụ phẩm trồng trọt) là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cây trồng và sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác nông nghiệp. Phụ phẩm nông nghiệp có 2 dạng: Dạng vô cơ (vỏ bao gói, túi đựng, chai lọ, màng phủ, vật chắn, lưới chắn, giá cây) và dạng hữu cơ (rơm rạ, vỏ trái cây, phần thải loại từ hoạt động sơ chế, chế biến). Phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ hầu hết có nguồn gốc từ thực vật.

Tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp là hoạt động có áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ có tính chất vật lý (cắt, nghiền, ủ, ép, đóng bánh…) hoặc hóa học (hóa chất, chất phân hủy hữu cơ) hoặc sinh học (nấm men, nấm mố, côn trung, vi khuẩn, chế phẩm sinh học). Để thay đổi tính chất của chất thải hữu cơ thành các dạng dễ tiêu, dễ phân hủy, từ đó chế biến thành các sản phẩm có tính chất hàng hóa hoặc có thể sử dụng cho các mục đích khác như nhiên liệu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…

Sản phẩm thân thiện môi trường: Là sản phẩm mà quá trình sản xuất và tiêu thụ chúng không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

 

Hải Yến

Bài viết liên quan