Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tiếp tục hỗ trợ các xã miền núi phát triển kinh tế - xã hội

Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương cùng với sự giúp đỡ của Nhân dân toàn huyện, đến nay đời sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Vĩnh Linh ngày càng được nâng lên, bộ mặt bản làng ngày càng đổi mới. Mục tiêu giảm nghèo cho các thôn bản của huyện Vĩnh Linh đối với các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê đạt được kết quả quan trọng.

Đến nay, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng; đời sống không ngừng cải thiện; hộ nghèo giảm khá nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,3%/năm. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Ô đạt 27 triệu đồng/năm; Vĩnh Hà 40 triệu đồng/năm và Vĩnh Khê khoảng 38 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở các địa phương này chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo bình quân còn ở mức cao; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, kinh tế tập thể chưa phát triển… Nguyên nhân tình trạng này được xác định là do Xuất phát điểm của vùng đồng bào DTTS còn thấp so với bình quân cả huyện, hệ thống cơ sở hạ tầng con kém, trình độ dân trí thấp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục trong nhiều năm. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tư tưởng còn ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, thiếu ý thức vươn lên.

Để khắc phục tình trạng này, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong công tác giảm nghèo ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà để tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản.

Triển khai các dự án phát triển sản xuất phát triển kinh tế đến với các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời rà soát, thông kê hộ nghèo, cận nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm để có kế hoạch, biện pháp giúp đỡ thiết thực và xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Đối với các mô hình kinh tế khi triển khai huyện yêu cầu có sự cam kết của các hộ gia đình, tránh tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại. Đồng thời thực hiện tổng hợp các giải pháp, chính sách: bảo hiểm y tế, tín dụng ưu đãi, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động… để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan