Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
70 năm truyền thống Đồn Biên phòng Cửa Tùng
- 19-11-2024
- 72 lượt xem
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 21/7/1954 thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương. Ngày 25/8/1954, đại diện quân đội Pháp phải ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc Vĩ tuyến 17 cho phái đoàn Việt Nam. Thực hiện các điều khoản của Hiệp định, đầu tháng 8/1954, Bộ Tư lệnh Quân khu IV quyết định thành lập Đại đội Công an bảo vệ giới tuyến gồm 100 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ các Đại đội 340, 348 của bộ đội địa phương ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, cùng một số cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân tỉnh Quảng Trị. Đại đội được tổ chức thành 2 trung đội, trong đó Trung đội 1 phụ trách 5 đồn: Hiền Lương, Chòi, Phước Lý, Tùng Luật và Cửa Tùng. Đây là bước mở đầu quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, đảm bảo an ninh trật tự và góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước trong bối cảnh đầy thách thức của thời kỳ chia cắt.
Nằm ngay trên Vĩ tuyến 17, Cửa Tùng đã trở thành một vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị và kinh tế. Để thực hiện nhiệm vụ, ngày 23/11/1954, Đảng và Nhà nước ta đã thống nhất với Ủy ban Liên hiệp quốc tế thành lập Đồn Kiểm soát liên hợp Cửa Tùng, nay là Đồn Biên phòng Cửa Tùng. Cùng với Vĩnh Linh, Đồn Kiểm soát liên hợp Cửa Tùng đứng ở vị trí tiền tiêu của miền Bắc XHCN, là cầu nối trực tiếp giữa hai miền Nam- Bắc và là hậu phương vững chắc cho chiến trường Trị- Thiên, ngày đêm giáp mặt với quân thù.
Nhận lãnh sứ mệnh lịch sử và trách nhiệm với Tổ quốc với nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồn Công an Biên phòng Cửa Tùng không chỉ thực hiện nhiệm vụ tác chiến tại chỗ mà còn chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, đơn vị đã tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đảo Cồn Cỏ, bảo vệ địa đạo Vĩnh Quang, góp phần biến Cồn Cỏ trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Những nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ đơn vị không chỉ góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà còn lưu giữ một phần không thể quên trong trang sử hào hùng của đất nước.
Trong suốt chiều dài 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cửa Tùng là một trong những địa danh trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Chúng thường xuyên ném bom, bắn pháo, sử dụng máy bay B52 để rải thảm hủy diệt mọi thứ. Khi sự tàn khốc đến mức “bom chồng lên bom”, “đạn cày lên đạn”, “đất phủ lên đất”, “rừng cháy lan rừng”, “những xóm làng trắng những khăn tang”, Vĩnh Linh được Trung ương Đảng, Bác Hồ cho thực hiện cuộc “thiên di vĩ đại” K8, K10 đưa hàng vạn đồng bào ra miền Bắc sinh sống và học tập.
Trong bối cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng vẫn anh dũng bám đất, bám dân, thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất không đi, một ly không rời.” Trong những năm tháng khốc liệt ấy, đơn vị đã cứu sống được 264 đồng bào và đưa 10.309 lượt người đi sơ tán đến nơi an toàn. Trước những đợt đánh phá ác liệt của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, chủ động tấn công địch. Đồn đã sử dụng súng bộ binh bắn rơi 4 máy bay Mỹ và phối hợp với dân quân bắn rơi 7 chiếc khác. Cùng với lực lượng Hải quân và dân quân xã Vĩnh Giang, đơn vị đã đánh chìm 3 tàu chiến của địch, tiêu diệt, bắt sống 32 tên người nhái, biệt kích, thám báo xâm nhập dọc tuyến bờ biển nhằm đi sâu vào nội địa, hậu phương miền bắc để phá hoại và thu thập tin tức tình báo, hệ thống phòng thủ của ta đồng thời đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ đảo Cồn Cỏ, thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm không ngừng nghỉ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Đồn Biên phòng Cửa Tùng tuần tra ven biển.
Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, dòng sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương không còn là biểu tượng chia cắt hai miền Nam- Bắc. Giang sơn gấm vóc thu về một mối, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia trong bối cảnh mới trở nên toàn diện và phức tạp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những người lính đã được trui rèn qua lửa đạn chiến tranh vẫn luôn kiên định vững vàng trước mọi khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, với tinh thần đoàn kết, vượt khó, bám sát tình hình địa bàn, đơn vị đã đổi mới mạnh mẽ các biện pháp công tác, tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
Đơn vị đã xác lập đấu tranh thắng lợi hàng trăm chuyên án vụ án hình sự liên quan đến vượt biên, vượt biển, mua bán tàng trữ, sử dụng ma túy, vật liệu nổ, trộm cắp, phá hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh biên giới biển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó đơn vị cũng làm tốt công tác PCLB, tìm kiếm CHCN, qua đó, đã tạo ra môi trường an toàn để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, vươn khơi bám biển, mỗi ngư dân là một cột mốc sống tham gia cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đồn Biên phòng Cửa Tùng đã luôn tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đồng thời thực hiện xoá đói giảm nghèo. Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” với phương châm 3 bám, 4 cùng: “bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách”, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào”, thể hiện tinh thần “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Những việc làm đó đã thực sự chiếm trọn tình cảm và sự tin yêu của nhân dân, làm tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, ngày 22/02/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16 về tổ chức “Ngày Biên phòng”. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI năm 2003 cũng đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, quy định ngày 03/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”. Thực hiện nhiệm vụ đó, Đồn Biên phòng Cửa Tùng đã tích cực tham mưu và phối hợp với Huyện ủy, UBND, HĐND, UBMT huyện Vĩnh Linh, cũng như cấp ủy và chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc tham gia bảo vệ biên giới.
Nhờ những nỗ lực này, ý thức về quốc gia và biên giới quốc gia của công dân, đặc biệt là cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới biển, đã được nâng cao rõ rệt. Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của đông đảo người dân, gắn liền với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, thông qua các tổ tự quản tàu thuyền an toàn, bến bãi an toàn, tổ an ninh trật tự và tổ lao động, sản xuất trên biển.
Bên cạnh đó, đơn vị đã ký quy chế và chương trình phối hợp với các cơ quan, phòng ban, tổ chức chính trị - xã hội huyện Vĩnh Linh và các xã để chung sức bảo vệ biên giới biển và chăm lo đời sống cho Nhân dân. Nhiều chương trình hoạt động đã được tổ chức thường xuyên và hiệu quả, như “Xuân Biên phòng ấm lòng dân biên giới biển”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, “Trung thu đêm hội trăng rằm”. Những chương trình này không chỉ tăng cường đoàn kết mà còn tạo sự hỗ trợ lẫn nhau giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đơn vị quản lý.
Song song với các hoạt động đó, đơn vị cũng triển khai nhiều phong trào, chương trình, mô hình có ý nghĩa như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, và “Ngày thứ 7 tình nguyện”. Những việc làm này đã góp phần củng cố và nâng cao tình cảm, đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quần chúng nhân dân với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của địa phương, xây dựng khu vực biên giới biển ổn định và phát triển.
Đồn Biên phòng Cửa Tùng tổ chức chào cờ đầu tuần.
Trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và công tác, Đồn Biên phòng Cửa Tùng đã ghi dấu ấn với nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược, chi viện cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ, bảo vệ hậu phương miền Bắc XHCN. Để ghi nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã không ngừng phấn đấu, lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang. Đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 03/9/1973, cùng với nhiều hình thức khen thưởng, bao gồm 02 Huân chương Chiến công hạng Ba, 10 lá cờ thi đua của Hội đồng Chính phủ (nay là Thủ tướng Chính phủ), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh BĐBP), Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và hàng trăm Bằng khen, Giấy khen từ các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương… Đây thực sự là niềm tự hào lớn lao của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, thể hiện tinh thần kiên cường và quyết tâm không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trong 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng vũ trang và tình cảm thương yêu, đùm bọc của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng đã kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp, truyền thống của dân tộc, của quê hương và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ đó xây dựng nên những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa Tùng.
Đó là, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, Với Đảng CS Việt nam quang vinh, luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải và an ninh biên giới biển trong mọi tình huống; cảnh giác, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh chống kẻ thù và tội phạm, chủ động sáng tạo trong công tác, nhạy bén, linh hoạt trong các tình huống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; gắn bó máu thịt với Nhân dân, đoàn kết phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng, phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương, huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ biên giới biển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, thực hiện liêm chính, kiệm cần, xây dựng đơn vị ngày càng chính qui, tinh nhuệ, vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, sáng xanh, sạch, đẹp.
- Xây dựng Bến Quan trở thành đô thị giữ vai trò động lực phát triển kinh tế, xã hội miền Tây Vĩnh Linh (15/11/2024)
- Những vấn đề đặt ra trong mục tiêu xây dựng thị trấn Hồ Xá xứng tầm là trung tâm huyện lỵ của Vĩnh Linh (05/11/2024)
- Những người “đi trước” ở Vĩnh Ô (29/10/2024)
- Nữ cán bộ Hội Chữ thập đỏ hết lòng vì công tác nhân đạo (21/10/2024)
- Vĩnh Linh, Cồn Cỏ trên báo Đảng (09/10/2024)
- Con người và truyền thống văn hóa Vĩnh Linh với sự nghiệp phát triển của huyện nhà (24/09/2024)
- Từ Vịnh Mốc mở đường máu chi viện cho Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Ba cha con cùng nhau ra khơi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Lúa hữu cơ Sepon và hành trình "kiến tạo" hạt cơm dinh dưỡng (20/09/2024)
- Câu chuyện bơi vượt biển tìm cha của con gái người gác hải đăng Cửa Tùng (20/09/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)