Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh - Cổng thông tin

Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh: Vĩ tuyến 17 và những dấu ấn lịch sử hào hùng

Trong dòng chảy của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), có một mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho nỗi đau chia cắt nhưng cũng đồng thời là hiện thân của ý chí kiên cường, bất khuất - đó là Vĩnh Linh. Nằm ở vị trí giới tuyến tạm thời chia đôi đất nước, Vĩnh Linh không chỉ là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn là hậu phương trực tiếp, là điểm tựa vững chắc cho chiến trường miền Nam đang rực lửa đấu tranh. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng này, quân và dân Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn thử thách khắc nghiệt, lập nên những kỳ tích anh hùng, ghi dấu ấn đậm nét vào trang sử vàng của dân tộc, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam nhưng lại đặt dân tộc ta trước một thực tế đau lòng: đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, lấy sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong thời hạn hai năm chờ tổng tuyển cử thống nhất. Một Khu phi quân sự (DMZ) được thiết lập dọc hai bên bờ giới tuyến. Sự chia cắt này không chỉ áp đặt lên phạm vi quốc gia hay tỉnh Quảng Trị, mà nó còn cắt sâu vào lòng huyện Vĩnh Linh, thậm chí chia đôi cả một xã. Nỗi đau ly tán của dân tộc Việt Nam như được cô đọng và thấm đẫm trong từng gia đình, từng phận người ở đôi bờ Hiền Lương.

Tuy nhiên, với âm mưu ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng can thiệp vào miền Nam Việt Nam, biến giới tuyến quân sự tạm thời thành một đường ranh giới chia cắt lâu dài, biến Khu phi quân sự thành tuyến đầu chống Cộng. Từ đây, Vĩnh Linh thực sự trở thành hình ảnh thu nhỏ của một nước Việt Nam bị chia cắt trong suốt giai đoạn 1954- 1975. Mảnh đất này vừa là nơi thể hiện sức sống, thành tựu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đối với đồng bào miền Nam, vừa là lá chắn thép trực tiếp ngăn chặn mọi âm mưu "Bắc tiến" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đối với nhân dân Việt Nam, việc xóa bỏ giới tuyến quân sự tạm thời tại Vĩ tuyến 17 trở thành mục tiêu hàng đầu trên con đường đấu tranh thống nhất non sông, gắn liền với cuộc đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải vì thế đã trở thành tiêu điểm của cuộc đối đầu lịch sử, thu hút sự chú ý của cả nước và cộng đồng quốc tế.

Nhận thức sâu sắc vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Vĩnh Linh, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên. Từ năm 1954 đến 1966, khu vực giới tuyến được xác định là "khu đệm" với nhiệm vụ cốt lõi là giữ vững hòa bình, ngăn chặn chiến tranh lan rộng. Vĩnh Linh từ một huyện thuộc Quảng Trị được nâng lên thành đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh (tháng 6 năm 1955), gọi là Khu vực Vĩnh Linh, và được Trung ương ưu tiên đầu tư mọi mặt: phát triển kinh tế - văn hóa, tập trung nguồn lực cho công tác tuyên truyền như phát thanh, địch vận, "đấu cờ", "đấu loa", cử các đoàn nghệ thuật biểu diễn, tổ chức lực lượng trinh sát vũ trang chi viện cho Nam tuyến...

Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp... đã trực tiếp vào Vĩnh Linh để nắm tình hình và chỉ đạo. Nhiều cán bộ ưu tú từ khắp mọi miền đất nước cũng đã hội tụ về đây, cống hiến sức lực và trí tuệ, giúp Vĩnh Linh không chỉ đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió mà còn đủ sức đối đầu và chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Trước khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Vĩnh Linh luôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua, đặc biệt là các cuộc "đấu cờ", "đấu loa" đầy ý nghĩa chính trị, tạo nên sức hút mạnh mẽ, củng cố niềm tin của nhân dân đôi bờ vào sự nghiệp cách mạng.

Tháng 2/1965, khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Mảnh đất này phải hứng chịu bom đạn từ cả ba hướng: không quân, hải quân và pháo binh từ bờ Nam bắn sang. Mật độ và quy mô các cuộc tấn công ngày càng gia tăng. Hầu hết các loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ, từ bom bi, bom napalm, bom từ trường đến pháo hạng nặng 175mm, 400mm, thậm chí cả chất độc hóa học, đều được thử nghiệm trên đất Vĩnh Linh. Chỉ tính riêng năm 1967, trung bình mỗi tháng máy bay Mỹ đánh phá Vĩnh Linh 1.362 lần, con số này tăng lên 1.562 lần/tháng vào năm 1968. 23 trong số 24 xã của Vĩnh Linh bị tàn phá nặng nề theo kiểu hủy diệt. Thống kê cho thấy, trong suốt 8 năm chiến tranh (1965- 1973), trung bình mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu tới 7,8 tấn bom và 10 quả đạn pháo- một con số khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Nhân dân Vĩnh Linh vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Vượt lên trên sự hủy diệt tàn khốc đó, quân và dân Vĩnh Linh đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng phi thường. Để bám trụ chiến đấu và sản xuất, Vĩnh Linh đã kiến tạo nên một hệ thống làng hầm và địa đạo độc đáo, một kỳ tích về sự sáng tạo và ý chí sinh tồn. Từ những chiếc hầm cá nhân đơn giản ban đầu, người Vĩnh Linh đã không ngừng cải tiến, phát triển thành hầm chữ A vững chắc, rồi liên kết các hầm lại bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt, và cuối cùng là đào sâu xuống lòng đất hàng chục mét để tạo nên những địa đạo kiên cố, những "làng" dưới lòng đất.

Giai đoạn 1965-1972, với 7,5 triệu ngày công, người Vĩnh Linh đã đào đắp được 91.840 hầm các loại và 2.098 km giao thông hào, di chuyển một khối lượng đất đá khổng lồ lên tới 3,7 triệu mét khối. Đặc biệt, 114 hệ thống địa đạo với tổng chiều dài hàng trăm kilomet đã được xây dựng, trở thành những "pháo đài trong lòng đất", che chở an toàn cho người dân, bộ đội và các đơn vị chủ lực trên đường vào Nam chiến đấu. Hệ thống này không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi sinh hoạt, làm việc, học tập, hội họp, kho tàng, bệnh xá..., đảm bảo duy trì sự sống và tiếp tục cuộc kháng chiến ngay dưới mưa bom bão đạn.

Được lòng đất mẹ chở che, quân và dân Vĩnh Linh không chỉ phòng thủ kiên cường mà còn chủ động tiến công địch. Một trong những dấu ấn nổi bật là việc Vĩnh Linh trở thành nơi đầu tiên đưa pháo binh hạng nặng vào tham chiến trên chiến trường miền Nam. Tiêu biểu là trận pháo kích vào căn cứ Dốc Miếu của Mỹ ngày 20/3/1967. Đối mặt với sự uy hiếp của pháo 175mm Mỹ từ bờ Nam, Bộ Chỉ huy quân sự Vĩnh Linh đã táo bạo sử dụng Trung đoàn pháo binh 164 (Trung đoàn Bến Hải) tổ chức trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Với sự chuẩn bị công phu, bí mật và sự hỗ trợ của nhân dân, trận pháo kích đã gây thiệt hại nặng nề cho địch, phá hủy 17 khẩu pháo, nhiều xe quân sự, kho tàng và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lính Mỹ, đập tan cuộc hành quân Dark Horse. Chiến công này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, mở ra thời kỳ pháo binh ta từ bờ Bắc chi viện hiệu quả cho chiến trường Quảng Trị, buộc Mỹ phải rút pháo 175mm khỏi Dốc Miếu. Uy lực của pháo binh Vĩnh Linh mạnh đến mức phía Mỹ đã phải nêu vấn đề ngừng pháo kích qua DMZ ngay tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris.

Một kỳ tích khác là việc bắn rơi máy bay B.52. Nhận định trước âm mưu của địch, từ năm 1966, Trung đoàn tên lửa 238 đã được điều vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh "siêu pháo đài bay". Vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh, mất mát do địch đánh phá ác liệt, chiều ngày 17/9/1967, bằng 2 quả tên lửa, bộ đội Trung đoàn 238 đã bắn hạ chiếc B.52 đầu tiên trên bầu trời Việt Nam. Chiến công vang dội này một lần nữa nhận được thư khen của Bác Hồ, làm nức lòng quân dân cả nước, bước đầu phá vỡ uy thế của không lực Hoa Kỳ. Những kinh nghiệm quý báu đúc kết từ chiến trường Vĩnh Linh đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.

Không chỉ là tuyến đầu rực lửa, Vĩnh Linh còn giữ vai trò hậu phương chiến lược, là nơi khởi nguồn và là địa bàn quan trọng của tuyến đường vận tải chi viện cho cách mạng miền Nam- đường Trường Sơn huyền thoại. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), tháng 5/1959, Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) được thành lập và chọn Khe Hó (xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh) làm điểm xuất phát đầu tiên. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt sông Bến Hải tại khu vực Bến Tắt, mở đầu cho con đường huyền thoại. Khi tuyến đường ban đầu dọc nội địa gặp khó khăn và nguy cơ bị lộ, yêu cầu mở rộng và đa dạng hóa tuyến vận tải trở nên cấp thiết. Miền Tây Vĩnh Linh, đặc biệt là xã Hướng Lập - nơi có vị trí tiếp giáp Lào và miền Nam, đồng thời là nơi nhân dân kiên quyết đấu tranh đòi thống nhất về với miền Bắc và bảo vệ biên giới trước sự xâm lấn của phái hữu Lào - đã trở thành bàn đạp chiến lược.

Năm 1961, với sự phối hợp của lực lượng cách mạng Lào và sự ủng hộ của nhân dân Hướng Lập, ta đã giải phóng vùng đất rộng lớn dọc biên giới, tạo điều kiện quyết định để tuyến đường Trường Sơn "lật cánh" sang phía Tây, chuyển sang giai đoạn vận tải cơ giới hóa quy mô lớn. Đây là bước ngoặt lịch sử, góp phần quan trọng đưa cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng. Từ đây, mạng lưới đường Trường Sơn qua Vĩnh Linh ngày càng phát triển đa dạng: đường bộ (đường 16 và các nhánh phụ), đường sông Sê Băng Hiêng (với phương thức "thả trôi" độc đáo), và đặc biệt là đường ống dẫn xăng dầu được xây dựng công phu, vượt qua sự kiểm soát gắt gao và phương tiện trinh sát hiện đại của Mỹ. Vĩnh Linh trở thành nơi hội tụ nhiều loại hình vận tải chiến lược, như một "trận đồ bát quái xuyên rừng", đảm bảo dòng chảy chi viện không ngừng cho tiền tuyến lớn miền Nam. Khu vực này cũng là nơi đứng chân của nhiều đơn vị chủ lực, các sở chỉ huy chiến dịch quan trọng như Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971).

Cuộc đấu tranh tại khu vực DMZ Vĩnh Linh còn có ý nghĩa quan trọng trên mặt trận ngoại giao. Việc kiên quyết bảo vệ quan điểm "giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay lãnh thổ" như Hiệp định Genève đã quy định, đã diễn ra không chỉ tại thực địa mà còn chi phối mạnh mẽ tiến trình đàm phán tại Hội nghị Paris. Cuối cùng, Mỹ đã buộc phải từ bỏ âm mưu tái lập DMZ vĩnh viễn, chấp nhận ký Hiệp định Paris, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Vĩnh Linh trong giai đoạn 1954- 1975 thực sự là một địa bàn đặc biệt, xứng đáng với tên gọi Khu vực Vĩnh Linh. Vượt ra ngoài vai trò của một hậu phương thông thường, Vĩnh Linh là nơi đối đầu trực tiếp, căng thẳng và khốc liệt nhất giữa ta và địch. Trong cuộc đối đầu lịch sử ấy, bằng lòng yêu nước nồng nàn, trí thông minh, lòng dũng cảm vô song và sự hy sinh vô bờ bến, quân và dân Vĩnh Linh đã viết nên những trang sử hào hùng, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những dấu ấn lịch sử của Vĩnh Linh mãi mãi là niềm tự hào, là bài học về ý chí quật cường và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

BBT (tham khảo tư liệu Hội thảo khoa học: Vĩnh Linh- Truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển)

More