Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong mùa mưa 2023

Năm 2023, tại huyện Vĩnh Linh dự báo mùa mưa có nhiều điều kiện để các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh, phát triển mạnh nếu không thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Hiện nay, trên cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh diện tích bệnh gây hại 15 ha; Bệnh chết chậm diện tích (DTN) nhiễm 40 ha, nhiễm nặng 1 ha; Tuyến trùng rễ diện tích 70 ha; Bệnh thán thư DTN 75 ha.

Cây cao su: Bệnh xì mủ DTN 60 ha; Bệnh loét sọc mặt cạo DTN 35 ha, cấp bệnh phổ biến từ cấp 1-3.

Cây môn, cây ném, hiện đang thời kỳ cây con sinh trưởng và phát triển tốt.

Cây lâm nghiệp: Vườn ươm cây tràm bị nhiễm một số bệnh như lỡ cổ rễ, bệnh phấn trắng.

Cây ăn quả với chủng loại cây trồng khá phong phú. Hiện tượng nứt thân, khô cành, ngài mắt đỏ và ruồi đục quả xuất hiện trên cây ăn quả có múi thời kỳ phát triển quả chuẩn bị thu hoạch; Bệnh đốm nâu hại cây thanh long.

Căn cứ tình hình thời tiết và cây trồng, Trạm Trồng trọt &BVTV Vĩnh Linh dự báo tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu, bệnh chết nhanh và chết chậm gây hại nghiêm trọng ở một số vùng hồ tiêu khó thoát nước và chăm sóc kém. Lưu ý ở các vườn tiêu kiến thiết cơ bản năm thứ nhất đến năm thứ hai, hiện tượng bệnh chết nhanh khá phổ biến. Tuyến trùng rễ, thán thư tiếp tục phát sinh và gây hại.

Trên cây cao su, thời tiết mưa ẩm chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh xì mủ và loét sọc miệng cạo gây hại nặng, tại vườn kinh doanh, nếu cạo phạm và cạo trong những ngày mưa ẩm thì bệnh càng phát triển mạnh. Bệnh corynespora sẽ phát triển và gây hại.

Trên cây môn, ném cần chú ý sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại như sau: Bệnh thối rễ và cháy lá hại, bệnh khảm lá hại môn. Hiện tượng khô đầu lá ném cũng có điều kiện phát sinh và gây hại nặng. Cần thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng của cây môn và ném. Chủ động phòng bệnh cho cây trồng vào các giai đoạn đầu mùa mưa, giữa và cuối mùa mưa. Nhanh chóng đưa cây môn bị bệnh thối gốc ra khỏi vườn và phun thuốc trừ nấm cho diện tích còn lại.

Bước vào vụ trồng rau cần chú trọng khâu làm đất, vệ sinh vườn, xử lý vôi trong đất trước khi trồng. Khuyến cáo sử dụng phân chuồng, hữu cơ hoai mục có ủ chế phẩm Tricoderma để bón cho rau giúp tăng trưởng tốt. Hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc BVTV. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Trên cây lâm nghiệp, vườn ươm cây tràm: bệnh lỡ cổ rễ, bệnh phấn trắng có điều kiện phát sinh và gây hại. Vườn kinh doanh: trên cây thông sâu róm có thể phát sinh và gây hại. Cần theo dõi chặt chẽ các đối tượng này để tổ chức phòng trừ sớm sẽ mang lại hiệu quả cao.

Trên cây ăn quả, các sâu bệnh hại trên thân và quả có điều kiện phát sinh và gây hại như : nứt thân, khô cành, đốm lá, ngài mắt đỏ, sâu vẽ bùa và ruồi đục quả… Chọn giống trồng có nguồn gốc rõ ràng, cây sinh trưởng tốt. Chăm sóc, bổ sung phân bón cân đối, hợp lý để cây phát triển thuận lợi. Thực hiện tốt công tác vệ sinh vườn, kiểm tra thường xuyên ở vị trí tủ gốc để phát hiện bệnh do nấm tấn công sát gốc hoặc cổ rễ và có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường việc bẫy bắt ngài mắt đỏ, ruồi đục quả để bảo vệ năng suất, chất lượng trên cây ăn quả có múi. Đào rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn. Cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng...

Để phòng trừ tốt và hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng trong mùa mưa gây ra, Trạm Trồng trọt và BVTV Vĩnh Linh đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo cơ sở thực hiện triệt theo hướng dẫn.

BBT

More