Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh: Tập trung đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò

Nhằm nâng cao tầm vóc, chất lượng cho đàn bò địa phương và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, thời gian qua huyện Vĩnh Linh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng bò lai nhập ngoại bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Toàn huyện Vĩnh Linh có tổng đàn bò trên 12.500 con, các chương trình cải tạo đàn bò được huyện triển khai từ rất sớm. Trung bình mỗi năm bà con nông dân đã thực hiện phối giống bằng thụ tinh nhân tạo từ 3.500 đến 4.000 con, nhờ đó đã khắc phục được những nhược điểm của việc giao phối cận huyết. 

Đặc biệt, từ năm 2020 huyện đến nay đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị thực hiện Chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng giống bò nhập ngoại như BBB, Brahman, RedAngus... lai tạo trên nền bò cái lai Zebu chọn lọc nhằm tạo ra con lai F2, F3… có năng suất, chất lượng cao. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện đã thực hiện được trên 2.100 con bò. Trong đó, sử dụng giống nhóm bò Zebu, Brahman nội được 507 con, đạt 169% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm; cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt được 1.650 con, với 1.250 con phối giống BBB và 400 con giống Brahman ngoại.

Theo nhận xét của nhiều hộ gia đình chăn nuôi bò tại các địa phương, con lai tạo ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo sử dụng giống bò ngoại có nhiều ưu điểm như dễ nuôi, khả năng sử dụng thức ăn tốt, sức đề kháng cao, tỷ lệ bệnh tật thấp, trong khi điều kiện chăm sóc cũng giống các giống bò địa phương, thời gian sinh trưởng nhanh và tỷ lệ xẻ thịt cao nên được thương lái, người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hiệu quả của chương trình cải tạo đàn bò nhằm khuyến khích bà con nông dân thay đổi nhân thức, áp dụng các phương pháp mới trong chăn nuôi. Tổ chức các đợt tập huấn đào tạo và tiến hành hỗ trợ thực hiện các mô hình theo quy định. Tăng cường tạo mối liên kết giữa cơ sở sản xuất và người chăn nuôi để tạo thuận lợi cho khâu sản xuất, tiêu thụ. Từ đó, từng bước hướng tới mục tiêu nhân rộng chương trình ra các địa phương có đàn bò, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, tăng thu nhập cho người dânthực hiện hiệu quả đế án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Phương Nga

More