Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực
- 15-09-2023
- 308 lượt xem
Vừa qua, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương nhằm mục đích chỉ ra được các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số vừa qua và cách tháo gỡ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đó; chỉ ra các nhiệm vụ mà bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai và các hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông giúp các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương đi vào thực chất, hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban chủ trì Phiên họp đã lan tỏa thông điệp và tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Các giải pháp đã được chỉ ra và thảo luận tại Phiên họp gồm có:
1- Kinh tế số là nền kinh tế với đầu vào quan trọng là dữ liệu và công nghệ. Các hoạt động kinh tế số diễn ra trên không gian mạng sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý trong không gian thực. Và vì vậy, kinh tế số còn là công cụ để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế với các tác động tiêu cực từ bên ngoài.
2- Phát triển Kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực. Việt Nam cần tìm ra các không gian phát triển mới trong từng ngành, lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế. Phiên họp đã thảo luận về không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là: (1) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Du lịch; (3) Nông nghiệp; (4) Logistics và (5) Dệt may.
3- Kinh tế số là vấn đề mới và do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy. Nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Dùng chung thì triển khai nhanh. Dùng chung thì chi phí thấp. Dùng chung sẽ không gặp vấn đề kết nối, liên thông. Dùng chung thì dữ liệu tập trung. Chỉ có dữ liệu tập trung mới hình thành dữ liệu lớn, tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới.
4- Cách tiếp cận 4 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm (1) Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; (2) Bộ Thông tin và Truyền thông là cầu nối chia sẻ để doanh nghiệp tiếp cận được tới các bài toán; (3) doanh nghiệp nền tảng (doanh nghiệp nòng cốt) tìm ra bài toán của Việt Nam, giải bài toán Việt Nam bằng công nghệ và sự thấu hiểu bối cảnh và văn hóa Việt Nam và (4) địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển dựa trên định hướng, chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết các vấn đề nan giải của địa phương nhờ công nghệ số.
5- Cách tiếp cận hệ sinh thái, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng tốt cùng tham gia để quá trình chuyển đổi số thực sự diễn ra một cách toàn diện, tổng thể và toàn trình trong từng lĩnh vực.
6- Quản trị số, cụ thể là đo lường, giám sát trực tuyến. Kinh tế số bao gồm các hoạt động diễn ra trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi. Việc đo lường kinh tế số nói chung và đo lường kinh tế số theo từng ngành, lĩnh vực là nhiệm vụ khó khăn, thách thức không chỉ ở Việt Nam mà với các quốc gia phát triển trên thế giới. Số liệu chính thức về tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam là do Bộ KHĐT (Tổng cục thống kê) công bố. Xét thấy vai trò động lực quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 29-NQ/TW), để có cơ sở dự báo xu hướng, đánh giá tác động của chính sách đối với sự tăng trưởng kinh tế số, trong thời gian Tổng cục thống kê chưa chính thức công bố, Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông- Bộ TT&TT nghiên cứu phương pháp để ước tính và đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số.
7- Về thể chế, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số. Triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng số, quy định trách nhiệm của chủ quản nền tảng trong kết nối phục vụ đo lường, giám sát trực tuyến để phát hiện sớm sai phạm, góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia.
8- Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương (đặc biệt là 11 tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Điện Biên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau) bằng các biện pháp chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone (hỗ trợ chi phí máy smartphone; ban hành các gói cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi, các cơ chế hỗ trợ thanh toán cho thuê bao khi chuyển đổi v.v); tăng cường triển khai thực thi Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ngày 30/12/2020 ban hành quy chuẩn thiết bị đầu cuối di động yêu cầu phải hỗ trợ công nghệ từ 4G trở lên, góp phần tăng cường chuyển đổi các máy di động smartphone hoạt động trên mạng.
Cụ thể: (i) Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu, lưu thông các máy điện thoại 2G Only, 3G Only; (ii) Triển khai giải pháp ngăn chặn máy 2G Only, 3G Only (không tuân thủ Quy chuẩn QCVN 117:2020/BTTTT) kết nối vào mạng viễn thông di động và triển khai các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng smartphone.
9- Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan toả đến các địa phương trong vùng.
Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm phân công thành viên thiết lập danh mục thống nhất các tài nguyên dữ liệu công cộng cần thu thập dữ liệu; thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng với Trung tâm dữ liệu lớn toàn vùng để thúc đẩy kết nối dữ liệu công cộng và các hệ thống kinh doanh liên quan; mở nhiều bộ dữ liệu công khai cho xã hội; khuyến khích các đơn vị, cá nhân công khai dữ liệu ngoài công lập theo quy định của pháp luật, đồng thời thúc đẩy tích hợp và đổi mới dữ liệu.
Lời kết, với thông điệp ‘Kinh tế số là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng bền vững’, Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề ‘Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực’ được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú huých góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong 6 tháng cuối năm 2023 nói riêng.
Nguồn: Thông cáo báo chí Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số
- Vĩnh Linh: Xây dựng mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng với 135 thành viên (15/09/2023)
- Đẩy mạnh hoạt động kinh tế số (15/09/2023)
- Chuyển đổi số cơ quan nhà nước là gì? (15/09/2023)
- Một số lưu ý đối với người sử dụng mạng xã hội (15/09/2023)
- Đồng hành, hỗ trợ nông dân bắt nhịp chuyển đổi số (15/09/2023)
- Ưu đãi phí, lệ phí đăng ký, duy trì sử dụng tên miền “.vn” tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế số, xã hội số (15/09/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)