Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh

* Trần Nhật Quang, TUV, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh

Trong thời gian qua, xác định tầm quan trọng của giai cấp nông dân, của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các cấp ủy Đảng huyện Vĩnh Linh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào nông dân huyện nhà, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển quê hương, xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Trần Nhật Quang- Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh trao Giấy khen cho hội viên nông dân tiêu biểu.

Trước hết, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng giai cấp nông dân, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII), Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”

Đồng thời, ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trên một cách kịp thời, sát hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương như Nghị quyết 02-NQ/HU ngày 28/7/2021 của Huyện ủy “về xây dựng huyện Vĩnh Linh trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025”, Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 24/5/2022 của Huyện ủy về tăng cường công tác vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022- 2025”, Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 24/5/2022 của Huyện ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững nâng cao giá trị gia tăng đối với cây trồng vật nuôi có lợi thế của huyện”.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh, Đảng ủy xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng luôn quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động các cấp hội và đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp bằng việc kịp thời kiện toàn cán bộ lãnh đạo, ổn định tổ chức bộ máy sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch cán bộ hội, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, bố trí cấp uỷ viên giữ các chức vụ chủ chốt của Hội Nông dân, giới thiệu hội viên Hội Nông dân tham gia đại biểu HĐND; tạo điều kiện để Hội Nông dân phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan đến đời sống của nông dân.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo Hội Nông dân trong huyện đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức tập hợp mọi tầng lớp nông dân, phát triển hội viên, xóa tình trạng trắng tổ chức hội ở thôn, bản, khu phố trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống hội viên, nông dân, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Hội Nông dân huyện có gần 16 ngàn hội viên, sinh hoạt trong 149/149 chi hội, đây là yếu tố quan trọng góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà hội đã đề ra.

Để nông dân thật sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã định hướng cho Hội Nông dân các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, nắm chắc tình hình nông nghiệp, tham gia vào việc hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã của nông dân; đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hoá” ở nông thôn.

Từ đó, phát huy lợi thế từng vùng miền, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế bền vững, thực hiện hiệu quả điểm nhấn trong tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện là: Phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Coi trọng và đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh áp dụng khoa học vào sản xuất, xây dựng các thương hiệu và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu thông thường cho các sản phẩm của địa phương. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội quý giá cho ngành nông nghiệp phát triển, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh cũng đã định hướng cho Hội Nông dân huyện chủ động công tác phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tập huấn, đào tạo tay nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm, đưa các loại giống mới chất lượng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vào canh tác, đưa cơ giới hóa và ứng dụng các thành tựu công nghệ vào sản xuất; qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Đây cũng là cách để thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Quá trình đưa những loại cây con mới vào sản xuất, huyện xây dựng cơ chế, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các ban, ngành, đoàn thể; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, hội viên toàn huyện; và sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, 5 năm qua (2018- 2023), hoạt động của Hội và phong trào của nông dân huyện Vĩnh Linh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng giúp kinh tế nông nghiệp địa phương chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng của Đảng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, bền vững.

Huyện đã quy hoạch được 5 vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng trồng tiêu; vùng trồng cao su; vùng trồng lúa; trồng cây ăn quả và vùng nuôi trồng thủy sản. Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 5,4%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh thời gian qua ngành Nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh. Huyện có 12 sản phẩm đặc trưng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Hiện nay, huyện Vĩnh Linh có 13/15 xã đạt nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 86,7%.

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm nâng cao hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội và phong trào nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, trong thời gian tới cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong huyện cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo; mục tiêu, tầm nhìn; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về xây dựng giai cấp nông dân, phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và các nghị quyết, chỉ thị về công tác nông dân trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Gắn với đó chủ động rà soát xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đưa những quan điểm, chủ trương của Đảng sớm đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nhất là cơ sở hội để Hội Nông dân các cấp thực hiện tốt chức năng là tổ chức chính trị- xã hội trong: Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng và tham gia các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của địa phương; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực tham gia các chương trình kinh tế- xã hội nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ quyền lợi, tham gia tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn, bảo trợ cho nông dân tổ chức các hoạt động ngành nghề dịch vụ, khôi phục và phát triển làng nghề, phát triển CN-TTCN, đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ KH-CN nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ba là, tiếp tục duy trì nghiêm chế độ giao ban định kỳ giữa thường trực cấp ủy với UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có Hội Nông dân nhằm nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn, tâm tư, nguyện vọng của nông dân; chủ động giải quyết những đòi hỏi chính đáng của nông dân, nhất là nông dân sau tái định cư khi thực hiện các dự án phải di dời, giải tỏa. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nông dân nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chú trọng phát hiện nhân tố mới qua các phong trào thi đua để đề xuất, giới thiệu cho cấp ủy, chi bộ phát triển đảng viên, tăng cường lực lượng nòng cốt cho phong trào và hoạt động Hội. Kịp thời động viên, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để nhân rộng phong trào và những việc làm, mô hình hoạt động có hiệu quả.

Bốn là, chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội từ huyện đến cơ sở có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác hội trong tình hình hiện nay. Trong quy hoạch cán bộ của Đảng, cần chú trọng quy hoạch cán bộ Hội Nông dân. Xây dựng cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội. Việc xem xét, bố trí cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt của Hội Nông dân ở xã, thị trấn, ngoài các tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, uy tín cần coi trọng những yếu tố: có tác phong gần gũi quần chúng, am hiểu nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Năm là, chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phối hợp giữa các bộ ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân”, trong đó chú trọng phối hợp với các ngành liên quan giám sát việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn; giám sát việc thực hiện tiếp dân, thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp có thẩm quyền; kịp thời có kiến, nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

 

More