Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo

Trước thực tế cơ sở vật chất hệ thống trường học trên địa bàn vẫn còn thiếu và xuống cấp, chưa thực sự đáp ứng theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong khi tiến độ đầu tư còn chậm so với nhu cầu, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh huy động nguồn lực phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt ưu tiên xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất.

Huyện Vĩnh Linh huy động nguồn lực từ xã hội hoá giáo dục, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường học.

Năm học 2022- 2023, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô được đầu tư xây dựng 2 phòng học và 1 phòng hiệu bộ, sân trường tại điểm trường Xà Lời; xây mới 6 phòng học, nhà thường trực, 12 phòng, nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh, hàng rào, cổng, sân ở điểm trường trung tâm. Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô Nguyễn Văn Thông cho biết: “Nhận sự quan tâm từ các cấp, ngành giáo dục tỉnh, huyện đã phân bổ ngân sách 15,4 tỉ đồng. Nhà trường và chính quyền địa phương kịp thời triển khai xây mới, nâng cấp tất cả hạng mục đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ. Những công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo về cơ sở vật chất cho công tác dạy và học của toàn thể giáo viên, nhân viên cùng 163 học sinh con em người đồng bào dân tộc Vân Kiều trên địa bàn xã”.

Toàn huyện Vĩnh Linh có 52 đơn vị trường học do huyện quản lý, gồm: 23 trường mầm non; 12 trường tiểu học, 3 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học, 6 trường TH&THCS, 8 trường THCS. UBND huyện Vĩnh Linh tập trung chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để khai thác hiệu quả. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây mới, sửa chữa cũng như làm căn cứ xây dựng kế hoạch tổng thể tham mưu cấp trên đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn kinh phí, thực hiện chính sách phát triển xã hội hóa giáo dục.

Riêng trong năm học 2022- 2023, huyện Vĩnh Linh đã xây mới được 68 phòng học với tổng mức đầu tư trên 52,3 tỉ đồng; sửa chữa 96 hạng mục khác như: sân chơi, nhà bếp, nhà ăn, khu vui chơi ngoài trời, nhà vệ sinh, hàng rào... gần 20 tỉ đồng. Ngoài ra bổ sung trang thiết bị đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình hội nghị của ngành giáo dục và đào tạo trị giá hơn 1,5 tỉ đồng; mua sắm cho các trường học 110 máy vi tính, 13 màn hình tivi lớn... Nguồn vốn được huyện cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách sự nghiệp giáo dục, xã hội hóa giáo dục. Mặt khác có cơ chế điều hành ngân sách và đối ứng vốn để thực hiện những chương trình, dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt gồm: chương trình xóa phòng học tạm, nguồn viện trợ của Ailen, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Từ đó cơ bản đáp ứng nhu cầu cấp thiết về xây dựng, nâng cấp trường lớp, nhất là tại những đơn vị trường học thuộc khu vực vùng khó, địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số như: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thái…

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh Lê Thanh Hải cho biết: “Hệ thống trường lớp, thiết bị dạy học ngày càng được quan tâm đầu tư đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và thực hiện tiêu chí giáo dục trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm học 2022- 2023 vừa qua, có thêm 4 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp độ 2 và trường chuẩn quốc gia mức độ 1 là: Mầm non Vĩnh Long, Tiểu học Võ Thị Sáu, Mầm non Bến Hải và THCS Vĩnh Thái, nâng tổng số trường đạt mức kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên của huyện Vĩnh Linh đạt 39 trường, chiếm tỉ lệ 76,4%. 13/15 xã đã hoàn thành tiêu chí giáo dục trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Theo kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm học 2023- 2024, huyện Vĩnh Linh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực tài chính tăng cường cơ sở vật chất, kĩ thuật cho lĩnh vực giáo dục; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường kiểu mẫu nhằm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra. Về phía huyện triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, sử dụng đất, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ việc sử dụng kinh phí trong các cơ sở giáo dục. Từng bước dồn ghép, xóa bỏ một số điểm trường lẻ ở cả địa bàn vùng miền núi và đồng bằng nhằm tăng quy mô, tận dụng, tiết kiệm nguồn lực cơ sở vật chất. Đẩy mạnh phong trào tự làm và sử dụng đồ dùng dạy học.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo khởi công những công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; đa dạng hóa công tác xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục theo hướng đồng bộ, toàn diện, chuẩn hóa và hiện đại. Phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện Vĩnh Linh có 100% đơn vị trường học được công nhận lại đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn quốc gia sau 5 năm; 2 xã còn lại là Vĩnh Ô và Vĩnh Khê sẽ hoàn thành tiêu chí giáo dục trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan