Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh đưa Luật An toàn thực phẩm đi vào đời sống

Luật An toàn thực phẩm (ATTP) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 17/6/2010. Luật này thay thế Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Để đưa Luật ATTP đi vào đời sống, 10 năm qua, huyện Vĩnh Linh đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động trên lĩnh vực này.

Theo đó huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định pháp luật về ATTP với nhiều nội dung, đa dạng về hình thức; mở rộng tuyên truyền tới đối tượng vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm,  huyện đều duy trì tổ chức Lễ phát động và triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” theo chủ đề từng năm đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của người dân trong việc sản xuất, sử dụng và kinh doanh thực phẩm.

Mặt khác thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ đạo Liên ngành vệ sinh ATTP của huyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cán bộ làm công tác ATTP các tuyến đều được tập huấn nâng cao năng lực. Nhờ vậy năng lực quản lý, triển khai hoạt động, xây dựng kế hoạch cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan của các tuyến từng bước được đổi mới, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đặc biệt là trong các đợt cao điểm “Tết Nguyên đán”, “Tết Trung thu”, các kỳ nghỉ lễ… Thông qua công tác kiểm tra, tuyên truyền các ngành liên quan đã yêu cầu các tổ chức và cá nhân chấp hành nghiêm việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh.

Điều đáng mừng là đạo đức kinh doanh và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân đã thay đổi tích cực, thể hiện rõ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từng bước nâng cao tính an toàn, đảm bảo hợp vệ sinh. Nhận thức của người dân trong sử dụng thực phẩm cũng được nâng lên rõ nét, ưu tiên sử dụng những thực phẩm rõ xuất xứ, có xu hướng lựa chọn sử dụng những loại thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trên địa bàn huyện đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 55 ha và vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ 70 ha. Hầu hết các địa phương ở Vĩnh Linh, người dân đã thay đổi tư duy trong cách làm nông nghiệp; chú trọng đến phương thức sản xuất hữu cơ và xây dựng thương hiệu sản phẩm để  tiêu thụ trên thị trường thuận lợi hơn. Đơn cử như ở Vĩnh Giang, hiện xã đã xây dựng nhiều nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường có giá trị kinh tế cao như: Đậu xanh tằm, gạo bát đỏ... Hay như ở xã Trung Nam, Vĩnh Tú đưa vào sản xuất mô hình trồng dưa, rau củ quả sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500m2; xã Kim Thạch hình thành vườn sản xuất tiêu sạch quy mô 1,5ha; Xã Hiền thành với mô hình trồng chuối đỏ Dacca có diện tích 2.500 m2…. Hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, 100% hộ gia đình có đủ nước để tưới cho cây rau, nguồn nước chủ yếu từ giếng khoan, sông suối không bị ô nhiễm. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo có nhãn mác rõ ràng, không sử dụng thuốc cấm, thuốc độc hại. Và được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  theo nguyên tắc 4 đúng.

Công tác quản lý thức ăn chăn nuôi được huyện quan tâm chú trọng; đặc biệt là công tác quản lý thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi nhằm quản lý tốt chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng năm, các đoàn kiểm tra của các cơ quan, phòng ban trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Quá trình kiểm tra lấy mẫu tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các trang trại chưa có trường hợp vi phạm sử dụng chẩt cấm trong chăn nuôi.

Việc ký cam kết đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh được chú trọng thực hiện. Theo thống kê, huyện Vĩnh Linhtrên 2.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản nhỏ lẻ phải ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo Thông tư số 17, ngày 31-10-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để tổ chức cho các hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định, các cơ quan, đơn vị được phân công quản lý các cơ sở này đã thực hiện phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho các cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn chủ cơ sở chuẩn bị thủ tục, hồ hơ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Hiện nay, toàn huyện có 2.206 cơ sở thuộc diện ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, trong đó số cơ sở đã ký cam kết là 2.132 cơ sở, đạt 96,6%.

Trong 10 năm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả tích cực. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chấp hành đúng các quy định về vệ sinh ATTP; tuân thủ các các quy định về điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản hàng hóa, đầu tư cải tiến công nghệ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nhằm phòng ngừa ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm một cách chủ động và tích cực hơn để đảm bảo thực phẩm khi cung ứng trên thị trường đảm bảo an toàn và chất lượng.

Tuy vậy vẫn còn một số bất cấp như: Việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết đặc biệt ở tuyến xã, trấn. Nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Sản xuất, chế biến nông lâm thuỷ sản trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ vì vậy công tác quản lý ATTP của các đơn vị chức năng rất khó khăn.

Thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện ATTP. Chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán và người dân về ATTP, nhất là kiến thức của người sử dụng nhận biết thực phẩm bẩn để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP gắn với công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở vi phạm, các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP. Đồng thời, chú trọng thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng ATTP ở các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan