Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Chi hội trưởng phụ nữ làm kinh tế giỏi

Nhiều lần đến xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, chúng tôi vẫn thường nghe các chị ở Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã kể về chị Hoàng Thị Tình ở thôn Minh Phước, một tấm gương phụ nữ tiêu biểu ở địa phương. Bởi không chỉ là Chi hội trưởng năng động, tích cực trong công tác hội, chị Tình còn là một điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi và sống có nghĩa tình.

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn, Nguyễn Thị Vân, chúng tôi đến thăm gia đình chị Tình. Vui vẻ mời chúng tôi tách trà ấm nóng, chị Tình kể, bản thân sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống khá vất vả, chính vì vậy chị luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học. Từ việc tham gia công tác Hội phụ nữ, được các cấp Hội tuyên truyền, vận đồng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với đồng đất quê hương, càng thôi thúc chị ý chí quyết tâm làm giàu. Từ quỹ đất của gia đình, năm 2008, chị bàn với gia đình khai hoang hơn 1ha đất đồi để trồng cây cao su tiểu điền và đầu tư trang trại kết hợp chăn nuôi lợn, gà thả vườn.

Theo lời chị Tình, hiện nay, trung bình mỗi ngày trên 1ha cao su của gia đình, chị có thể khai thác 40kg mủ đông. Mỗi tháng 20 ngày khai thác, giá bán hiện nay đạt từ 13 đến 15 ngàn đồng/kg. Với chu kỳ khai thác được 8 tháng trong năm, mỗi năm chị có nguồn thu khoảng 80 triệu đồng từ loại cây trồng này. Chị Tình nói: “Trước đây, giá cao su thấp đến mức không đủ chi phí chăm sóc, nhiều nhà đã phải thanh lý cả vườn để chuyển đổi cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Với giá mủ cao su hiện tại, mặc dù chưa cao lắm nhưng nhà nông chúng tôi phấn khởi, không còn phân vân trồng - chặt như thời gian qua. Đối với nhiều gia đình, diện tích cao su lớn cũng sẽ có nguồn thu nhập khá”.

Cùng với việc duy trì diện tích cao su, để lấy ngắn nuôi dài, ổn định cuộc sống, chị Tình còn kết hợp chăn nuôi lợn và gà thả vườn. Mô hình chăn nuôi của gia đình chị hiện có trên 500 con gà, vịt; 20 lợn thịt. Bên cạnh đó, năm 2018, chị bàn tính với gia đình phát triển quy mô kinh tế bằng việc mở đại lý thức ăn gia súc, dịch vụ máy móc làm đất phục vụ bà con trong vùng và trồng thêm 1ha rừng tràm, 1ha sắn nguyên liệu. Mặt khác, cùng với 19 thành viên phụ nữ trong xã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà giống; hàng năm cung cấp khoảng 5.000 con giống cho các hộ gia đình trong và ngoài địa bàn. Theo tính toán của chị Tình, ngoài cao su, tổng thu nhập từ các dịch vụ và chăn nuôi mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Đồng thời giải quyết việc làm cho 02 lao động thường xuyên với mức trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Chị Tình chia sẻ thêm: “Ban đầu khi mới bắt tay vào làm kinh tế, tôi cũng lo lắm, nhưng được sự động viên của người thân trong gia đình, cán bộ hội phụ nữ xã, tôi đã thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghe đài, đọc báo, thăm các mô hình kinh tế tiêu biểu nhằm trang bị cho mình những kiến thức mới. Từ đó, vận dụng vào điều kiện cụ thể của gia đình để tăng gia sản xuất. May mắn mô hình kinh tế của gia đình tôi hiện nay đang phát huy hiệu quả tích cực; tôi có thêm điều kiện chăm sóc cho gia đình, tham gia các được các phong trào ở thôn, xã, đặc biệt là công tác phụ nữ”.

Khi được chúng tôi hỏi về công tác phụ nữ thôn mà chị đang đảm trách trách, chị Tình cho biết chị gắn bó với công tác Hội Phụ nữ từ năm 2005. 17 năm qua, chị luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của hội, được hội viên tín nhiệm và nhiệt tình ủng hộ. Chị tình bộc bạch: “Làm công tác phụ nữ dễ mà khó, ngoài việc tiên phong, gương mẫu đi trước trong các phong trào, phải biết cách vận động, tuyên truyền mới thu hút được chị em tham gia vào tổ chức. Bởi nhiều năm trước đây, đa phần đời sống chị em trên địa bàn thôn vẫn còn nhiều khó khăn, chị em tập trung làm kinh tế mà đôi khi chưa tích cực với các phong trào. Chính vì vậy, cùng với việc chia sẻ với chị em về vị trí, vai trò của tổ chức Hội, tôi phối hợp với các chi hội đoàn thể địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các chuyên đề có liên quan đến phụ nữ cho hội viên nắm. Đặc biệt là các chương trình, dự án, các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao để chị em học hỏi và làm theo nhằm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.

Với cách làm đó đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ trong thôn Minh Phước được nâng lên, phong trào phụ nữ ở thôn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, chi hội có 92 hội viên tham gia sinh hoạt, đạt tỷ lệ 100%. Chị em tham gia có hiệu quả các phong trào: “5 không 3 sạch”; “nuôi heo đất tiết kiệm”; tích cực tham gia “xây dựng nông thôn mới”; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động từ thiện nhân đạo được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, nhiều hội viên đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng rừng, chăn nuôi, làm dịch vụ; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng vươn lên làm giàu. Trong 3 năm trở lại đây, từ nguồn vốn nuôi tiết kiện heo đết được trên 50 triệu đồng, chi hội đã cho 4 hội viên vay vốn phát triển kinh tế.

Nhờ đó mà đến nay, tỷ lệ hội viên nghèo trong chi hội giảm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 95%. Chi hội phụ nữ thôn Minh Phước vươn lên trở thành một điểm sáng của xã trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều năm liên tục, được Hội LHPN cấp trên công nhận là Chi hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động hội phụ nữ, đặc biệt là làm kinh tế giỏi, chị Hoàng Thị Tình được mọi người trong quý mến, tin yêu; được hội LHPN cấp trên biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, năm 2019, chị được tặng thưởng giải “Bồng Sen Hồng” - một giải thưởng tôn vinh dành cho những cá nhân “Học hay, làm sáng tạo, sống có văn hóa” của huyện Vĩnh Linh. Chị là một tấm gương phụ nữ tiêu biểu để nhiều chị em học tập, làm theo.

Mỹ Hằng

More