Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Cuộc sơ tán chưa từng có

Huyện Vĩnh Linh đang có đàn trâu, bò với số lượng lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, để có được như hôm nay, một câu chuyện ít người được biết đó là vào cuối những năm 60 thế kỷ trước, Vĩnh Linh đã tổ chức một cuộc sơ tán rầm rộ 760 con trâu, bò ra tỉnh Hà Tĩnh để bảo toàn công cụ sản xuất. Cuộc sơ tán hoàn thành được xem như một kỳ tích. 34 thanh niên khỏe mạnh nhận nhiệm vụ nặng nề sơ tán đàn trâu, bò ngày ấy nay chẳng còn lại được mấy người.

Những người còn lại trong đoàn quân đưa trâu, bò ra bắc sơ tán vui vẻ nhớ chuyện xưa.

 

Huyện Vĩnh Linh đang có đàn trâu, bò với số lượng lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, để có được như hôm nay, một câu chuyện ít người được biết đó là vào cuối những năm 60 thế kỷ trước, Vĩnh Linh đã tổ chức một cuộc sơ tán rầm rộ 760 con trâu, bò ra tỉnh Hà Tĩnh để bảo toàn công cụ sản xuất. Cuộc sơ tán hoàn thành được xem như một kỳ tích. 34 thanh niên khỏe mạnh nhận nhiệm vụ nặng nề sơ tán đàn trâu, bò ngày ấy nay chẳng còn lại được mấy người.

 

Đợt thiên di lịch sử

 

Một ngày đầu tháng 4, năm người gồm cả nam lẫn nữ ở độ tuổi ngoài 80 bất ngờ có cuộc hội ngộ ở UBND xã Vĩnh Chấp hàn huyên câu chuyện những ngày dẫn đàn trâu, bò của khu vực Vĩnh Linh đi sơ tán. Đó là các ông Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Văn Thuyền, Võ Văn Khiếu, Nguyễn Văn Phú và bà Lê Thị Túy. Ông Nguyễn Văn Phú, 84 tuổi, ở thôn Chấp Nam, xã Vĩnh Chấp, nguyên là trưởng đoàn sơ tán "đầu cơ nghiệp" còn rất minh mẫn nhớ lại từng chi tiết câu chuyện khá lạ lẫm này. Năm 1967, máy bay Mỹ tăng cường ném bom đánh phá Vĩnh Linh, Bác Hồ và Trung ương Đảng yêu cầu Khu vực Vĩnh Linh tìm cách giảm mật độ dân cư trong khu chiến sự để tránh tổn thất, thương vong cho nhân dân. Trên tinh thần đó, Đảng ủy Vĩnh Linh đã đề ra kế hoạch sơ tán, được Bác Hồ và Trung ương chấp nhận. Liên tiếp hai kế hoạch số 8 và số 10 ra đời (gọi tắt là chiến dịch K8 và K10) đã sơ tán 52 nghìn cháu nhỏ dưới 15 tuổi, phụ nữ có con nhỏ dưới 2 tuổi, người già, yếu là người Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Các cháu nhỏ ra bắc được nuôi dưỡng học hành, ươm mầm hạt giống cách mạng cho giai đoạn sau; người lớn còn sức lao động cùng địa phương tham gia sản xuất. Kế hoạch K8, K10 thành công xuất sắc, được Bác Hồ khen ngợi.

 

Có một vấn đề hệ trọng được đặt ra lúc bấy giờ, khu vực Vĩnh Linh là vùng nông nghiệp, nếu không bảo vệ đàn trâu, bò thì khi hòa bình, lấy sức đâu sản xuất. Con trâu là đầu cơ nghiệp, có giá trị rất lớn đối với người nông dân và các địa phương sản xuất nông nghiệp. Vì thế, lệnh sơ tán trâu, bò của Vĩnh Linh được cấp bách thực hiện. Ban Nông nghiệp của Khu vực Vĩnh Linh chịu trách nhiệm tổ chức chuyến đi có một không hai này. Địa điểm được chọn đưa trâu, bò đến là huyện Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn công tác được thành lập gồm 34 dân quân khỏe mạnh. Ông Nguyễn Văn Phú có tài ngoại giao nên được chọn làm trưởng đoàn. Nhớ lại câu chuyện, ông Nguyễn Văn Phú cho rằng đây là cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử, khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều lần sơ tán con người. Ngoài một số trâu, bò để lại phục vụ sản xuất, số trâu, bò của các xã được đưa đi sơ tán có 760 con, trong đó phần lớn là trâu, bò cái, có chửa, chỉ 10% số con đực được đi theo để làm nhiệm vụ nhân giống. Một sáng ngày cuối năm 1967, các đàn trâu, bò được tập trung ở miếu Cổ Kiềng thuộc xã Vĩnh Khê. Cuộc hành trình bắt đầu lúc 8 giờ sáng, trâu, bò của hợp tác xã nào thì có một người của hợp tác xã đó chịu trách nhiệm đi cùng đoàn để quản lý.

 

Đàn trâu, bò di chuyển đi theo đường Hồ Chí Minh. Mới đi được mấy ki-lô-mét thì gặp máy bay Mỹ ném bom. Nghe tiếng nổ, đàn trâu, bò hoảng sợ chạy tán loạn vào rừng. Mỗi người chia nhau mỗi hướng đi tìm đủ số lượng tổng đàn rồi tiếp tục hành trình. Dọc đường đi, tối đâu ngủ đó, gia súc ngủ thì người tranh thủ mắc võng ngủ. Bữa ăn hằng ngày của đoàn may lắm nấu được buổi tối, còn buổi trưa không có thời gian, đoàn vào các trạm của Bộ đội Trường Sơn xin cơm cùng ăn. Đi khoảng mười ngày, một con bò cái trong đoàn đẻ con, thế là đoàn trưởng Nguyễn Văn Phú gương mẫu đặt bê con vào ba-lô rồi vác theo trên vai, đến đoạn nào mệt quá, đi không nổi, cả đoàn dừng lại để bò mẹ cho bê con bú, người tranh thủ nghỉ ngơi. Nhưng không phải bê con nào cũng may mắn như vậy. Không ít bê con dù được những người trong đoàn cưu mang, đặt vào ba-lô gùi đi, nhưng vì đường xa nên bê không thể sống được. Khi đưa đàn trâu, bò ra đến phà Long Đại của tỉnh Quảng Bình, trên bầu trời máy bay địch thả bom, dưới bờ sông trâu, bò nghe tiếng nổ chạy tán loạn, không chịu bơi qua sông. Đoàn trưởng phải làm việc với địa phương và bộ đội tập trung sáu thuyền và hai trung đội dân quân giúp đưa trâu, bò sang sông. Nước sông chảy xiết, ba con trôi mất. Đoạn đường từ xã Vĩnh Khê, Vĩnh Linh đến huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình dài hơn 50 km, đoàn phải đi mất hơn một tháng.

 

Những ngày ấy, rừng Trường Sơn bị địch ném bom cháy rụi, cỏ cây không còn là bao nên dọc đường không đủ thức ăn cho trâu, bò. Đàn bò ốm gầy rồi chết dần, nhiều con trâu, bò không đủ sức leo núi để đi tiếp. Đã thế, bom từ máy bay Mỹ liên tục thả xuống làm đàn trâu, bò đông đúc trúng đạn. Mỗi lần có trâu, bò chết, đoàn phải lập biên bản, tìm gặp chính quyền địa phương cấp xã hoặc Bộ đội Trường Sơn xác nhận vào biên bản. Bởi vì mỗi con trâu, bò là "đầu cơ nghiệp", tài sản lớn của tập thể nên không thể chăm sóc, bảo vệ sơ sài được. Thương xót nhất khi cả đàn trâu, bò băng núi, lên đỉnh cao, chúng không đủ sức, có con trượt chân, lăn xuống suối rồi chết. Còn đoàn người đến lúc áo quần ẩm mốc, rách nát, không có mặc, phải xin đồ của bộ đội và thanh niên xung phong mặc tạm.

 

Kỷ niệm đẹp

 

Đang kể chuyện, những người còn lại trong đoàn bồi hồi, xúc động bởi họ nhớ lại sự kiện khi đàn bò đến đèo Tân Ấp thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị máy bay Mỹ ném bom chết cùng lúc 47 con. Thế rồi, đoàn trưởng tìm về cửa hàng thương nghiệp Kỳ Anh nhờ chứng nhận số lượng bò chết cũng như nhờ thu mua lượng thịt bò để cung ứng cho các đơn vị, đổi lại đoàn sẽ có khoản tiền nộp vào ngân sách tiếp tục phát triển đàn bò. Quá gian nan, lúc đó nhiều người trong đoàn bàn tính chuyện đưa trâu, bò trở về vì sợ khi đến địa điểm tập kết thì chẳng biết còn sống được mấy con. Thế là chi bộ đảng họp ngay giữa rừng, ra nghị quyết bằng miệng quyết tâm sơ tán đàn trâu, bò đến điểm được tổ chức dự định trước để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ công cụ sản xuất của tập thể. Mọi người xốc lại tinh thần, sẵn sàng dẫn đàn trâu, bò đi đến tận nơi sơ tán.

 

Những con bò bị thương được cán bộ thú y Nguyễn Viết Đảm điều trị để tiếp tục hành trình. Do đoàn đi không có bản đồ, đi giữa rừng Trường Sơn, không thạo đường nên đến điểm tập kết Kỳ Anh mà không ai biết, nên tiếp tục đưa đàn bò sang đến địa phận xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Lúc đó mọi người mới phát hiện đã vượt quá điểm tập kết nên xin tổ chức dừng lại cuộc hành trình tại Cẩm Mỹ. Tổng kết chiến dịch sơ tán trâu, bò từ Vĩnh Linh đến điểm tập kết an toàn có chiều dài đoạn đường hơn 200 km với dự kiến ban đầu chỉ cần thời gian 15 ngày, thực tế đã đi ba tháng mới đến nơi; số trâu, bò sinh đẻ dọc đường 16 con, trâu, bò chết vì bệnh và bom đạn đến 360 con, chỉ còn lại gần 400 con ốm yếu, gầy gò do thiếu thức ăn. Điều kiện khắc nghiệt, vất vả nhưng may mắn suốt hành trình không một ai trong đoàn bị ốm đau.

 

Ông Nguyễn Văn Phú nhớ lại, địa hình xã Cẩm Mỹ như bình nguyên, bãi cỏ non mênh mông. Chỉ sau một tuần đến nơi tập kết, các lán trại đủ cho 34 người sinh sống chăn nuôi bò được chính quyền địa phương giúp sức dựng lên hoàn chỉnh. Ban ngày, đoàn chia nhau đi chăn bò, tối về kiểm tra số lượng tổng đàn. Chỉ ba tháng sau ở Cẩm Xuyên, đàn trâu, bò nhờ có thức ăn đầy đủ đã béo mập trở lại.

 

Những ngày ấy, chi bộ của đoàn sơ tán gồm có bốn đảng viên vẫn sinh hoạt thường xuyên để chọn quần chúng giới thiệu vào hàng ngũ của Đảng. Chị Lê Thị Túy là người trẻ nhất đoàn, mới 16 tuổi. Chị nhanh nhẹn, đầy trách nhiệm nên được chi bộ quan tâm, đào tạo. Cùng với thực tiễn chăm sóc đàn gia súc để bảo vệ an toàn công cụ sản xuất, chị Túy được kết nạp Đảng vào năm 1968. Đàn gia súc gầy yếu hôm nào giờ đã béo khỏe nhờ sự chăm sóc nhiệt tình của các thành viên. Những thanh niên trai tráng của đoàn còn cùng với người dân địa phương đi cắt cỏ để đêm đến vỗ béo trâu, bò chóng lớn, chóng sinh sản. Vì thế tiếng tăm đàn bò của Vĩnh Linh sơ tán ra Hà Tĩnh luôn vang xa, trở thành mô hình kiểu mẫu chăm sóc trâu, bò cho các đơn vị học tập. Nhiều người nhớ mãi trong những lần đi cắt cỏ vỗ béo cho gia súc, anh Nguyễn Văn Ngà đã bén duyên với chị Nguyễn Thị Bé, một thiếu nữ xinh đẹp của địa phương. Chị yêu anh vì mến phục tinh thần quả cảm của người dân Vĩnh Linh. Người dân Vĩnh Linh không chỉ dành tình yêu thương con người, mà còn lo cho cả gia súc trong những lúc chiến tranh. Tiệc cưới của anh chị được tổ chức ấm áp. Đằng trai xúm lại dựng lán trại nhỏ đủ để kê vài dãy bàn ghế. Nói bàn ghế cho oai chứ sử dụng những thùng đạn dựng lên rồi dùng tre đan lại làm mặt bàn, trải khăn dù lên. Quà cưới mời khách chỉ là bánh kẹo Hải Hà và thuốc lá, những người có mặt ai cũng cảm nhận đám cưới của anh chị thật hạnh phúc, ngọt ngào.

 

Ở xã Cẩm Mỹ, số lượng trâu, bò cái sinh sản ngày càng nhiều. Đến cuối năm 1970, khi có lệnh đưa đàn trâu, bò trở về Vĩnh Linh phục vụ sản xuất, trưởng đoàn thống kê có 260 bê và nghé con được ra đời trên đất Cẩm Mỹ. Đàn trâu, bò trở về Vĩnh Linh không còn phải theo đường rừng nữa, mà đi quốc lộ 1 vì lúc ấy máy bay Mỹ cũng đã ngừng ném bom. Nhờ có chủ trương kịp thời sơ tán trâu, bò nên khi trở lại, Vĩnh Linh không bị thiếu hụt công cụ sản xuất. Hoàn thành trách nhiệm bảo vệ "đầu cơ nghiệp" một cách vẻ vang, những người trong đoàn quân ngày đó như những anh hùng lao động. Số trâu, bò ấy đã góp phần giúp Vĩnh Linh phục hồi sản xuất nông nghiệp để từng bước trở thành huyện giàu có như hôm nay.

 

Sau khi trở về Vĩnh Linh, trong số 34 người ấy có người chuyển ngành sang quân đội, công nhân, người tham gia các hợp tác xã nông nghiệp, làm cán bộ xã… đến hôm nay họ còn lại không đến mười người. Mong muốn lớn nhất của các bác được một lần trở lại xã Cẩm Mỹ để cảm ơn những con người và mảnh đất đã che chở, cưu mang đoàn cũng như che chở một gia tài, cơ nghiệp rất lớn của nhân dân Vĩnh Linh.

 

Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY/ Báo Nhân Dân

Bài viết liên quan